Vươn lên làm giàu từ trồng chuối theo chuỗi liên kết

Đồng Nai có diện tích trồng chuối xuất khẩu đứng đầu cả nước. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và cho năng suất, chất lượng cao, giúp nhiều người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Trong đó, khu vực kinh tế hợp tác, nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác được đánh giá là một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết.

Ông Hoàng Văn Lập, thành viên Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) cho biết, trước đây, vùng này có nhiều loại cây trồng khác nhau như: hồ tiêu, cà phê nhưng hiệu quả không cao, cuộc sống của người dân vẫn khó khăn. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi sang trồng chuối cấy mô cho lợi nhuận cao.

Năng suất trung bình của loại cây này đạt 50 tấn/ha, với giá bán 10 ngàn đồng/kg chuối tươi, người nông dân lãi khoảng 300 triệu đồng/ha.

Xây dựng chuỗi liên kết

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Lâm Sinh, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện chuỗi liên kết người nông dân, doanh nghiệp, HTX và nhà khoa học, Nhà nước. Mối liên kết chuỗi này đã và đang thực hiện tốt các khâu từ trồng chuối đến tiêu thụ chuối.

Chuối tươi được sơ chế, bảo quản, đóng gói tại cơ sở đóng gói chuối tươi tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai trước khi đưa ra thị trường quốc tế. (Ảnh: LX)

Chuối tươi được sơ chế, bảo quản, đóng gói tại cơ sở đóng gói chuối tươi tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai trước khi đưa ra thị trường quốc tế. (Ảnh: LX)

Đơn cử, huyện Trảng Bom đã xây dựng được các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chuối cấy mô giữa Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô xã Bàu Hàm và Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô xã Sông Thao với Công ty TNHH Nông nghiệp Sông Thao có quy mô gần 800ha.

Đặc biệt là chuỗi liên kết chuối cấy mô của HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình với diện tích khoảng 300ha chuối. Trung bình mỗi năm, HTX xuất khẩu khoảng 3.500 tấn sản phẩm chuối vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Để trái chuối bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, HTX Thanh Bình đã tổ chức trồng chuối sạch theo quy trình khép kín với chất thải hữu cơ trong sản xuất được tận dụng làm phân bón lại cho vườn chuối. Đồng thời, HTX đã đầu tư dây chuyền sơ chế biến với công suất 100 tấn trái chuối nguyên liệu/tháng.

"HTX Thanh Bình là đơn vị tiên phong tham gia kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp khi nghiên cứu sử dụng những phụ phẩm vốn bỏ đi, như: bẹ chuối, xơ, sợi chuối sấy khô làm nguyên liệu để làm ra các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường", Giám đốc Lý Minh Hùng cho hay.

Năm 2022, Đồng Nai đã xuất khẩu hơn 400.000 tấn chuối, dự kiến năm 2023 xuất khẩu hơn 500.000 tấn. Chuối tươi của Đồng Nai chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, và một số thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia.

Bà Nguyễn Thị An, thành viên HTX cho biết, gia đình bà đã trồng chuối hơn chục năm, có vui có buồn vì chuối nhưng đến nay vẫn gắn bó với diện tích hơn 5ha. Cũng nhờ cây chuối, vợ chồng bà có thu nhập ổn định, nuôi 2 con học đại học và có của để dành, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

Yên tâm đầu ra cho sản phẩm chuối

Sau khi có Nghị định thư về xuất khẩu chuối chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số hệ thống siêu thị tại Nhật Bản có kế hoạch tăng nhập khẩu chuối Việt Nam với khối lượng không giới hạn, miễn là bảo đảm chất lượng, nông dân Đồng Nai càng tăng diện tích trồng chuối vì an tâm hơn về đầu ra lâu dài cho sản phẩm chuối tươi.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 155.000 ha trồng chuối với sản lượng gần 2,5 triệu tấn/năm. Hiện, cả nước có 35 tỉnh với 286 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó, Đồng Nai là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với 30 vùng trồng và 39 cơ sở đóng gói.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết: Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác. Thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung, phát triển bền vững theo hướng không tăng diện tích mà đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị. Để đạt được điều này, tỉnh sẽ phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí logistics.

Tuy nhiên, đại diện HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình chia sẻ, khó khăn hiện nay của HTX là thiếu dây chuyền máy móc để chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đây cũng là khâu yếu nhất của nhiều HTX đang gặp phải. “Bán 1kg chuối tươi có giá 10 ngàn đồng, nhưng sau khi chế biến sẽ bán được khoảng 20 ngàn đồng. Tôi cho rằng, đây là vấn đề mà các HTX phải suy nghĩ, làm sao để tỷ lệ bán tươi ít đi, tỷ lệ chế biến tăng lên”, ông Hùng nói.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/vuon-len-lam-giau-tu-trong-chuoi-theo-chuoi-lien-ket-1091525.html