Vui xuân mời bạn chơi đoán câu đố với đồng bào JRAI

Cách đây đã lâu, Quỹ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa chúng tôi có dịp đi điền dã vùng Tây Nguyên để đóng góp ít nhiều cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào Thượng.

Chị Linh Nga Niêckđăm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk nói với chúng tôi: Việc trang bị lại cồng chiêng cho nhân dân có thể làm được, nhưng tạo lại không gian văn hóa vô cùng khó khăn. Điều này là một thực tế dễ dàng nhận thấy khi chúng tôi đi thăm một số buôn làng người Jrai. Theo niên giám thống kê, đến cuối năm 2006, toàn tỉnh Gia Lai có 1.167.700 người, trong đó có 354.236 người Jrai, thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (Malayô - Pôlinexia). UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (trong đó có Gia Lai) là Văn hóa Di sản phi vật thể tuyệt vời của nhân loại. Ngoài cồng chiêng, người Jrai và người Tây Nguyên nói chung còn có nhiều loại hình sinh hoạt dân gian vô giá khác như diễn xướng sử thi, hát dân ca, sinh hoạt đố... Tiếc thay, do chiến tranh, lối sống hiện đại, toàn cầu hóa và việc các tôn giáo phương Tây sau khi được du nhập vùng đất này đã xóa bỏ tín ngưỡng cổ truyền, đã làm mất dần văn hóa truyền thống ở vùng Gia Lai và Tây Nguyên nói chung. Trong đó, phải kể đến tục lệ thách thức, đoán câu đố.

Người Jrai gọi câu đố là pơđao. Đây là một hình thức giải trí đơn thuần nhưng mang tính trí tuệ cao. Người ta thách đoán câu đố giữa hai nhóm, ít hoặc đông người, ở bất cứ đâu chứ không cần đợi đến dịp lễ hội. Sinh hoạt đố cho phép nam nữ, già trẻ, gái trai, ai cũng có thể tham gia. Từ điển tiếng Việt 2000 định nghĩa câu đố là câu văn vần mô tả người, vật, hiện tượng một cách lắt léo hoặc úp mở; thông dụng cho nhiều dân tộc (kể cả người Việt).

Chúng tôi rất tiếc khi đi thăm một số làng Jrai thì thấy sinh hoạt nơi đây chỉ được duy trì ở một số ít người, hầu hết đã có tuổi. Trong khi đó, thanh niên bị cuốn hút bởi xe máy, điện thoại di động, thời trang hiện đại...

Tác giả Nguyễn Quang Tuệ đã có công bỏ ra nhiều năm nghiên cứu nội dung hàng nghìn câu đố Jrai trong cuốn Câu đối Jrai (NXB Đà Nẵng, 2008). Sau đây, chúng tôi xin trích một số câu đố trong tác phẩm này nhằm thách thức các bạn trẻ người Việt giải mã, âu cũng là một trò giải trí ngày Tết như rút bấc, đánh tam cúc...

Thực thể và hiện tượng tự nhiên

1. Gốc ở trời xa; Ngọn rơi xuống ta? Là thứ gì?

2. Ban ngày nó đen; Ban đêm nó sáng?

3. Không bắn mà nổ?

4. Anh hiện ra, em lui vào?

5. Dưới nước không có xương?

6. Ba mươi lính khiêng một khúc củi; Mười hai tướng khiêng một ông vua?

Thực vật

7. Buổi chiều là thanh niên; Sáng sau đã đau rũ?

8. Dây đi trước, trâu bước theo sau?

9. Thân bằng cái cối, trái chúc xuống đất?

10. Thân có đốt, mình có vòng; Trái như nằm trong ổ gà?

11. Đít đằng trên, đầu đằng dưới?

