'Vua của đường phố' Philippines đối mặt hạn chót tháng tư

Chính phủ Philippines yêu cầu những người khai thác xe jeepney tham gia hợp tác xã trước ngày 30/4 và dần dần thay thế phương tiện này bằng các phương án xanh hơn.

Một cuộc đình công kéo dài ba ngày của những người lái xe jeepney ở Philippines bắt đầu ngày 29/4 khi các nhóm vận tải cảnh báo rằng hàng nghìn người có thể bị đẩy ra đường do các kế hoạch hiện đại hóa của chính quyền nước này, theo Guardian.

Biểu tượng trở nên lỗi thời

Xe jeepney lâu nay đã là xương sống của hệ thống giao thông Philippines. Những chiếc xe buýt thuộc sở hữu tư nhân, được thiết kế riêng, trông giống như sự kết hợp giữa xe Jeep và xe tải, được trang trí màu sắc rực rỡ, chạy khắp các tuyến đường ở trung tâm thành phố và khu vực lân cận, mang lại lựa chọn di chuyển với giá chỉ 13 peso (5.700 đồng). Những chiếc xe biểu tượng này đã xuất hiện trong các bài hát và phim ảnh - Giáo hoàng Francis thậm chí còn đi khắp Manila trên một chiếc xe popemobile lấy cảm hứng từ xe jeepney.

Trong nhiều năm qua, chính phủ Philippines đã muốn hiện đại hóa những phương tiện này, vốn được chế tạo tái sử dụng từ những chiếc xe Jeep của quân đội Mỹ còn sót lại từ Thế chiến II và được cho là phát khí thải gây ô nhiễm.

Các chủ sở hữu xe jeepney và cánh tài xế được cầu gia nhập các tập đoàn hoặc hợp tác xã trước ngày 30/4 và dần dần thay thế xe jeepney của họ bằng những phương tiện thân thiện với môi trường hơn, có nhiều tính năng an toàn hơn.

Các tài xế jeepney đình công 3 ngày từ 29/4 ở Manila. Ảnh: Inquirer.

Manila cho biết sẽ trợ cấp cho các phương tiện mới và các hợp tác xã sẽ có thể tiếp cận các khoản vay ngân hàng. Chính quyền cũng khẳng định xe jeepney sẽ không bị thu hồi ngay lập tức.

Tuy nhiên, các chủ xe jeepney cho biết họ hoàn toàn không đủ khả năng chi trả cho những phương tiện mới và sẽ phải gánh một khoản nợ khổng lồ.

Almira Molina, người có hai chiếc xe jeepney, cho biết: “Chúng tôi không thể mua được chiếc Jeep hiện đại hóa đắt tiền theo yêu cầu của giới chức trách”.

Các phương tiện mới sẽ được trang bị động cơ đáp ứng tiêu chuẩn khí thải châu Âu hoặc động cơ điện, đồng thời có wifi, camera quan sát và điều hòa nhiệt độ. Nhưng những chiếc xe này, cùng với việc gia nhập hợp tác xã, sẽ có giá lên tới 2,8 triệu peso (48.500 USD) - cao hơn nhiều so với một chiếc xe jeepney truyền thống, thường có giá 150.000-250.000 peso.

Có khoảng 179.000 chiếc jeepney - phần lớn trong số đó đã có tuổi đời ít nhất 15 năm - và tập đoàn vận tải Piston cho biết hàng nghìn tài xế và chủ xe có nguy cơ mất sinh kế.

“Tại sao họ muốn xóa bỏ xe này? Đó là một câu hỏi lớn đối với tất cả mọi người”, anh Ed Sarao, nhà sản xuất xe jeepney Sarao Motors, nói. Anh Sarao là con trai của ông Leornardo - người tiên phong sáng chế xe jeepney.

Anh nói, chiếc xe này được chế tạo “từ đống tro tàn của Thế chiến II”.

