'Vua' quế ở thôn vùng cao Khe Lặc

Giữa vùng núi cao gần biên giới phía Bắc có một thôn hầu hết là người Sán Chỉ, khá giàu có với những ngôi nhà cao tầng kiên cố.

Góp công lớn cho sự giàu có của thôn ấy là cây quế và một người đàn ông Sán Chỉ thầm lặng thu gom quế cho bà con đưa về xuôi tiêu thụ...

Người Khe Lặc làm giàu như thế nào?

Chúng tôi tìm đến thôn Khe Lặc, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) để khảo sát thực tế, viết vệt bài về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Khe Lặc vốn thuộc xã Đại Thành cũ, được nhập vào xã Đại Dực theo chủ trương chung. Từ đường 18C, xe chở chúng tôi vượt khoảng 6km đường nhỏ cheo leo bên vách núi mới tới được nơi này. Một bên đường vách núi dựng đứng, lô xô cỏ cây. Phía bên kia là vực sâu hun hút, lúp xúp vài ngôi nhà thấp thoáng sau những lùm cây rậm rạp.

Càng tới gần Khe Lặc, nhà cửa hai bên đường xuất hiện càng nhiều hơn. Đường bê tông rộng rãi nối những ngôi nhà cao tầng, hệt như một thị tứ nhỏ dưới xuôi và khang trang hơn rất nhiều thôn, làng vùng đồng bằng vốn được coi là trù phú. Trong sân mỗi nhà, từng chồng, từng chồng vỏ quế chất ngồn ngộn. Có phải quế chính là thứ tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, làm nên diện mạo của một thôn làng hiện đại giữa vùng núi cao gần biên giới phía Bắc nước nhà?

Tôi nghĩ thế và đề nghị xe dừng lại trước một ngôi nhà khang trang nhất, có nhiều người đang làm việc nhất và ở ngoài ngõ đỗ một chiếc xe tải lớn, vừa để hỏi về tác động của chính sách sáp nhập đơn vị hành chính tới cuộc sống người dân vùng cao, vừa tiện thể tìm hiểu xem tại sao người dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây có cuộc sống khá giả nhường kia...

Thấy đoàn chúng tôi tiến vào nhà chào hỏi, người đàn ông trung niên đang cùng mọi người xếp quế ngoài sân bèn rảo chân bước tới, đon đả chào khách. Kéo ghế mời chúng tôi ngồi bên chiếc bàn kê ngay góc sân trước nhà có mái tôn mát, anh vồn vã:

- Mời các anh ngồi uống nước. Nhà đông người làm, tôi kê luôn bộ bàn ghế uống nước ở đây cho tiện!

Anh Sằn A Phật xếp quế trong kho của gia đình. Ảnh do nhân vật cung cấp

Anh Sằn A Phật xếp quế trong kho của gia đình. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhìn đôi bàn tay, cánh tay đỏ au đang thoăn thoắt ngửa chén rót trà, tôi bật cười:

- Trông tay anh cứ như cành quế ấy nhỉ!

- Ô, anh bảo, từ sáng sớm đến tối mịt, lúc nào cũng sờ vào quế, làm sao mà chả giống cành quế!

Anh cất giọng hơi lơ lớ, đặc trưng giọng của người dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh, bật cười hóm hỉnh rồi đưa tay lên trán gạt những giọt mồ hôi. Bột quế từ tay bám lên trán thành một mảng nâu đỏ trên khuôn mặt sạm đen rắn rỏi, hệt như một thổ dân đang bôi vẽ lên mặt. Người đàn ông ấy tên là Sằn A Phật, dân tộc Sán Chỉ, sinh năm 1974, trú tại thôn Khe Lặc.

Câu chuyện của chúng tôi chủ yếu xoay quanh việc sáp nhập đơn vị hành chính và cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây. Xen giữa những câu chuyện ấy, tôi tranh thủ hỏi thêm về quá trình làm giàu của anh và người dân Sán Chỉ ở Khe Lặc. Anh Phật thành thật kể về quá trình vươn lên của gia đình, thôn làng cho chúng tôi nghe, như cây quế giữa đại ngàn vô tư xào xạc trong gió.

