Vũ Văn Hiếu thành hoàng làng mỏ

Tháng Chạp năm Quý Mão, Khu lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu ở xóm 10, xã Hải An, huyện Hải Hậu (Nam Định) sớm khuya nhang bay khói tỏa. Người dân lân cận bảo, khu lưu niệm cụ Vũ Văn Hiếu ở làng này luôn ấm hơi thợ mỏ vùng than Quảng Ninh. Cán bộ, công nhân than Hà Tu thì như lớp hậu duệ siêng năng hương khói, tôn thờ cụ Vũ Văn Hiếu như thành hoàng làng.

Bức tượng cụ Vũ Văn Hiếu đặt trang trọng ở Khu đài liệt sĩ trung tâm thành phố Hạ Long, cụ vận áo thợ mỏ được người dân cho là giản dị đúng với nhân cách của cụ và gần gũi vời vùng than.

Khu lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu ở xóm 10, xã Hải An, huyện Hải Hậu (Nam Định) được trùng tu, xây dựng khang trang vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cụ (20/03/1907-20/03/2007) trên diện tích 3.600m2, kinh phí xây dựng trên 6,8 tỷ đồng do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, nhưng nòng cốt hưng công xây dựng là thợ mỏ vùng than Quảng Ninh.

Xã Hải An thời phong kiến là làng Quần Phương, bên dòng sông Ninh Cơ, vùng châu thổ sông Hồng đất đai màu mỡ, năm 2 vụ chiêm mùa. Người dân ngoài cấy hái, còn trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Đất giàu nhưng người dân lại nghèo bởi chế độ phong kiến lạc hậu, lại bị thực dân Pháp đô hộ hà khắc, làng Quần Phương đìu hiu buồn tẻ.

Vũ Văn Hiếu là con thứ 3 trong gia đình nông dân nghèo có 7 anh em, bố là Vũ Viết Giản, mẹ là Vũ Thị Yểng. Khoảng 9 tuổi, Vũ Văn Hiếu rời làng Quần Phương đến ở với người cô ruột ở tỉnh Thái Nguyên, khi ấy bà là vợ lẽ của ông Nghị Ái có đồng thu đồng bổ, đã cho Vũ Văn Hiếu theo học 5 năm ở trường Tiểu học RenéRobin. Năm 15 tuổi, Vũ Văn Hiếu tốt nghiệp trường Tiểu học RenéRobin, được bà cô cho học văn hóa tiếp trình độ cao hơn gọi là lớp Cao đẳng Tiểu học (Thành Chung) ở trường Bonnal tại thành phố Hải Phòng.

Vũ Văn Hiếu học năm thứ 3 chương trình Thành Chung thì không may cô mình bị ngã bệnh chết sớm. Hết chỗ dựa, Vũ Văn Hiếu đành “bẻ ghi” sang học nghề, tại trường Kỹ nghệ thực hành (trường bách nghệ Hải Phòng). Vốn có kiến thức văn hóa, nhận diện được sự bất công của chế độ thực dân-phong kiến, lại gặp được bạn “đồng niêu” là những người đàn anh giàu lòng yêu nước như: Lương Khánh Thiện, Hoàng Quốc Việt, Lưu Bá Kỳ, Nguyễn Khác Khang… truyền đạt đường lối cách mạng của cụ Nguyễn Ái Quốc.

Vũ Văn Hiếu đã sôi nổi tham gia các phong trào sinh viên tiến bộ, đòi sự công bằng dân sinh. Điển hình là cao trào sinh viên đòi bảo hộ Pháp trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, nhà chí sĩ yêu nước bị thực dân Pháp bắt ngày 30/6/1925, chúng khép cụ vào tội chết. Vì vậy mà Vũ Văn Hiếu cùng 30 sinh viên trường bách nghệ bị đuổi học, trở về quê sinh sống. Đầu năm 1928, Vũ Văn Hiếu ra khu mỏ nương nhờ bà dì ruột là Vũ Thị Lộc cư trú ở lán than Sạc Lồ, Hà Tu để làm phu đâm trục ở Sở Mới, một khai trường của mỏ Hà Tu.

Ngày 29/9/1928, Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Bắc Kỳ cử các thành viên ưu tú như Lê Thanh Nghị, Nguyễn Khắc Khang… đến vùng mỏ tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, vô sản hóa hầm mỏ. Tình cờ Vũ Văn Hiếu gặp lại Nguyễn Khắc Khang, người bạn tri kỷ hồi học ở trường bách nghệ Hải Phòng. Vũ Văn Hiếu được Nguyễn Khắc Khang dẫn dắt, giác ngộ từ một phu mỏ trẻ tuổi nhân hậu, năng động trở thành cán bộ cách mạng ở mỏ than Hà Tu.

