Vui Tết đoàn kết

Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa tổ chức 'Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo' năm 2024. Hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, không để ai không có Tết.

Các hoạt động nhằm mục đích tôn vinh phong tục đón tết truyền thống của các dân tộc Việt Nam, tạo không khí vui tươi phấn khởi trước thềm năm mới.

Với ý nghĩa xã hội, để mọi người đều có Tết, ban tổ chức còn tiến hành trao những phần quà ý nghĩa cho các đối tượng chính sách, các hộ khó khăn ở tỉnh Kon Tum, tỉnh Quảng Trị, thị xã Sơn Tây, huyện Thạch Thất, Ba Vì và các đồng bào tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Vui Tết đoàn kết

Ông Trịnh Ngọc Chung , Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, Ban Quản lý đã phối hợp với ngân hàng BIDV, cùng với các nhà tài trợ, nhà hảo tâm để tổ chức chương tình “Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo”. Mục đích của chương trình là để quyên góp, tặng 600 suất quà, trí giá 1 triệu động/suất quà, cho các gia đình chính sách, đồng bào các dân tộc nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, cũng như các xã lân cận của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình “Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo” nhằm quyên góp và tặng những suất quà ý nghĩa dịp Tết đến các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc các dân tộc.

Hoạt động này cũng là dịp để các thế hệ người Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, chung tay góp phần tiếp nối và phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, chia sẻ tinh thần đón Tết cổ truyền Giáp Thìn năm 2024 ấm áp nghĩa tình, hướng tới một năm mới bình an, tốt đẹp.

Bà Nguyễn Thị Chiến, dân tộc Tày bày tỏ niềm vui khi được tham gia hoạt động, đặc biệt được tổ chức dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Hoạt động này cũng là dịp để các thế hệ người Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”

Anh Nguyễn Nam , du khách chia sẻ, tại Làng Văn hóa có nhiều lễ hội thú vị, đặc biệt là những dịp cận Tết. Như lễ hội gói bánh chưng ngày hôm nay, có khá nhiều đồng bào các dân tộc khác nhau. Ví dụ như ở Cao Bằng, Hà Giang hay các dân tộc khác, họ sẽ gói bánh chưng gù, các các dân tộc ở Đồng bằng Bắc Bộ thì sẽ gói bánh chưng vuông. Hay các đồng bào Khơ-me, người miền Nam thì họ sẽ gói bánh tét.

Thông qua các hoạt động đón Tết Giáp thìn năm 2024 thể hiện bức tranh đa dạng văn hóa, đa sắc màu văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá, giới thiệu về “ngôi nhà chung” - làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam với bạn bè trong nước và quốc tế.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/vui-tet-doan-ket-217859.htm