- Tất cả là nhờ cây quế đó! Nhà tôi có 4ha quế, trung bình 1ha quế cho thu nhập khoảng 300 đến 400 triệu đồng mỗi năm. Dân bản tôi hầu như nhà nào cũng trồng quế nên cuộc sống khá lắm!-anh Phật kể với chúng tôi như vậy.

Thực ra, người dân Khe Lặc có cuộc sống khấm khá như thế mới được ít năm gần đây. Trước đó, cũng như nhiều thôn làng vùng cao khác, Khe Lặc chỉ có những nóc nhà lúp xúp, xác xơ vì nghèo khó bủa vây. Người dân Khe Lặc khi ấy chỉ biết làm nương, làm ruộng bậc thang để trồng ngô, cấy lúa. Nhưng hầu như năm nào nước lũ cũng về tàn phá hoa màu nên thu hoạch đủ ăn đã là may mắn.

Cứ 7-8 năm lại có một trận lũ rất to ầm ầm đổ về, cuốn trôi mọi thứ. Cách đây 14 năm, năm 2008, một trận lũ lớn quét qua không chỉ cuốn trôi cây trồng, vật nuôi, tài sản của người dân mà còn cuốn trôi cả đất ruộng, đất nương, chỉ còn trơ lại nền đá, đất cứng. Gia đình anh Phật và người dân Khe Lặc phải gùi từng gùi đất lên ruộng, lên nương để bồi lại lớp đất màu.

“Chẳng lẽ cứ chịu khó khăn mãi như thế này, phải tìm cách khác làm kinh tế thôi”, anh Phật và nhiều người trong bản nói với nhau như vậy, rồi cùng nhau bàn cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào ruộng nương luôn cho thu hoạch bấp bênh vì mưa lũ. Cây quế được người dân nơi đây chọn để bắt đầu làm giàu, đơn giản vì vốn bỏ ra không nhiều, không phải lắm công chăm sóc như những giống cây đỏng đảnh khác.

- Chúng tôi mua 1.000 cây quế giống chỉ hết có 1,5 triệu đồng thôi, lại được vay vốn ưu đãi nên cũng thuận lợi. Trồng cây quế chỉ vất vả mất hai năm đầu, thi thoảng phải lên cào đất xung quanh gốc để diệt cỏ cho cây mau lớn. Sau đó thì hầu như chỉ mất công đi thu hoạch. Cây quế sinh trưởng tự nhiên nên chúng tôi cũng không tốn tiền mua phân bón như trồng các loại cây khác-anh Phật thật thà nói về nguyên nhân người dân Khe Lặc chọn quế để trồng như thế.

Mất ít năm đầu vất vả, nhưng khi cây quế cho thu hoạch thì cuộc sống của bà con thay đổi hẳn. Vì không mất nhiều thời gian chăm sóc quế nên bà con vẫn làm ruộng nương để có ngô, lúa ăn hằng ngày. Khoản thu nhập từ cây quế giúp bà con không bị đói khi lúa, ngô không may bị lũ cuốn trôi, lại mua thêm được thức ăn ngon, quần áo đẹp, dựng lại nhà cửa kiên cố, mua sắm nhiều vật dụng có giá trị phục vụ cuộc sống và công việc hằng ngày...

Công lớn của Sằn A Phật

Khi nghe chúng tôi kể vừa từ nhà anh Sằn A Phật lên, chị Chíu Nhì Múi (sinh năm 1990, dân tộc Dao Đỏ), người chúng tôi gặp ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đại Dực, reo lên vui vẻ:

- À, anh Phật ấy thì ở đây ai chả biết!

- Anh Phật nổi tiếng đến thế sao? -tôi hỏi vui.

- Nổi tiếng chứ! Em ở nơi khác lấy chồng về đây mà còn biết tiếng anh ấy. Anh ấy là người chuyên thu mua quế cho bà con đấy. Nhờ thế mà bà con không phải dài cổ chờ người ở nơi khác đến thu mua quế-chị Múi cho biết.

