Vùng đất 'gian lao mà anh dũng'

Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

Bãi Sau là bãi tắm thu hút đông đảo du khách.

Dựng xây nền móng

Tỉnh BR-VT có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ hướng ra biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Trong hai cuộc kháng chiến, BR-VT từng là nơi tranh chấp ác liệt giữa ta và địch. Sự hy sinh gian khổ, ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân nơi đây đã trở thành biểu tượng bất diệt, mãi lưu danh. Có thể kể đến những địa danh lịch sử Nhà tròn Bà Rịa, Địa đạo Long Phước, Địa đạo Hắc Dịch, Căn cứ Minh Đạm, Bến Lộc An, trận đánh oanh liệt với chiến công chói lọi Bình Giã... 4 năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 30/5/1979, Quốc hội quyết định thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trực thuộc Trung ương, gồm thị xã Vũng Tàu, huyện Côn Đảo và xã Long Sơn với nhiệm vụ quan trọng là trung tâm dịch vụ cho thăm dò, khai thác dầu khí.

Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn cần không gian địa kinh tế - chính trị đủ rộng và lớn mạnh, hình thành khu kinh tế động lực của khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Nam gắn với củng cố thế trận quốc phòng an ninh trên biển, vì vậy, ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII, Kỳ họp thứ 9, đã ban hành Nghị quyết thành lập tỉnh BR-VT. Từ 5 đơn vị hành chính ban đầu là Vũng Tàu và 4 huyện Châu Thành, Xuyên Mộc, Long Đất, Côn Đảo, đến nay, toàn tỉnh có 8 đơn vị hành chính gồm hai thành phố là Vũng Tàu và Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc, Côn Đảo.

Với lợi thế điều kiện tự nhiên hơn 300 km bờ biển, hệ thống sông ngòi kết nối hàng hải thuận lợi, những dãy núi thấp nối liền với biển có hệ sinh thái phong phú, là điều kiện lý tưởng để BR-VT định hướng, tập trung phát triển 4 mũi nhọn kinh tế công nghiệp - cảng biển, logistics - du lịch và nông nghiệp chất lượng cao.

Từ chỗ chỉ có các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, phân bổ rải rác, đến nay, toàn tỉnh có 13 khu công nghiệp (KCN) tập trung đang hoạt động, với gần 600 dự án đầu tư và đang tiếp tục phát triển thêm 4 KCN khác. Thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh, hiện có 465 dự án đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Đặc biệt quy hoạch hệ thống cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/1992, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển hệ thống cảng biển nước sâu tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Cái Mép - Thị Vải trở thành cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ, thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới từ năm 2019.

Khách thập phương rất yêu thích Vũng Tàu và nhiều điểm du lịch của tỉnh BR - VT.

Với tầm nhìn chiến lược, hiện nay, BR-VT đã hoàn thành Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, tạo cơ sở pháp lý để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện, nhằm kết nối tỉnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhận diện và khai thác tiềm năng, thế mạnh với tư duy đột phá và tinh thần luôn tự chủ, định hướng đúng và trúng trong từng thời điểm, thu hút đầu tư có chọn lọc, chính là những yếu tố “dựng xây nền móng”, đưa tỉnh BR-VT tiến bước vững chắc.

Số liệu minh chứng cho thấy, cơ cấu kinh tế của tỉnh BR-VT thay đổi rõ rệt, nếu như tỷ trọng công nghiệp năm 1992 chỉ chiếm 14,5% , thì đến năm 2020 tăng lên 53,62% ; tỷ trọng nông nghiệp giảm đáng kể từ 23% (năm 1992) xuống còn 8,18% (năm 2020).

Từ vùng đất còn hoang hóa, tỷ lệ dân số đói và nghèo chiếm 25%, thế nhưng sau hơn 30 năm, đến nay BR-VT được xếp vào nhóm địa phương có hạ tầng giao thông đường bộ khang trang, đồng bộ nhất nước. Đặc biệt, BR-VT là một trong số ít các tỉnh, thành tự chủ động cân đối ngân sách địa phương trong suốt giai đoạn từ năm 1996 đến nay.

Phát biểu tại buổi triển khai Quy hoạch tỉnh mới đây, Bí thư tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh: “Vai trò, vị thế của BR-VT được thể hiện rõ trong tiến trình phát triển của đất nước và là một cực tăng trưởng quan trọng, với quy mô kinh tế (GRDP), đóng góp ngân sách Trung ương, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong Top 5 các tỉnh thành dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. GRDP bình quân trên đầu người cao nhất cả nước”.

Thắp sáng tương lai

“Đường lớn” đã mở cho BR-VT vươn tới đỉnh cao mới khi Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023.

Người dân nơi đây tự tin và phấn khởi về một tương lai tươi sáng. Đó là không gian phát triển đô thị được tổ chức và sắp xếp theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại (bao gồm giao thông trên mặt đất, metro, monorail), đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh và với các đô thị trong vùng; phát triển đô thị gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Phấn đấu đến năm 2030, BR-VT cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ; khu vực dự kiến thành lập thành phố đạt tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương được xác lập trên cơ sở các khu vực phát triển đô thị: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải.

Cùng với đó, BR-VT sẽ phát triển và hiện đại hóa 8 đô thị loại V, đó là: Ngãi Giao, Kim Long, Hòa Bình, Phước Bửu, Bình Châu, Hồ Tràm, Đất Đỏ, Phước Hải và 1 đô thị sinh thái biển đảo (Côn Đảo) trở thành các đô thị vệ tinh, đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các vùng ngoại thành, vùng ven biển và khu vực nông thôn. Sau năm 2030, tỉnh sẽ nâng cấp 2 đô thị Ngãi Giao và Phước Bửu từ loại V lên loại IV; phát triển 2 đô thị mới loại V là Cù Bị và Suối Nghệ (tại huyện Châu Đức).

Để hiện thực hóa các mục tiêu, BR-VT lựa chọn 4 nhóm ngành kinh tế làm trụ cột phát triển là công nghiệp; cảng biển, logistics; du lịch; các ngành dịch vụ chất lượng cao, (không còn ngành nông nghiệp như trước); định hình 4 vùng chức năng công nghiệp - cảng biển; du lịch và đô thị biển; nông nghiệp và cân bằng sinh thái; vùng biển và hải đảo. 3 trục kinh tế động lực: Trục kinh tế động lực công nghiệp - Cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL51; Trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.HCM; Trục kinh tế động lực du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo quy hoạch, cảng Thị Vải nằm trong trục kinh tế động lực công nghiệp.

Ông Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy BR-VT khẳng định: “Tỉnh BR-VT xem việc xây dựng và triển khai Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây là cơ hội cần tận dụng để tháo gỡ những điểm nghẽn, kiến tạo động lực phát triển mới, kết hợp thực hiện 3 đột phá chiến lược: Đột phá về hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, đột phá về chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính và đột phá về nâng cao năng lực quản trị công”.

Có thể thấy, với các dự án hạ tầng giao thông đồng bộ, quy mô lớn nhất từ trước tới nay đang được khẩn trương xây dựng, chỉ hai năm nữa sẽ biến vùng Đông Nam Bộ và BR-VT trở thành nơi hội tụ, phát triển bứt phá với nhiều cơ hội mới. Chúng tôi tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân quê hương anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, “chuyến tàu” quy hoạch BR-VT đến đích như mong đợi, trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải khu vực Đông Nam Á; là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của vùng Đông Nam Bộ.

Mai Thanh Huyền

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vung-dat-gian-lao-ma-anh-dung-374244.html