Vùng quan tâm - Nơi ánh sáng chứa đầy bóng tối

Đạo diễn Jonathan Glazer. Ảnh: Internet

Tại lễ trao giải Oscar 2024 mới đây, bộ phim Vùng quan tâm (tựa tiếng Anh: The Zone of Interest) do Jonathan Glazer viết kịch bản và đạo diễn, Vương quốc Anh và Ba Lan đồng sản xuất, đã giành 2 giải cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất và Âm thanh hay nhất. Trước đó, phim từng giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim như giải Grand Prix và FIPRESCI, được Ủy ban xét duyệt quốc gia vinh danh là một trong năm phim quốc tế hay nhất năm 2023, giành được 3 giải BAFTA, trong đó có Phim không nói tiếng Anh hay nhất, và được đề cử 3 giải Quả cầu vàng.

Mt không gian, hai thế gii

Bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên được xuất bản vào năm 2014 của Martin Amis và những sự kiện có thật. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống gia đình của hai vợ chồng Rudolf Höss (do Christian Friedel đóng) - chỉ huy trại tập trung Auschwitz - và Hedwig (do Sandra Hüller đóng) cùng 5 đứa con trong một ngôi nhà ở vùng quan tâm - tức khu vực xung quanh trại.

Ngôi nhà của Rudolf Höss bình dị nhưng gọn gàng, sạch sẽ, tinh tươm và xinh xắn. Lối đi ngoài sân được lát đá, hai bên trồng cỏ và những khóm hoa khoe sắc. Ngoài ra còn có một khu vực cho trẻ em vui chơi với hồ bơi, cầu trượt, một khu vực để trồng các loại rau củ và hoa theo mùa. Mỗi khi có thời gian, Höss đưa bọn trẻ đi bơi và câu cá, còn Hedwig dành thời gian chăm sóc khu vườn. Khi mẹ của cô đến chơi, bà đã rất hạnh phúc với cơ ngơi của con gái. Còn Hedwig cũng không giấu được sự tự hào và mãn nguyện với cuộc sống hiện tại của mình. Cả hai mẹ con cô đã cùng cười vang khi cô kể người ta gọi cô là “bà hoàng của Auschwitz”. Khi Höss nhận được tin sẽ phải chuyển đến Oranienburg, gần Berlin, cô yêu cầu anh thuyết phục cấp trên để cô và những đứa trẻ ở lại nhà của họ. Vùng quan tâm giờ đây là thiên đường mà cô không muốn rời xa.

Bộ phim tuy đề cập đến một trong những ký ức khủng khiếp nhất của nhân loại trong thế kỷ XX, cuộc diệt chủng dân tộc Do Thái của Đức Quốc xã, nhưng hoàn toàn không có một cảnh quay nào mô tả trực tiếp những gì diễn ra trong khu trại Auschwitz. Tuy vậy, từ bên này nhà của Hedwig có thể nhìn thấy một phần tường, mái và ống khói của các khu trại Auschwitz. Từ bên này có thể nghe rất rõ tiếng súng, tiếng quát tháo, đánh đập, tiếng la hét, gào thét, âm thanh của xe lửa và các lò hơi ngạt dùng để đốt các tù nhân vang sang rất rõ ràng. Nỗi đau của những tù nhân Do Thái trong các trại tập trung tuy chỉ được khắc họa bằng vài ba âm thanh và hình ảnh nhưng vẫn khiến người xem cảm nhận được một cách sâu sắc. Phía bên kia bức tường, ngay sát thiên đường, chính là địa ngục.

Song những vọng âm từ địa ngục chưa bao giờ khiến cho cuộc sống ở thiên đường bên này giảm đi sự hạnh phúc. Ngược lại, chính địa ngục đã góp phần vun xới cho cuộc sống của gia đình Hedwig trở nên đẹp đẽ hơn. Trong ngôi nhà xinh xắn của mình, Höss ngồi phê duyệt thiết kế một lò hơi ngạt mới do Topf và Sons tạo ra với mục tiêu thiêu hủy được càng nhiều tù nhân càng tốt, giúp anh ta được cấp trên coi trọng và thăng chức. Những người phụ nữ được mặc những bộ quần áo đẹp lấy từ các tù nhân ở khu trại về. Cậu con trai lớn của họ hằng đêm chơi với những chiếc răng vàng của các tù nhân. Những hàng cây được chăm bón bằng xác tro từ các lò hơi ngạt. Tiếng cười đùa từ vùng quan tâm hẳn đã vang vọng sang phía bên kia bức tường.

Bằng thủ pháp đối lập và gợi mở, bộ phim xây dựng song song, vùng quan tâm và trại Auschwitz, thiên đường và địa ngục, chỉ cách nhau một bức tường. Bức tường đó đã chia cách một không gian thành hai thế giới. Nhưng liệu đó có phải là vách ngăn duy nhất?

Một cảnh trong phim Vùng quan tâm. Ảnh: Internet

Bc tường vô hình

Trong phim, một bức tường cụ thể, hữu hình màu xám đen phân chia hai khu vực, nhưng nó thật sự không đủ cao để che khuất hoàn toàn tầm nhìn của những người ở vùng quan tâm qua trại. Bức tường đó cũng không đủ dày dặn, vững chắc để cách âm. Không gì khác, chính sự lãnh cảm, thờ ơ với nỗi đau của người khác mới là bức tường tuy vô hình nhưng lại cao nhất, kiên cố nhất, ngăn chia hai thế giới đối lập nhau như vậy.