Tháng 11/1929, Vũ Văn Hiếu được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản và được Chi bộ giao nhiệm vụ tập hợp quần chúng tốt để phát triển cơ sở Đảng ở mỏ than Hà Tu. Lớp đảng viên đầu tiên do Vũ Văn Hiếu bồi dưỡng và kết nạp có Phan Dương Chuyên, Vũ Đình Bối… là những cán bộ trung kiên, cùng Đảng bộ Đặc Khu mỏ tổ chức và chỉ đạo thợ mỏ, nhân dân địa phương làm nên lịch sử “Ngày miền mỏ bất khuất 12/11”.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thì ngay cuối năm ấy thành lập Chi bộ mỏ Mạo Khê. Tiếp theo là hàng loạt Chi bộ ở các mỏ than vùng Đông Bắc nhất loạt được thành lập với nhiều đảng viên. Tháng 9/1930, Vũ Văn Hiếu được cử làm Bí thư Đảng ủy khu mỏ Cẩm Phả-Cửa Ông.

Khu lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu đang được tỉnh Nam Định lập dự án nòng cốt là than Quảng Ninh đầu tư trùng tu, xây dựng lại, mở rộng quy mô và công trình khang trang hơn.

Tháng 10/1930, Hội nghị đại biểu các Đảng ủy mỏ vùng than do Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ Phạm Văn Ngọ chủ trì phổ biến Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Nhất, công bố quyết định thành lập Đảng bộ Đặc khu mỏ (tương đương Đảng bộ cấp tỉnh), Ban chấp hành Đặc Khu ủy 3 người gồm: Vũ Văn Hiếu, Phạm Gia, Trần Văn Nghệ; Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm Bí thư Đặc Khu ủy, trở thành vị Bí thư Đặc Khu ủy đầu tiên của Khu mỏ (Quảng Ninh).

Cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Vũ Văn Hiếu ở khu mỏ 2 lần bị “Phòng Nhì” cơ quan an ninh của chính quyền bảo hộ Pháp bắt giam. Lần thứ nhất vào ngày 9/2/1931, do Bùi Huy Thoại phản bội Đảng đã khai báo với trùm mật thám khu mỏ là George Ray mà cụ cùng 70 đảng viên và quần chúng ưu tú của Đảng bị địch bắt. Tháng 11/1936, cụ Vũ Văn Hiếu được trả tự do nhờ sự đấu tranh thả chính trị phạm của Đảng cộng sản Pháp, với thời cơ Mặt trận bình dân Pháp lên nắm chính quyền tập hợp lực lượng chống phát xít, thế chiến thứ II.

Lần thứ 2 vào đêm ngày 17 rạng sáng 18/01/1940 cụ Vũ Văn Hiếu bị địch bắt tại cơ quan Trung ương Đảng tại ngôi nhà số 10, đường Nguyễn Tấn Nghiệm (Hà Nội), cũng do nội bộ có kẻ phản động. Năm 1941, quân Pháp đưa cụ ra Côn Đảo giam giữ, cụ hy sinh ngày 26/4/1942 do bệnh trọng và làm nên huyện thoại “Chết còn chút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”.

Đảng ủy than Hà Tu kết nạp đảng viên mới và báo công năm 2023, tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu ở xóm 10, xã Hải An, huyện Hải Hậu (Nam Định).

Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu, công danh tạc vào lịch sử Quảng Ninh không chỉ ở vị trí là người Bí thư Đặc Khu ủy đầu tiên của Khu mỏ, mà như thành hoàng làng ở vùng than. Cụ ra đi cách đây đã trên 80 năm, nhưng tiếng thơm còn để lại với nhiều câu chuyện nhân đức, cảm động.

Năm 1928, Sở Mới khai trường của mỏ Hà Tu xuất hiện một thanh niên giáng thư sinh vận hành máy dây công cụ tời trục kéo than đá, tên thẻ thân là Vũ Văn Hiếu, người làng Quần Phương (Nam Định).

Mỏ Hà Tu khi ấy sản lượng than lớn, lao động tứ xứ tập trung đến, người tranh ăn tranh việc như “quần ngư tranh thực”, nội bộ phu mỏ nảy sinh nhiều tiêu cực. Chủ mỏ lại lợi dụng dùng thủ đoạn chia rẽ để dễ bề cai trị, cho tách biệt từng khu lán thợ như: Lán Nghệ của người Nghệ Tĩnh, lán Thanh của người Thanh Hóa, lán Phục của người Phục Phả và lán người Hoa Kiều. Mỗi lán cắt cứ, độc chiếm một khoảnh đất ở sau khai trường. Nham hiểm hơn, chúng còn tạo bè phái, xúi bảy nhóm thợ này mất đoàn kết với nhóm thợ kia. Như lán thợ người Hoa hay gây gổ với lán thợ người Việt; trong người Việt thì chia rẽ lán thợ tỉnh này với lán thợ tỉnh kia, nhiều khi lán Nghệ của người Nghệ Tĩnh không dám sang thăm thân ở lán Thanh của người Thanh Hóa.

