Vùng cao Đà Bắc chống rét cho vật nuôi

Những ngày qua, trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng như các địa phương trong tỉnh trải qua đợt rét mới, nhiều khu vực vùng cao nhiệt độ về đêm xuống thấp. Để bảo vệ đàn vật nuôi, các hộ dân ở huyện Đà Bắc đã tăng cường che chắn chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Những ngày qua, trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng như các địa phương trong tỉnh trải qua đợt rét mới, nhiều khu vực vùng cao nhiệt độ về đêm xuống thấp. Để bảo vệ đàn vật nuôi, các hộ dân ở huyện Đà Bắc đã tăng cường che chắn chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Trong những ngày trời rét, gia đình bà Lường Thị Sọ, xóm Bao, xã Giáp Đắt (Đà Bắc) quản lý đàn bò tại chuồng.

Giáp Đắt là một trong những xã vùng cao của huyện Đà Bắc, mùa đông có khí hậu khá khắc nghiệt. Những ngày qua, về Giáp Đắt đã cảm nhận rõ cái rét buốt của mùa đông, nhất là vào sáng sớm và ban đêm. Chăn nuôi trâu, bò, dê là một trong những nguồn thu nhập quan trọng của bà con. Xóm Bao cách UBND xã hơn 5 km, hầu như hộ nào cũng chăn nuôi gia súc. Do địa hình đồi núi nên những ngày này, nhiệt độ ban đêm ở xóm Bao xuống thấp, người dân phải lùa gia súc về chuồng để quản lý. Gia đình bà Lường Thị Sọ duy trì chăn nuôi hàng chục năm qua, hiện có 3 con bò, 1 con trâu. Theo bà Sọ, những năm trước, trâu, bò chết nhiều trong mùa đông. Nguyên nhân do bà con vẫn chăn thả gia súc vào rừng, không đưa về chuồng để quản lý. Còn 2 năm gần đây, qua tuyên truyền của các cấp chính quyền, gia đình bà và nhiều hộ đã quan tâm đến công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi trong mùa đông.

"Sau vụ gặt vừa rồi, gia đình tôi đã chuyển hết rơm vào trong lều để dự trữ, chuẩn bị thức ăn cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại không thể thả vào rừng được. Mấy hôm nay khá rét rồi, ban ngày nắng ấm hơn gia đình vẫn thả lên đồi sau nhà, chiều thì lùa về chuồng. Thời tiết lạnh phải quây bạt cho chuồng kín gió, hôm nào rét quá thì nhốt ở chuồng cho ăn rơm, cắt thêm cỏ cho bò ăn, chứ không thả nữa”, bà Sọ chia sẻ.

Cùng xóm với gia đình bà Sọ, thu nhập chính của gia đình chị Sa Thị Đầy cũng đến từ chăn nuôi, đặc biệt là nuôi dê với số lượng hơn 10 con. Chị Đầy cho biết, ngày thường, gia đình sẽ thả dê lên đồi vào đầu buổi sáng, đến cuối buổi chiều thì lùa về chuồng. Tuy nhiên những ngày này, thời tiết về đêm và sáng khá lạnh, có sương nên gia đình thả dê sau khi mặt trời mọc, sương đã tan vì khi dê ăn cỏ còn có sương muối dễ bị bệnh về đường tiêu hóa. Còn chuồng trại thì dùng bạt che kín gió. Những hôm lạnh quá gia đình sẽ đốt lửa để sưởi ấm cho dê, đi cắt cỏ cho dê ăn, chứ không thả vào rừng.

Qua ghi nhận thực tế, đa số người chăn nuôi trên địa bàn huyện Đà Bắc đã có ý thức phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chuồng trại khá sơ sài, nhất là thói quen thả rông gia súc vào rừng, thiếu sự quản lý. Đồng chí Bàn Anh Thắng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Huyện có tổng đàn trâu trên 8,6 nghìn con, đàn bò trên 10,2 nghìn con, đàn dê trên 8 nghìn con, hơn 364 nghìn con gia cầm và trên 27 nghìn con lợn. Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn đã khuyến cáo người chăn nuôi trồng cỏ, trồng ngô dày trên diện tích đất không sử dụng, đất hoang, đất ven đồi để cung cấp thức ăn thô, xanh cho trâu, bò. Đặc biệt, trong những ngày giá rét, người chăn nuôi cần chủ động gia cố, che chắn lại chuồng trại và bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho vật nuôi.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/184468/vung-cao-da-bac-chong-ret-cho-vat-nuoi.htm