Phim đã tập trung lột tả sự thoải mái, mãn nguyện của những người trong vùng quan tâm, bất kể phía bên kia bức tường không ngừng vang lên những thanh âm của địa ngục. Trong khi mẹ của Hedwig đã phải rời đi chỉ sau một vài ngày vì không thể chịu đựng tiếng gào thét mỗi đêm vọng từ trại sang, trong khi cậu con trai nhỏ thì thầm một mình “làm ơn đừng làm thế nữa” khi nghe tiếng đánh đập và van xin phía bên kia bức tường, thì những người còn lại đều lãnh cảm. Những chi tiết đắt giá, như cảnh Hedwig thử chiếc áo khoác và cây son môi trong túi áo, cảnh Höss và các cộng sự bàn về các lò hơi ngạt, cảnh người làm chà rửa đôi ủng của Höss mang từ trại về trước khi mang vào nhà cất, cảnh bón phân bằng tro… không khiến khán giả ngay lập tức bị choáng, nhưng sẽ không thôi ám ảnh vì tính chất phi nhân của nó.

Thủ pháp đối lập được sử dụng xuyên suốt bộ phim nhằm đặc tả sự tương phản của hai vùng không gian, ngay cả khi phim chỉ tập trung khắc họa đời sống thường nhật diễn ra trong ngôi nhà của gia đình Rudolf Höss. Sự tương phản được đẩy cao hơn nữa khi nhà làm phim tường thuật chi tiết cô gái giúp việc người Ba Lan tối đến lẻn ra ngoài giấu đồ ăn vào những nơi mà các tù nhân Do Thái làm việc bằng những thước phim âm bản. Đó là hành động có đạo đức, có nhân tính hiếm hoi trong phim nhưng lại trở nên bất thường, nguy hiểm và được thực hiện một cách lén lút, đầy tội lỗi.

Vùng quan tâm là nơi người ta có thể sống cuộc đời bình dị, hạnh phúc, viên mãn nhưng cũng là vùng nhân tính bị lãng quên, nỗi đau của người khác bị thờ ơ, và tội ác được đem ra bàn bạc với tất cả sự vô cảm và độc ác của nó. Đó là nơi ngập tràn ánh sáng mặt trời nhưng lại phủ đầy bóng tối của sự phi nhân.

Mt d án v hin ti

Trong cuộc phỏng vấn với Guardian, Jonathan Glazer kể rằng, vài năm trước, khi biết ông làm phim về phát xít Đức, cha của ông đã rất tức giận, nói: “Cha không hiểu con làm điều này để làm gì. Tại sao con lại đào xới chuyện này? Hãy để cho nó qua đi”. Khi đó, ông nói với cha rằng: “Con thực sự ước mọi thứ có thể trôi đi, nhưng không, cha ơi, đây không phải là bộ phim dành cho quá khứ. Dự án kể về hiện tại, về sự thờ ơ của con người”. Quả vậy, Vùng quan tâm không chỉ là câu chuyện khơi lại nỗi đau từ quá khứ.

Thoạt tiên, Vùng quan tâm dường như dấn bước vào chủ đề luôn mang nhiều thách thức về mặt đạo đức và thẩm mỹ: Chủ đề Holocaust. Nhưng bộ phim không đi vào khai thác tội ác của Đức Quốc xã hay nỗi đau tột cùng của người Do Thái trong các trại tập trung. Thay vào đó, phim hướng đến lột tả sâu sắc sự vô cảm đến tận cùng của con người trước nỗi đau của người khác.

Cuối phim, khi Höss rời văn phòng ở Berlin và đi xuống cầu thang, dừng lại, nôn khan liên tục và nhìn chằm chằm vào bóng tối của hành lang tòa nhà thì xuất hiện cảnh ngày nay, một nhóm người lao công đang dọn dẹp Bảo tàng Auschwitz-Birkena. Họ mở cửa trại trong khi trò chuyện vui vẻ. Những đôi giày của các nạn nhân Do Thái được chất đầy trong tủ là chứng tích của tội ác.

Chúng nằm im ở đó, còn những người lao công vẫn cần mẫn làm công việc dọn dẹp mà không có chút cảm xúc nào trước chúng. Thế nên, với Vùng quan tâm, Jonathan Glazer không chỉ nhằm nhắc nhở chúng ta về lịch sử của một tội ác trong quá khứ mà còn không ngừng lên án, cảnh báo về khả năng lặp lại của lịch sử nếu như con người vẫn thờ ơ, vô cảm như trước đó, và như bây giờ.

Bằng nghệ thuật kể chuyện sắc lạnh, tỉ mỉ, chậm rãi với những chi tiết sắc sảo, nhiều gợi dẫn, Vùng quan tâm đã đề cập đến vấn đề lương tri và nhân tính một cách mạnh mẽ và đầy ám ảnh, như lời nhận xét của một thành viên trong Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ - đơn vị tổ chức giải Oscar: “Tác phẩm không cố gắng gửi thông điệp về sự tàn bạo của nạn diệt chủng, mà ẩn dụ cho việc có những điều khủng khiếp đang xảy ra khắp thế giới trong khi mọi người vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường của mình”. Và sự thờ ơ trước nỗi đau của người khác còn có thể khủng khiếp như chính tội ác vậy.

BÍCH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/314818/vung-quan-tam-noi-anh-sang-chua-day-bong-toi.html