Vừa bảo tồn cây dược liệu quý, vừa gắn với phát triển kinh tế ở Bảo Lạc- Cao Bằng

Với 90% diện tích rừng núi, độ cao trung bình 600 - 1.000 m, điểm cao nhất gần 2.000m so với mực nước biển. Cao Bằng có khí hậu và thổ nhưỡng thích ứng cho thảm thực vật nên cây thuốc hoang dã phát triển và tạo thuận lợi cho trồng cây thuốc quý.

Trên thực tế, tại Cao Bằng với lợi thế nguồn dược liệu phong phú, cách sử dụng thuốc dựa vào kinh nghiệm dân gian, rất phù hợp để phát triển ngành dược liệu, nhất là các bài thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây chính là lợi thế để phát triển nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho con người. Bên cạnh đó, nhiều loại dược liệu quý có thể làm thuốc chữa bệnh cũng được nghiên cứu và phát triển chuỗi giá trị, mang lại nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên.

Theo đánh giá của Viện Dược liệu, Cao Bằng có hơn 600 loài cây thuốc được sử dụng ở các mức độ khác nhau, đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, như các loại dược liệu quý hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, hy thiêm, giảo cổ lam, cỏ mật gấu, ba kích, kim ngân...

Cây thuốc có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn cao về hàm lượng, công dụng y học và giá trị kinh tế, trong đó có hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc được đánh giá là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, lúa.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế do phát triển cây dược liệu mang lại cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác đang trồng tại địa phương, với quyết tâm nâng cao giá trị sử dụng đất, phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lạc.

Vườn trồng hà thủ ô đỏ tại Thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).

Năm 2018, Dự án trồng cây hà thủ ô đỏ được triển khai và xác định là cây trồng có nhiều triển vọng trong giảm nghèo ở địa phương.

Với mục tiêu vừa bảo tồn cây dược liệu quý, vừa gắn với phát triển kinh tế, lãnh đạo địa phương đã chú trọng lồng ghép các nguồn lực và xây dựng liên kết để phát triển vùng dược liệu, bước đầu đem lại tín hiệu tích cực.

Đến nay, diện tích trồng mới cây hà thủ ô đỏ 29,5 ha, tập trung tại thị trấn và một số xã như: Thượng Hà, Huy Giáp, Cô Ba, Hồng Trị với khoảng 50 hộ tham gia, đến nay khoảng 15 ha đã cho thu hoạch. Ngoài ra, một số hộ dân tự phát trồng mới và được hỗ trợ giống từ nguồn vốn Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hỗ trợ khoảng trên 4 ha.

Người dân thị trấn Bảo Lạc chăm sóc cây hà thủ ô.

Huyện Bảo Lạc chú trọng khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết trong trồng, chế biến và bao tiêu sản phẩm từ hà thủ ô đỏ và các cây dược liệu khác. Trong đó, từ nguồn lực của Chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025.

Trước đây, khu đất rộng hơn 4.000 m2 của gia đình bà Nông Thị Tâm, tổ dân phố 2 thị trấn Bảo Lạc chủ yếu trồng lúa, rau màu. Năm 2019, được chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động về lợi ích từ trồng cây dược liệu, gia đình bà đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng mô hình cây hà thủ ô đỏ.

Qua 3 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch và tạo thu nhập cho gia đình gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Người dân ở thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc chia sẻ: nhiều gia đình chuyển đổi khoảng 4.000m2 đất ruộng sang trồng 17.000 cây hà thủ ô đỏ, theo dự kiến sẽ cho thu hoạch hơn 10 tấn củ, cho thu lãi vài trăm triệu đồng.

Ngoài cây hà thủ ô đỏ, người dân trồng tập trung cây xỏm đeng (còn gọi là cây chàm tía), cây hồi,…góp phần tăng thu nhập cho bà con nơi đây.

Có thể nói trong những năm trở lại đây, huyện Bảo Lạc đã phát huy được thế mạnh của địa phương, khai thác đất đồi, trồng cây công nghiệp, trong đó tập trung phát triển trồng cây dược liệu đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Nguyễn Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vua-bao-ton-cay-duoc-lieu-quy-vua-gan-voi-phat-trien-kinh-te-o-bao-lac-cao-bang-169230919211358398.htm