12. Mẹ nó bỏ đi, con nó trốn tránh?

13. Thân bằng lông nhím; Trái mọc sum xuê?

14. Ta không tới nhà thì nó thức; Ta tới nhà thì nó ngủ?

15. Nước trong ống, đổ không ra?

16. Một con bò có ba lỗ đít?

17. Già mọc tóc đen; Trẻ lên tóc bạc?

18. Lúc nhỏ nó xanh xanh; Lớn lên nó đo đỏ; Trẻ nhỏ thấy thì khóc; Người già thấy lại thích?

19. Thân to bằng bắp đùi; Lá nhỏ bằng cái kim?

20. Còn nhỏ bằng con rắn; Lớn lên bằng con trăn?

Động vật

21. Đầu bằng trái cà mà kêu thấu trời?

22. Vào rừng lanh lợi; Ở nhà nằm co?

23. Mẹ đi trước; Con theo sau; Vừa la vừa khóc?

24. Xuống dưới nước nó có vợ có chồng; Lên trên cạn nó có nhà có cửa?

25. Mình giống chó; Lông giống beo; Ở với người?

26. Đi sau thì nó đá; Đi trước thì nó cắn?

27. Chân vịt, da cá, mền đắp; Muỗi không thể nào cắn được?

28. Ngủ mở mắt, thức nhắm mắt?

29. Thân thì mềm, ngọn lại cứng?

30. Ông già mang tảng đá trên lưng?

31. Ta đi có dấu chân; Nó đi không có vết?

Đồ vật

32. Thân nó chỉ bằng hai ngón tay; Heo sống, bò sống, nó ăn được hết?

33. Ban ngày nó cuộn, ban đêm nó trải?

34. Đi làm hăng hái; Về nhà im lìm?

35. Ban đêm nó sáng, ban ngày nó không?

36. Người không có mắt, kéo ruột theo sau?

37. Mình nó lưng cong; Bắt hàng ngàn người?

Đồ ăn uống, vật dụng ẩm thực

38. Nghi ngút lửa ăn gốc cây?

39. Có cây, có cành; Có hoa, không có trái?

Người và bộ phận cơ thể người

40. Trẻ em thích; Người già yêu; Lời nói ai cũng theo?

41. Lúc nhỏ đi bốn chân; Lớn lên đi hai chân; Về già đi ba chân?

42. Mình đi phía trước; Nó bước theo sau?

43. Ta nằm nó đứng; Ta đứng nó nằm?

44. Ngủ đêm không quên; Ngủ ngày vẫn nhớ; Chết rồi mới hết?

45. Cây trên ngả xuống; Cây dưới đâm lên?

46. Trên trái đất này, con gì chạy nhanh nhất?

47. Thân trắng nằm chắn cửa hang?

48. Núi kia xa, ta nhìn được; Núi này gần, lại chẳng thấy?

Hoạt động

49. Cây hai, lá một, quả cũng một; Mười hai người ăn hoài không hết?

50. Ở trên bờ hai chân; Xuống dưới nước ba chân?

Đáp án

1- Mưa; 2- Sao; 3- Sấm; 4- Mặt trời - mặt trăng; 5- Đỉa; 6- Ngày/tháng/năm; 7- Hoa bầu/hoa bí; 8- Bí đỏ; 9- Chuối; 10- Dừa; 11- Dứa; 12- Khoai lang; 13- Lúa; 14- Mắc cỡ; 15- Mía; 16- Quả mướp; 17- Ngô; 18- Ớt; 19- Thông; 20- Tre; 21- Gà; 22- Chó; 23- Heo; 24- Kỳ đà; 25- Mèo; 26- Ngựa; 27- Tê tê; 28- Thỏ; 29- Trâu; 30- Ba ba; 31- Cá; 32- Bật lửa; 33- Cái chiếu; 34- Cái cuốc; 35- Bóng điện; 36- Kim chỉ; 37- Cái liềm; 38- Tẩu thuốc; 39- Cột điện; 40- Bác Hồ; 41- Người ; 42- Cái bóng; 43- Bàn chân; 44- Hơi thở; 45- Hàng mi mắt; 46- Con mắt; 47- Răng; 48- Trán; 49- Đánh bóng chuyền; 50- Người xúc cá.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vui-xuan-moi-ban-choi-doan-cau-do-voi-dong-bao-jrai-n167968.html