Vũ Văn Hiếu hiểu rõ mưu đồ thâm độc của giới chủ mỏ, vốn là người khoa cử, hoạt ngôn thường đứng ra hòa giải mỗi khi xảy ra mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân và giữa tập thể các lán thợ. Vũ Văn Hiếu là người sáng lập ra Hội “chơi họ”, tương thân giúp đỡ nhau khi khó, còn xóa được nạn cờ bạc bao người hàm ơn; và lập ra các câu lạc bộ vui chơi tập thể lành mạnh như câu lạc bộ hát văn, hát chèo, lớp học chữ quốc ngữ, lớp học võ dân tộc… có uy tín trong cộng đồng. Danh tiếng Vũ Văn Hiếu văn võ song toàn nổi như cồn, dù chưa thấy anh dùng quyền cước đánh ai, nhưng uy của võ sư Vũ Văn Hiếu bênh vực người yếu thế, thì đến người từng làm phỉ Tàu Ô, giỏi Cống Phú cũng né tránh.

Có lần một mình Vũ Văn Hiếu tay không, đến lán thợ Hoa Kiều khi đang có tranh chấp giữa lán người Hoa và người Việt. Một thủ lĩnh giỏi võ tàu xông ra gây sự, định vin cớ bị Vũ Văn Hiếu hành hung rồi gọi bày đàn trong lán tay đang lăm lăm hung khí ùa ra đánh nhau với Vũ Văn Hiếu. Không ngờ Vũ Văn Hiếu miệng sọng làu làu tiếng Pạc Và, tay chìa ra ngói kẹo lạc, bảo nghe nói các anh trong lán đang pha trà ngon tôi đến góp vui. Anh phu mỏ người Hoa đang “xung thiên” bỗng tự nhũn, miễn cưỡng theo chân Vũ Văn Hiếu vào lán người Hoa, họ trao đổi với nhau những gì không rõ, nhưng từ bữa ấy lán thợ người Hoa người Việt đoàn kết, còn cho nhau mượn công cụ sản xuất cầm tay.

Cầu ngói Chợ Lương, nơi từng đưa tiễn người trai làng Quần Phương Vũ Văn Hiếu ra mỏ làm than, cầu còn đây mà người đi mãi không về.

Còn chuyện thầm kín, đến tận bây giờ Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh vẫn còn món nợ ân tình với người vị quốc vong thân. Vũ Văn Hiếu sinh năm 1907, hy sinh năm 1942 khi ấy 35 tuổi, người cũng có mối tình đầu sâu nặng. Khi làm thợ mỏ Hà Tu, Vũ Văn Hiếu đã thề ước với cô gái bán hàng tạp hóa ở chợ mỏ, chợ không cố định mà họp theo phiên bám khai trường. Khi ấy tổ chức Đảng đã vun vào tác thành cho họ nên vợ nên chồng. Tài liệu đang lưu giữ ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh cô gái ấy tên là Sinh, cùng trang lứa và là bạn thân thiết với Nguyễn Thị Lưu (Cả Khương), một nữ đảng viên anh dũng hy sinh trên đất mỏ.

Năm 1931, trước ngày đày ra Côn Đảo, trùm mật thám khu mỏ George Ray đã đưa cô Sinh đến gặp Vũ Văn Hiếu dụ dỗ rằng nếu hồi chính, khai báo cơ sở cách mạng thì chúng bố trí cho Vũ Văn Hiếu dạy học ở trường công, cô Sinh được mở sạp hàng lớn, đứa trẻ sinh ra bụ bẫm lớn lên được sang mẫu quốc học hành. Vũ Văn Hiếu và cô Sinh nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, thà chết không khai báo, không phản bội Đảng. Từ khi ra Côn Đảo tù đày, Vũ Văn Hiếu đi mãi đi mãi không về, còn cô Sinh âm thầm mang nặng mối tình sâu kín với Vũ Văn Hiếu mà họ đã từng công khai báo cáo Chi bộ. Tổ ấm gia đình chưa thành, cơ sở cách mạng thì bị địch đàn áp tan đàn xẻ nghé, đồng đội ly tán bặt tin nhau.

Khi tiếp quản khu mỏ (1955) một vị cách mạng lão thành bảo, nghe một người bạn kháng chiến kể, Vũ Văn Hiếu khi bị địch đưa ra Côn Đảo tù khổ sai, thì Sinh nom như người mang thai về nhà bà Vũ Thị Lộc dì ruột Vũ Văn Hiếu nương thân; rồi chiến tranh loạn lạc không ai rõ cô Sinh và bà Vũ Thị Lộc tha phương nơi đâu.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhiều lần tìm kiếm thông tin ấy, đã khoanh vùng được vị trí cần tìm, hiện ở khu 2 phường Bãi Cháy, nhưng chưa đủ hồ sơ nguồn gốc để đáp nghĩa người có công với cách mạng thời khai quốc. Vũ Văn Hiếu, nhà cách mạng huyền thoại, “Chết còn chút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”. Người có nhiều cống hiến với vùng than, hồn thiêng của cụ Vũ Văn Hiếu như hiển thánh thành hoàng làng mỏ.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vu-van-hieu-thanh-hoang-lang-mo-368004.html