Mỗi chiếc xe jeepney đều được sản xuất theo yêu cầu riêng và có thiết kế độc đáo - một tác phẩm nghệ thuật có thể lấy cảm hứng từ bất cứ thứ gì từ Đức mẹ đồng trinh Maria, đến các ngôi sao bóng rổ và hình ảnh biểu trưng nông nghiệp hoặc các nhân vật hoạt hình.

Xe jeepney được mệnh danh là “vua của đường phố” tại Philippines. Ảnh: Guardian.

Những chiếc xe buýt nhỏ mới không có thiết kế giống như một chiếc xe jeepney cổ điển - làm dấy lên lo ngại hình dáng mang tính biểu tượng của nó có thể biến mất khỏi đường phố.

Nhiều bất cập

Các nhóm đại diện cho chủ xe và tài xế nói rằng họ không phản đối sự thay đổi, nhưng các kế hoạch hiện tại của chính phủ sẽ tác động không công bằng đến những người nghèo nhất.

Jan Atienza thuộc nhóm Piston - đại diện cho chủ xe và tài xế- cho biết: “Vấn đề có thể nhận thấy các nhà khai thác nhỏ và tài xế jeepney sẽ không đủ khả năng chi trả cho chương trình mới - và cuối cùng các tập đoàn lớn có thể tiếp quản ngành này”.

Các chủ xe lo ngại rằng nếu họ không thể trả nợ kịp thời, xe có thể bị tịch thu và tài xế sẽ mất việc làm.

Chính phủ lập luận rằng việc tham gia các hợp tác xã hoặc tập đoàn sẽ cho phép các tài xế và chủ xe jeepney tập hợp các nguồn lực, hoạt động hiệu quả hơn và tiếp cận tài chính tốt hơn. Họ cho biết các phương tiện sẽ được nâng cấp dần dần trong khoảng thời gian 5-8 năm và quá trình này sẽ cải thiện các tiêu chuẩn môi trường và làm cho đường sá trở nên an toàn hơn.

Ông Oscar Soria, một gười lái xe jeepney kỳ cựu 54 tuổi, cho biết chủ xe của ông đã tham gia chương trình của chính phủ nhưng ông vẫn chưa cảm thấy tác dụng.

“Tôi không nghĩ xe jeepney điện sẽ tồn tại được lâu”, ông Soria nói.

Nếu được lựa chọn, Soria cho biết ông muốn tiếp tục lái một chiếc xe jeepney truyền thống và thay vào đó muốn những phương tiện này được cải tạo. “Vì hành khách đã quen với loại xe này. Và giá vé rẻ hơn một chút. Tất nhiên, giá vé sẽ tăng khi xe jeepney hiện đại đi vào hoạt động”, ông nói.

Oscar Soria, 54 tuổi, trên chiếc xe đã hơn 20 tuổi của mình. Ông nói rằngông muốn những chiếc xe cũ hơn. Ảnh: Guill Ramos/Guardian.

Bà Gina Gatarin, nhà nghiên cứu chuyên về hệ thống giao thông Philippines, cho biết nghiên cứu trước đây về cải cách giao thông ở các thành phố châu Á hoặc châu Phi khác cho thấy những chương trình như vậy khó có thể thành công nếu được thúc đẩy theo cách từ trên xuống.

“Việc chúng ta tạo ra một ngành giao thông ít gây ô nhiễm hơn và an toàn hơn cho mọi người tất nhiên là rất quan trọng, nhưng điều đó không nên khiến những tài xế này bị đẩy ra khỏi lực lượng lao động”, bà Gatarin nói.

Xe Jeepney, chiếm 40% tổng số chuyến đi bằng động cơ trong nước, là phương tiện di chuyển hợp lý nhất để mọi người đi lại, vào thời điểm mà nhiều người đang phải đối mặt với sự gia tăng chi phí thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Cuộc đình công sẽ kéo dài đến hết ngày 1/5.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vua-cua-duong-pho-philippines-doi-mat-han-chot-thang-tu-post1471908.html