Vững tin bước vào vận hội mới

Mặc dù tăng trưởng GRDP năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra là 7,5 - 8% nhưng mức tăng 5,8% cũng không phải là quá thấp đối với 'đầu tàu' kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19, xung đột quốc tế và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường. Kết quả quan trọng này đã cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Thành phố, sự đồng lòng, chung sức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp... Đây là tiền đề to lớn để TP.HCM vững tin bước vào năm mới 2024 với thế và lực mới.

Vượt qua “cơn gió ngược”

Tại Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI mở rộng diễn ra đầu tháng 12/2023, lãnh đạo Thành phố đánh giá: Thành phố đã vượt qua “cơn gió ngược”, vừa khắc phục khuyết nhược, vừa duy trì phục hồi, vừa kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến tích cực từng tháng, từng quý trong bối cảnh năm 2023 có nhiều khó khăn thách thức do hậu quả đại dịch Covid-19, sự tác động khó lường của tình hình thế giới cũng như những vướng mắc, tồn đọng nội tại phức tạp kéo dài, các vụ án nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, kinh tế TP.HCM vẫn đạt tăng trưởng khá.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dự báo cả năm 2023 tăng khoảng 5,8%. Tuy chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng nhìn lại quý 1/2023 chỉ tăng 0,7%, quý 4/2023 đã tăng 9,62%, cho thấy kết quả đó rất đáng trân trọng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đề ra trong năm 2023 đạt được kết quả nhất định, các chương trình trọng điểm, đột phá phát triển Thành phố theo Nghị quyết (NQ) Đại hội XI của Thành phố được tăng tốc, đẩy mạnh và tổ chức thực hiện quyết liệt.

Nhiều dự án trọng điểm về giao thông, đô thị, môi trường, văn hóa - xã hội… đã được khởi động, tái khởi động và tăng tốc. Trong đó có các công trình ngừng thi công nhiều năm được tái khởi động và hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cơ bản phát triển ổn định, nhất là các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ trọng yếu và du lịch. Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư triển khai tích cực; thị trường bất động sản, nhà ở bắt đầu có tín hiệu phục hồi, nhiều dự án được tháo gỡ thủ tục. Hoạt động ngân hàng và các chương trình tín dụng được duy trì ổn định.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung, thu ngân sách Nhà nước vẫn nỗ lực hoàn thành, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế cũng như đội ngũ thực thi công vụ. Thành phố đã triển khai có hiệu quả các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, phúc lợi xã hội, việc làm, giảm nghèo bền vững; hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân có nhiều điểm sáng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết: Vượt qua nhiều thách thức, các nhiệm vụ chủ yếu năm 2023 đã cơ bản hoàn thành, tăng trưởng phục hồi từng bước, quý sau cao hơn quý trước; góp phần thúc đẩy, phục hồi kinh tế phát triển và tạo đà cho 2 năm còn lại của nhiệm kỳ. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của cả nước, nhất là góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Từ cuối năm 2022, Thành ủy Thành phố đã bàn, cân nhắc, tận dụng thời cơ, thuận lợi cũng như thử thách để vượt qua khó khăn, bên cạnh việc khắc phục hậu quả do dịch Covid-19, tác động chung của tình hình thế giới cũng như tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng. Thành ủy Thành phố đã kịp thời nhận định, đánh giá khá sát với tình hình, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để tiếp tục khắc phục, thích ứng, tháo gỡ, khơi thông nguồn nhân lực, chủ động tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, TP.HCM vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém về kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt kế hoạch, công tác lập quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, các chương trình giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, nhà ở xã hội chưa có nhiều chuyển biến. Công tác xây dựng chính quyền đô thị thông minh, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính và chất lượng công vụ chưa đạt yêu cầu mong muốn; sự phân cấp, phân quyền và phối hợp giữa các sở, ngành, các cơ quan Nhà nước có lúc có nơi còn chưa tốt…

Dự báo năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu chưa có nhiều lạc quan; kinh tế trong nước tiếp tục bị tác động tiêu cực từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong, TP.HCM đã và đang chuẩn bị tư tưởng, tâm thế, động lực sẵn sàng vừa tăng tốc, vừa vượt chướng ngại vật về đích.

Theo đó, trong năm 2024, trên cơ sở tận dụng thời cơ tối đa, phát huy những cơ hội, thích ứng linh hoạt với những biến động bất thường, Thành phố sẽ tập trung khắc phục những hạn chế, chủ động, tự lực, tự cường đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển.

Thành phố sẽ tập trung phát triển chiều sâu trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính là đầu tư tiêu dùng và xuất khẩu. TP.HCM cũng sẽ phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, thu hút có chọn lọc các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn vào đầu tư lĩnh vực chiến lược như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, năng lượng sạch. Đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi cung ứng.

