Vừa vặn với rừng - độc đáo tiếng hú giữa đại ngàn

Có một cách sinh cư, lập nghiệp tròn đầy, vừa vặn với rừng của người Hà Nhì ở Điện Biên.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: Thụy Văn

"Người Thái ăn theo nước, người Dao ăn theo lửa và người Mông ăn theo sương mù" - ngạn ngữ dân gian.

Có một tộc người sống ở thăm thẳm miền Tây Bắc của Tổ quốc lại "ăn theo" cả 3 yếu tố nước, lửa và sương mù. Đó là người Hà Nhì sinh cư giữa rừng nguyên sinh.

Chọn cách nép mình giữa rừng già, bên những dòng suối thanh khiết chảy từ rừng quanh năm phủ đầy sơn lam chướng khí, cuộc sống của người Hà Nhì là cả kho những câu chuyện bí ẩn tựa đại ngàn.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Điện Biên là nơi dung chứa cộng đồng người Hà Nhì đông đảo nhất Tây Bắc. Đây cũng là nơi rừng bị đốt tàn bạo để làm nương rẫy trong vòng 2 thập kỉ qua.

Nhưng thói quen đốt rừng làm nương không phải của người Hà Nhì. Thậm chí, trong quan niệm của họ, rừng có thần linh cai quản, đốt mất rừng thì thần linh trú ngụ ở đâu? Yếu tố rừng trong văn hóa của họ đậm nét hơn bất cứ dân tộc nào. Hình ảnh thân quen nhất về người Hà Nhì mà ta có thể nhìn thấy là cái bóng lướt đi với phục sức sặc sỡ của họ lướt đi giữa những khu rừng già. Những cô gái Hà Nhì đội nón đan bằng sợi mây lấp lánh trong sương mù, nơi rừng ken dày vào nhau, chỉ lọt những tia sáng hiếm hoi qua tán rừng thành những ray sáng huyền hoặc như cổ tích.

Người Hà Nhì đi rừng thỉnh thoảng lại dừng chân hú lên một tiếng to. Tiếng hú len lỏi vuốt qua những tán lá âm vang lảnh lót. Nếu rừng bị vây bọc trong núi thì tiếng hú dội vào vách đá bật lại nghe rất sảng khoái, hiên ngang.

Đi rừng cùng với họ mới thấy người đi đường rừng không thể không hú lên một tiếng. Tiếng hú nghe rất lạ, hú… ú u u… roặt… oặt. Ấy là tiếng gọi. Gọi người đi trước chờ để theo với, gọi người đi sau cố bước rảo lên mà theo kịp. Nếu đi một mình thì hú lên xem thử quả đồi bên kia có ai không. Tiếng hú của người Hà Nhì nghe rất đặc biệt như vậy cho nên họ rất dễ nhận ra nhau. Nếu núi bên kia có người hú đáp lại thì coi như gặp bạn, chẳng còn cảm thấy cô độc trong rừng nữa.

Nhà một người Hà Nhì, ở Sín Thầu, Mường Nhé. Ảnh: Thụy Văn

Thanh niên Hà Nhì tên là Lỳ Mò Hà ở Sín Thầu, Mường Nhé vừa đi cùng tôi vừa kể chuyện. Nhiều khi đi rừng, cả ngày chỉ có tiếng hú, chẳng thấy người đâu, chỉ biết rằng góc rừng ấy có tiếng hú, ắt hẳn là có một người bạn. Nghĩ thế cho đỡ lẻ loi, cô độc.

Người Hà Nhì làm nương rất xa nơi mình ở. Họ đi bộ băng rừng trong khi gùi nặng trên lưng là một kỹ năng đặc biệt không phải ai cũng bắt chước được. Khi đã đi rừng thì không dắt díu chờ nhau, chân ai nấy bước. Người đi trước lấy cành cây tạo thành kí hiệu để giữa đường để liên lạc với người đi sau điều gì đó, một cuộc hẹn nghỉ ăn trưa giữa rừng sớm hơn ở địa điểm nào đó chẳng hạn.

Cả ngày sinh nhai với rừng núi, tán cây rừng còn thân quen hơn vách trần nhà mình, thỉnh thoảng người Hà Nhì lại hú lên một tiếng xé rặng cây vang đi. Hỏi từ bao giờ ai cũng hú như vậy, họ cũng chẳng biết, cứ thấy người già hú, người trẻ học theo.

