Vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine là một 'ý tưởng thực sự phi lý'

NATO bị nhận xét rất khó lập vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine theo đề xuất từ chính quyền Kyiv, vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi Liên minh quân sự NATO thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ nước này, mặc dù biết rằng điều đó rất thiếu tính khả thi.

Lý do là bởi vì trước hết theo nghĩa đen, điều này sẽ yêu cầu các máy bay chiến đấu của Mỹ và NATO tham gia vào một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với lực lượng hàng không vũ trụ Nga.

"Mặc dù ý tưởng về vùng cấm bay đã được các quan chức phương Tây thảo luận trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, nhưng nhìn chung nó vẫn được công nhận là một thất bại", nhà quan sát quân sự Peter Suciu của ấn phẩm 19FortyFive cho biết.

Tác giả bài phân tích cũng nhớ lại rằng trước đây khu vực cấm bay hiếm khi được sử dụng. Chúng chỉ được triển khai ba lần trong lịch sử: qua các vùng của Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, ở Bosnia năm 1992 và tại Libya năm 2011.

Điều quan trọng cần lưu ý là trong tất cả những tình huống này, Mỹ và NATO đều có ưu thế trên không áp đảo, từ đó áp đặt một cách cưỡng bức quyết định của họ lên các vị lãnh đạo bị cáo buộc "nhà cai trị độc tài" địa phương.

Ngược lại, vào năm 2015, trên mảnh đất Syria, Mỹ và liên quân đã quyết định không sử dụng bất cứ biện pháp gì thuộc loại này, tức là không có vùng cấm bay trên bầu trời Syria.

Nguyên nhân không bị giấu giếm: máy bay chiến đấu của Mỹ trong trường hợp này không chỉ có thể trở thành mục tiêu của hệ thống phòng không Syria, mà còn (quan trọng nhất là) va chạm với tiêm kích Nga.

Hiệu quả của các khu vực cấm bay cũng còn gây ra nhiều nghi vấn. Ở một mức độ nào đó, điều này đã có tác dụng chống lại Iraq và ngăn cản các bên tham chiến sử dụng không phận Bosnia, mặc dù nó không làm gì để ngăn chặn hoạt động quân sự thuần túy trên bộ.

Ở Libya, theo nhà báo Suciu, đây đã là một vấn đề nghiêm trọng, vì xung đột lan rộng trên một vùng lãnh thổ rộng lớn và các máy bay chiến đấu của NATO phải đối mặt với mối đe dọa từ các hệ thống phòng không di động.

Ukraine có diện tích lớn hơn nhiều để tuần tra, và các phi công NATO sẽ dễ bị tấn công không chỉ từ lực lượng mặt đất và máy bay của Nga bố trí gần đó, mà còn từ các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf từ lãnh thổ Nga

Nhà quan sát của tờ 19FortyFive giải thích và kết luận: "Quyết định áp dụng vùng cấm bay có thể dễ dàng lôi kéo NATO vào một cuộc chiến với Nga, ngay cả khi đây là điều mà các nhà lãnh đạo Ukraine mong muốn nhất".

Tuy nhiên theo nhà phân tích, việc kêu gọi NATO thiết lập vùng cấm bay chỉ là toan tính của Tổng thống Zelensky nhằm buộc NATO cung cấp các hệ thống phòng không tối tân cho mình trong thời gian ngắn mà thôi.

Ông Zelensky đã nhiều lần tuyên bố, nếu NATO không muốn thiết lập một vùng cấm bay thì hãy cung cấp tên lửa phòng không hiện đại để Ukraine tự đảm đương công việc.

Mong muốn trên của ông Zelensky có vẻ đã trở thành hiện thực, khi Kyiv đã nhận tổ hợp IRIS-T đầu tiên từ Đức, tiếp đó họ sẽ có thêm NASAMS, Aspide, Crotale, Hawk, và có thể cả Patriot và MEADS trong tương lai.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vung-cam-bay-tren-bau-troi-ukraine-la-mot-y-tuong-thuc-su-phi-ly-post519991.antd