Thế và lực mới từ Nghị quyết 98

Trong vòng 5 năm (từ 2018 - 2023), Trung ương đã dành sự ưu ái đặc biệt cho TP.HCM khi Quốc hội ban hành NQ 54, sau đó được thay thế bằng NQ 98 về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.

Tại Kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân (HĐND) khóa X TP.HCM vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố xác định chủ đề năm 2024 là "Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và NQ 98 của Quốc hội”, trong đó Thành phố đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt từ 7,5 - 8%. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đột phá, trong đó có các giải pháp thực hiện NQ 98.

Sau khi Quốc hội ban hành NQ 98, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 27 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện NQ 98; thành lập Ban chỉ đạo và Ban điều hành triển khai NQ 98; ban hành Kết luận số 753 thống nhất chủ trương trình Chính phủ ban hành Nghị định mở rộng phân cấp ủy quyền cho Thành phố cũng như kiến nghị Trung ương sửa đổi một số cơ chế, chính sách còn bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Cùng với đó, HĐND TP.HCM đã thông qua 14 NQ cụ thể hóa việc triển khai 28 đầu việc NQ 98 như chi thu nhập tăng thêm, xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, thành lập Sở An toàn thực phẩm, cơ cấu tổ chức của các đơn vị hành chính trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức…

Thực hiện các công việc liên quan đến NQ 98, đến nay đã có 2/11 nhiệm vụ của bộ ngành Trung ương và 7/22 nhiệm vụ của TP.HCM hoàn thành. Các nhiệm vụ tiếp tục đang được Thành phố và các cơ quan Trung ương triển khai theo chỉ đạo, có đề xuất điều chỉnh thời gian trình, nội dung liên quan phù hợp với tình hình thực tế.

Để tiếp tục sớm đưa NQ 98 đi vào thực tiễn, lãnh đạo TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ ngành Trung ương, các tỉnh, Thành phố với tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”; tham gia xây dựng văn bản của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố…

Đồng thời xây dựng các cơ chế đặc thù, các quy định triển khai thực hiện thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND Thành phố. Công tác cụ thể hóa NQ 98 ở cấp Thành phố theo thẩm quyền HĐND, UBND Thành phố sẽ được hoàn thành trong năm 2023.

Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1/8/2023 bao gồm 44 cơ chế, chính sách trong 7 lĩnh vực khá toàn diện, trong đó có 27 chính sách mới, đặc thù áp dụng tại Thành phố với tinh thần tháo gỡ tối đa các rào cản, cho phép Thành phố được áp dụng thể chế, chính sách vượt trội nhằm tạo điều kiện cho Thành phố có bước phát triển đột phá phát huy vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu, dẫn dắt và đóng góp tốt hơn cho phát triển kinh tế của Vùng kinh tế động lực và cả nước.

Vào ngày 26/11/2023, chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai NQ 98, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: TP.HCM đã tự tin, hiệu quả hơn trong xây cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, triển khai có kết quả, tạo động lực, niềm tin, góp phần thúc đẩy phát triển Thành phố trong năm 2023 đạt được tăng trưởng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước.

Theo Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện hiệu quả NQ 98, suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan còn có tư tưởng chưa thông, tiếp cận chưa đúng, cần tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa những thủ tục không cần thiết.

Các bộ, cơ quan và TP.HCM phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đề xuất phương án cụ thể, rõ ràng, ở tầm cao hơn, mạnh mẽ hơn, khả năng xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, ban hành quy định khả thi trong triển khai thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số nội dung NQ 98 trong tháng 1/2024. Trong đó có nội dung liên quan đến thực hiện dự án theo hợp đồng BT; chính sách miễn thuế thu nhập trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; phân cấp quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực cho TP. HCM (cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố, mở rộng việc phân cấp, ủy quyền); bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường của TP.HCM.

Cùng với đó là các nội dung về lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, xây dựng hạ tầng tuyến đường sắt đô thị, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, áp dụng mức chuẩn nghèo theo đặc thù, xác định tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước trong các dự án hợp tác công tư, cấp Phiếu lý lịch tư pháp…

Năm 2023 khép lại với nhiều biến động về chiến sự thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Trong gam màu “kém sáng sủa” đó, kinh tế TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng chung kinh tế cả nước. Sắc Xuân năm 2024 đang rộn ràng trên mọi nẻo đường, người dân và cộng đồng doanh nghiệp có quyền kỳ vọng kinh tế TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung sẽ có những bứt phá ngoạn mục, đón vận hội “rồng bay” để cất cánh, vươn xa.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vung-tin-buoc-vao-van-hoi-moi-165335.html