Vườn chè dây của thầy Tú

Hơn 3 năm gây dựng, vườn chè dây 1 ha của thầy giáo Lê Anh Tú (tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã phát triển ổn định, thu lãi 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho hơn 8 lao động địa phương với mức lương 300.000 đồng/ngày.

Thầy Lê Anh Tú (44 tuổi) quê ở huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), học Đại học Sư phạm Đà Nẵng; ra trường, đi dạy ở thành phố này được 1 năm; năm 1998, thầy xung phong lên xã Hòa Bắc, nơi có nhiều người dân tộc Cơ Tu sinh sống, dạy tại điểm trường Nam Mỹ của Trường Tiểu học Hòa Bắc.

Tại đây, mỗi lần đến nhà vận động học sinh đi học, thầy Tú được người dân mời loại nước lá có màu vàng trong, thơm nhẹ, khi uống thì có vị đắng và ngọt hậu, rất ngon và lạ. Hỏi ra mới biết đây là nước uống nấu từ cây chè dây - loại lá cây rừng đặc trưng của người Cơ Tu. Đây cũng là một trong những thức uống được ví như "thần dược", giúp người Cơ Tu luôn khỏe mạnh.

Cây chè dây ưa ẩm, mọc hoang cạnh các thác nước, được thấy nhiều ở các tán rừng có độ cao từ 700-1.500 m. Ngày trước, người Cơ Tu đi phát rẫy, lên rừng săn bắn, thấy loại cây này mọc dại liền bứng cả gốc lẫn ngọn về phơi khô. Cành và lá chè dây phơi khô nấu nước uống rất tốt cho sức khỏe, được y khoa xác định có công dụng chữa bệnh dạ dày, kháng viêm, ăn ngon, dễ ngủ,…

Thầy Lê Anh Tú trong vườn chè dây của mình

Thầy Lê Anh Tú trong vườn chè dây của mình

Tuy nhiên, vì khai thác ồ ạt, chè dây trong tự nhiên dần hiếm. Thầy Tú tìm hiểu thổ nhưỡng, điều kiện thuận lợi để tự nhân giống ươm trồng. Năm 2015, vườn ươm đầu tiên của thầy ra đời trên diện tích 100 m2, với hơn 50 bầu ươm. Nhưng vì chưa nắm rõ kỹ thuật, thầy thất bại, cây không phát triển. Khi biết huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đang triển khai một vườn ươm chè dây do Trường Đại học Nông Lâm Huế tổ chức, thầy Tú lặn lội tìm đến, học hỏi kỹ thuật ươm trồng, cách chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè dây tươi và khô.

Đến năm 2019, thầy đầu tư 450 triệu đồng để xây dựng vườn chè dây trên diện tích 1 ha rừng của gia đình. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang hỗ trợ 100 triệu đồng. Sau đó, thầy được hướng dẫn đăng ký OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), lúc đó thương hiệu Chè dây Hòa Bắc Lê Anh Tú mới ra đời.

Để cây chè dây phát triển tốt, nhà nông cần đúc trụ bê tông, đan giàn lưới thép kiên cố tạo khung cho cây leo lên, sinh sôi, đâm chồi. Đặc biệt, thầy thiết kế hệ thống, dẫn trực tiếp nước suối từ nguồn, lắp hệ thống phun sương tự động để chủ động tưới tiêu cho vườn.

Đặc biệt, cây chè dây không bị sâu bệnh hại, chỉ cần bảo đảm tưới nước mỗi ngày. Do vậy, cây không cần sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vẫn sinh trưởng mạnh.

Đến nay, vườn chè dây của thầy Tú đã phát triển ổn định, sản lượng cao. "Chè dây có khả năng tái sinh chồi mạnh sau khi cắt cành, vì vậy cứ 45 ngày thu hái một lần. Sau chế biến, thu được khoảng 350 kg chè khô, giá bán hiện thời 180.000 đồng/kg. Mỗi năm thu 12 tạ chè dây khô, sau khi trừ đi chi phí, gia đình thu lãi hơn 150 triệu đồng" - thầy Tú cho biết.

Với phương châm sản xuất sạch, an toàn, sản phẩm chè dây của vợ chồng thầy Tú được tiêu thụ mạnh tại TP Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước; đạt giải nhì trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Hội LHPN TP Đà Nẵng tổ chức. Mới đây, thương hiệu Chè dây Hòa Bắc được Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP Đà Nẵng khảo sát, tạo đường tiêu thụ vào các khách sạn, resort hạng sang ở trên địa bàn thành phố.

Thời gian tới, thầy Tú nói sẽ mở rộng quy mô vườn chè lên 2 ha và liên kết với các hộ dân để chủ động nguyên liệu sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về rừng dược liệu. Đây cũng là một trong những cách giúp người Cơ Tu bám đất bám rừng, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững…

Bài và ảnh: Hải Định

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/vuon-che-day-cua-thay-tu-20231116211339392.htm