'Vua' cá ngạnh trên dòng Đà Giang

Với anh Bùi Văn Chiến ở xóm Tháu, phường Thái Bình (TP Hòa Bình), nghề đánh cá, nuôi cá trên hồ Hòa Bình đã giúp anh lập nghiệp và làm giàu. Đặc biệt nhiều năm nay, trên dòng Đà Giang, chưa có ai có thể 'qua mặt' được anh về kỹ năng đánh bắt cá ngạnh.

Ngoài đánh cá ngạnh, anh Bùi Văn Chiến ở xóm Tháu, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) còn nuôi cá lồng đem lại thu nhập ổn định.

Ngoài đánh cá ngạnh, anh Bùi Văn Chiến ở xóm Tháu, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) còn nuôi cá lồng đem lại thu nhập ổn định.

Từ cảng ba cấp thuộc phường Thái Bình (TP Hòa Bình) mất khoảng 10 phút đi thuyền là lên đến bè và lồng cá của vợ chồng anh Chiến. Ngoài đánh cá là chính, vợ chồng anh nuôi thêm 4 lồng cá, chủ yếu là cá ngạnh. Anh Chiến kể: Tôi sinh ra và lớn lên trên dòng sông Đà. Khi nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng, nhiều người trong xóm đã lên bờ để sinh sống. Nhưng do quen với sông nước từ nhỏ nên tôi quyết định lập nghiệp nơi mình sinh ra. Từ bé theo bố mẹ đánh cá trên dòng sông Đà nên tôi được truyền cho nhiều kinh nghiệm về đặc tính của các loài cá và kỹ năng đánh bắt cá. Đối với cá sông thì giá trị nhất vẫn là những loại cá da trơn, nhất là cá lăng, nheo, anh vũ, bò và cá ngạnh. Từ trước đến nay, người dân lòng hồ đánh cá da trơn bằng hình thức thả câu đêm. Cách đánh này mất công, mỗi lưỡi câu chỉ được 1 con. Đặc tính của cá da trơn như cá ngạnh hay ở trong hang. Chúng có thể trong hang hàng tháng trời không đi kiếm ăn. Khi thời tiết thuận lợn đi kiếm ăn theo đàn. Do vậy, khi thả câu chỉ 1 con mắc, chúng lại kéo lưỡi, cước vào hang nên hay bị mất lưỡi và cước.

Qua tìm hiểu cách đánh bẫy cá ở dưới xuôi và đặc tính của cá da trơn, anh Chiến tự mày mò lấy luồng đan lờ đánh bắt. Chiếc lờ bẫy cá da trơn giống chiếc lờ ở dưới xuôi đánh bắt cá nhưng anh cải tiến phù hợp với địa hình sông nước và tập tính của cá sông. Từ khi làm được lờ, việc đánh bắt cá da trơn thuận lợi hơn. Ngoài đánh bắt trong khu vực thành phố anh Chiến còn đi dọc tuyến lòng hồ từ Hòa Bình lên Sơn La, có lần lên đến Lai Châu. Đi đến đâu anh đánh cá bán ngay tại chỗ. Mỗi chuyến đi như vậy mất hàng tháng. Anh Trần Trung Kiên ở phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) cho biết: Nhiều người đã học lỏm anh Chiến đan lờ, có khi mua cả chiếc lờ về làm nhưng đánh cá không hiệu quả. Đây là bí quyết của anh Chiến mà không ai có thể học và đan được. Nhiều người đan giống y hệt như của anh nhưng vẫn đánh được ít cá.

Anh Chiến chia sẻ: Việc đan lờ để đánh bắt cá không khó. Tuy nhiên, muốn đánh bắt hiệu quả đòi hỏi người đan hiểu đặc tính của cá da trơn. Và chỉ có người thường xuyên đi đánh bắt mới hiểu được. Hầu hết những người đánh bắt cá da trơn, đặc biệt cá ngạnh trên lòng hồ đều do tôi cung cấp lờ. Giá mỗi lờ là 2 triệu đồng. Năm ngoái tôi bán cho một người ở Sơn La 20 chiếc, tổng chi phí 40 triệu đồng. Hôm trước Tết anh ấy gọi điện bảo chỉ trong một vụ cá ngạnh vừa qua đã thu nhập được hơn 500 triệu đồng. Cá lúc nào cũng bán nhanh bởi cá tự nhiên nên tư thương rất thích mua.

Không chỉ có đan lờ, đánh bắt cá, anh Chiến còn nuôi cá ngạnh. Vào mùa đánh bắt cá, những con nhỏ anh để lại làm giống nuôi. Như vậy, ngoài đánh bắt, mỗi năm vợ chồng anh thu nhập từ nuôi cá lồng trên 100 triệu đồng. Có chút vốn vợ chồng anh đã xây nhà và cho con cái học đi học đầy đủ.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/138140/vua-ca-nganh-tren-dong-da-giang.htm