Ngẫm ra, tiếng hú ấy sảng khoái vô cùng. Tôi lúc leo lên núi theo Mò Hà, mới đi thấy đuối sức vì mệt, sau tôi nhờ Mò Hà dạy mình tiếng hú kì lạ của anh. Bằng tất cả bản năng của mình, tôi hú một tiếng to tới mức dường như nở cả phổi. Đi một hồi thấy mình thở đều hơn, nhẹ bụng, đi nhanh chân hơn, đỡ mệt. Đó phải chăng là phép điều khí mà người thành thị cứ phải học mãi trong những phòng tập gym mà vẫn thất bại? Tiếng hú để thoát hơi ra, điều hòa nhịp thở cho nên đi bộ chắc chân mà lại đỡ mệt hơn. Đi rừng mà nói cười rôm rả, vui đùa quên mệt, thì đường ngắn lại. Đi mà hờn giận, hậm hực thì tích khí hận, buồn lòng, đường càng đi càng xa.

Hóa ra tiếng hú giữa rừng lại văn minh đầy tính khoa học và giàu tình cảm như thế. Người Hà Nhì không thể không hú lên tiếng hú độc đáo của mình để liên kết lại với nhau, chống chọi với núi thiêng, rừng già, bài trừ đi cô độc. Bởi rừng che chở cho họ, nhưng cũng nhấn chìm họ trong sự cô quạnh và phủ lên cuộc sống của cộng đồng người Hà Nhì nhiều chi phối và phụ thuộc.

Đêm trước, khi trú chân trong nhà một người Hà Nhì, tôi cứ ám ảnh mãi với một đồ vật trong nhà của họ mà tôi nhìn thấy. Đó là cây sáo bằng nhôm đục vài cái lỗ đơn sơ vứt lăn lóc ở cạnh bếp lửa. Người Hà Nhì hầu như đều biết thổi sáo, kể cả phụ nữ và người già. Anh em lính biên phòng ở đây nói với tôi có những đêm ở bản, giữa khuya vẳng nghe tiếng sáo não nề rợn người, chắc là của một phụ nữ Hà Nhì có sự buồn. Dường như đó là âm thanh gợi nỗi niềm du mục, lang thang vô định, than nỗi quạnh hiu giữa đại ngàn, không ai nghe mà không thấy sầu não.

Thật ngạc nhiên là cho tới bây giờ, tỉ lệ người Hà Nhì biết nói tiếng phổ thông vẫn rất ít. Ngoài những thanh niên được đi học xa khỏi rừng thì phần lớn những người Hà Nhì vẫn thuộc về thế giới của riêng của họ. Tôi ngồi trong nhà Mò Hà nói anh gọi vợ ra để tôi chụp một kiểu ảnh kỷ niệm tặng cho họ. Mò Hà nói bằng tiếng Hà Nhì với vợ ở dưới bếp. Thiếu phụ trẻ nghe tiếng chồng gọi cứ hét váng lên những câu gì đó để trả lời. Âm điệu nghe chừng ngúng nguẩy lắm vì thẹn không muốn chụp ảnh. Giọng nói rất vang và to nhưng không hề thấy mặt đâu. Ở rừng, tiếng nói bị sương mù vây bọc, không khí nặng trịch thít lấy ngực nên từ nhỏ ai nấy đều nói lớn, cứ sợ người khác không nghe thấy.

Hiện trạng rừng già khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: Thụy Văn

Xưa, vào nhà người Hà Nhì cứ nhìn đống củi dựng ở chái bếp là biết người phụ nữ trong nhà khéo hay vụng, xem dao trong nhà sắc hay cùn là biết đàn ông tháo vát hay không. Trớ trêu là càng tiến về phía rừng thì rừng già càng lùi xa họ, cũng vì thế mà con đường băng qua đại ngàn cứ dài ra mãi.

Bây giờ, củi trong nhà không xếp thành đống lớn gọn gàng chằn chặn nữa, dao sắc mấy cũng không tùy tiện chặt cây nữa. Phần lớn những cộng đồng người Hà Nhì ở các xã biên giới Mường Nhé sinh sống giữa khu bảo tồn đều đã nhận khoán trông coi bảo vệ rừng. Mỗi năm họ được chi trả chi phí khoanh nuôi bảo vệ rừng, cũng là một món tiền có thể trang trải cuộc sống.

Đại ngàn dần trở thành ý niệm trong tiềm thức của họ. Tôi lặng người nghĩ, có khi nào sóng điện thoại 5g phủ tới tận rừng già rồi, khi đó người đi rừng không hú lên nữa. Họ thay vì ngẩng nhìn những vòm xanh lộng lẫy của rừng già để giao tiếp với vô định thì lại nhìn chằm chặp vào màn hình smartphone để rồi mãi chìm khuất vào đại ngàn không…

Thụy Văn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/vua-van-voi-rung-doc-dao-tieng-hu-giua-dai-ngan-179240426161241201.htm