- À, thảo nào mình thấy nhà anh Phật có xe ô tô to thế. Hóa ra là anh ấy sắm xe để thu mua quế cho bà con trong vùng.

- Ô, xe mà anh thấy ở nhà anh ấy chỉ là xe nhỏ thôi. Anh ấy còn cái xe nữa to lắm, to hơn như thế nhiều. Xe to nên anh ấy phải để chỗ khác, khi nào chở quế đi Hà Nội thì mới dùng đến xe to ấy đấy.

Theo lời chị Chíu Nhì Múi, trước đây, người dân thu hoạch quế xong phải chờ thương lái nơi khác tới mua, giá bán thấp lại không ổn định. Từ ngày anh Sằn A Phật đứng ra thu mua cho bà con, đầu ra của quế ổn định hơn rất nhiều, giá anh Phật thu mua cũng cao hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, anh Phật là chính người hướng dẫn bà con trồng quế gối nhau để mỗi năm đều có một diện tích quế cho thu hoạch, vừa có thu nhập đều mỗi năm, vừa không bị ùn ứ quế vì thu hoạch ồ ạt một lúc. Lại cũng là anh Phật hướng dẫn bà con cạo lớp mỏng ở mặt ngoài vỏ quế hầu như không có tinh dầu đi để bán được giá hơn. Vì thế, bà con nhiều người quý mến và biết ơn anh Phật.

Phó bí thư Đảng ủy xã Đại Dực Lý A Sinh cho biết, cùng với anh Sằn A Phật, trong xã cũng có một số người đứng ra thu mua quế cho bà con. Những người thu mua quế cho bà con mang xuống Hà Nội tiêu thụ đều rất năng động, biết tạo dựng quan hệ với các doanh nghiệp để tiêu thụ quế. Tuy nhiên, cũng có một số người bị phá sản. Những người còn “trụ” được và phát triển, thu mua quế với quy mô lớn, giúp bà con như anh Sằn A Phật chỉ còn một số ít. Không chỉ đứng ra thu mua quế, Sằn A Phật còn thuê nhiều người tới làm giúp, tạo thêm việc làm và thu nhập cho những người dân còn khó khăn về kinh tế trong vùng.

Ra thế! Khi trò chuyện với Sằn A Phật, chúng tôi cứ ngỡ anh chỉ là một người Sán Chỉ chăm chỉ làm ăn và làm giàu từ diện tích 4ha quế của gia đình như những người khác quanh đó. Hữu duyên nghe người khác kể chuyện mới biết Sằn A Phật còn có công lớn như vậy với bà con trong vùng. Chợt nghĩ tới nhiều vùng nông thôn khác ở nước ta hay phải nhờ đến các cuộc "giải cứu" nông sản. Hình như ở những vùng đó chưa có những người dám nghĩ lớn, làm lớn để tạo đột phá, giúp bà con trong vùng như anh Sằn A Phật và một số người dân tộc Sán Chỉ trên vùng núi cao phía Bắc?

Xe chúng tôi quay trở lại trung tâm thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục làm nhiệm vụ. Những sân nhà ngồn ngộn quế thơm, nhuộm đỏ một rẻo đường lùi dần về phía sau, nhưng sự cảm phục của chúng tôi với người đàn ông dân tộc Sán Chỉ chân chất ấy càng lúc càng lớn hơn. Có thể so với nhiều thương nhân thu mua quế khác, anh Sằn A Phật chưa thật sự có quy mô lớn bằng, nhưng với cách nghĩ, tầm nhìn và nỗ lực vươn lên phi thường của anh, chúng tôi không ngần ngại gọi anh là “vua” quế ở thôn Khe Lặc.

Nửa về, nửa muốn ở đây

Nửa thơm như quế, nửa cay như gừng

Thầm mong một ngày nào đó có dịp trở lại vùng núi cao, gặp lại anh Sằn A Phật ít nói về mình nhưng tiếng thơm bay xa như hương quế giữa rừng!

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/vua-que-o-thon-vung-cao-khe-lac-702220