Vụ tranh chấp đất rừng tại khu vực Công ty Trường Lộc quản lý: Cần xử lý nghiêm hành vi phá rừng trái phép

Gần đây, nhiều diện tích rừng đầu nguồn trên địa bàn các xã Xuân Lương, Canh Nậu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) liên tục bị phát, phá. Có đối tượng ngang nhiên đóng cọc, rào đường không cho người, xe của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường Lộc (gọi tắt là Công ty Trường Lộc) vào khu vực rừng của chính mình làm chủ.

Nguồn cơn mâu thuẫn

Công ty Trường Lộc đang thuê 1.124,9 ha đất và rừng gắn liền với đất, nằm trên địa bàn các xã: Canh Nậu, Đồng Tiến và Xuân Lương (Yên Thế), thời hạn 50 năm (từ 2011-2061). Xen trong khu vực đất rừng của Công ty Trường Lộc (thuộc khu Nhoan, bản Chay, xã Canh Nậu) có 3 hộ dân đang sinh sống. Ngoài ra, 2 hộ khác làm lán trại chăn nuôi, canh tác trên những mảnh đất xen kẹp với diện tích rừng của Công ty Trường Lộc. 3 chủ hộ đang sinh sống ở khu vực này đều là anh em ruột, trong đó có ông Đinh Văn Tuấn, năm 2013 từng thụ án về tội hủy hoại rừng của Công ty Trường Lộc. Cả 3 anh em đều không có đất canh tác.

Hằng ngày, ngoài 3 hộ trên, nhiều người vẫn thường xuyên ra, vào khu Nhoan để chăm sóc gia súc, cây trồng, khai thác lâm sản phụ,… Theo ông Nông Văn Thành, trú tại thôn Chiềng, xã Canh Nậu (có lán trại và vườn tại khu Nhoan), để có đường đi, năm 2013, nhiều hộ dân ở bản Chay, bản Đình, bản Thia (cùng xã Canh Nậu) đã tự mở đường vào khu Nhoan và nhà 3 anh em ông Đinh Văn Tuấn.

Đại diện cơ quan chức năng huyện Yên Thế và Công ty Trường Lộc kiểm tra diện tích keo bị kẻ xấu đốn hạ vào tối 13/3/2023.

Đại diện cơ quan chức năng huyện Yên Thế và Công ty Trường Lộc kiểm tra diện tích keo bị kẻ xấu đốn hạ vào tối 13/3/2023.

Ông Ngô Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Lộc cho biết, từ khi có con đường, nhiều người dân đã lấy cớ vào rừng bắt ong, hái măng,… để phát, phá rừng tự nhiên, trồng keo và bạch đàn, trong đó có ông Đinh Văn Tuấn. “Hiện có khoảng 60 ha rừng của Công ty chúng tôi bị người dân lấn chiếm trồng rừng kinh tế”, ông Trường thông tin. Ông Trường cũng thừa nhận, do quản lý không tốt nên đã dẫn đến tình trạng này.

Ngoài củng cố tổ bảo vệ rừng (BVR), tháng 9/2021, Công ty Trường Lộc xây dựng 1 barie trên đường vào khu Nhoan, vị trí gần trạm BVR của Công ty (bên cạnh barie vẫn đủ cho người và xe máy đi qua). Mục tiêu nhằm kiểm soát, hạn chế người vào rừng đồng thời kiểm soát các phương tiện ô tô, công nông vào rừng chở keo, bạch đàn,… Barie thường không khóa, chỉ dùng một thanh chốt nhỏ, người dân có thể tự mở, đi qua.

Gây sức ép để được khai thác rừng trồng lấn chiếm

Nhờ kiểm soát chặt nên mấy năm gần đây, hiện tượng người dân chặt, phá rừng tự nhiên của Công ty Trường Lộc cơ bản giảm. Có hộ tự trả lại đất rừng đã lấn chiếm cho Công ty. Tuy nhiên, việc dựng barie lại khiến các đối tượng lấn chiếm đất của Công ty Trường Lộc để trồng rừng kinh tế “khó chịu”. Đỉnh điểm là vụ việc tụ tập đông người tại barie này hôm 2/2 vừa qua. Theo phản ánh của ông Đinh Văn Tuấn, ngày 2/2, vợ ông Tuấn kèm 1 bao gạo bằng xe máy về nhà nhưng bảo vệ của Công ty Trường Lộc khóa barie. Do đó, vợ ông đã phải dỡ bao gạo xuống đường, vòng sang bên cạnh mới qua được. Gần trưa, ông Tuấn đi làm về, yêu cầu bảo vệ Công ty mở barie nhưng cũng không được đáp ứng. Vì thế ông Tuấn đã lời qua, tiếng lại với tổ BVR. Lợi dụng tình hình này, hàng chục người dân địa phương đã kéo đến trạm BVR để phản đối, yêu cầu Công ty mở khóa, dỡ bỏ barie để người dân tự do ra, vào rừng. Nhằm ngăn ngừa tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự, UBND xã Canh Nậu đã phối hợp với lực lượng công an, Hạt Kiểm lâm huyện yêu cầu phía Công ty Trường Lộc mở barie và đề nghị bà con giải tán.

Theo ông Ngô Xuân Trường, thời điểm đó ít mưa, nguy cơ cháy rừng cao nên bảo vệ khóa barie để ngăn người vào bắt ong, khai thác lâm sản phụ. Đồng thời đề phòng người dân vào lấn đất, trồng rừng kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều diện tích keo và bạch đàn do người dân trồng trên đất rừng lấn chiếm của Công ty đã đến kỳ khai thác nên họ muốn dỡ bỏ barie để vận chuyển gỗ ra ngoài. Do đó, Công ty muốn sử dụng barie như một công cụ, góp phần tìm ra người đã trồng trộm rừng để có phương án xử lý.

Ông Nguyễn Duy Thạch, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu nhận định, việc tụ tập, phản đối việc đóng barie chỉ là cái cớ gây sức ép đối với công ty này. Bởi đa phần người đến phản đối đã lấn chiếm đất rừng của Công ty Trường Lộc trồng keo và bạch đàn. Lợi dụng mâu thuẫn giữa Công ty Trường Lộc với người dân địa phương, một số đối tượng chuyên xúi giục khiếu kiện ở tỉnh ngoài đã đến Canh Nậu tụ họp một số gia đình, kích động bà con giữ đất.

Siết chặt quản lý

Bức xúc vì bị Công ty Trường Lộc đóng barie, ngày 11/3, ông Đinh Văn Tuấn đã chôn cột bê tông, rào đường (khu vực gần nhà mình) nhằm ngăn không cho xe và người của Công ty Trường Lộc vào rừng sản xuất. Ông Tuấn cho rằng, đoạn đường này được làm trên đất của một số hộ dân trong thôn. Chủ đất (là ông Thức ở làng Chiềng, thuộc bản Chay) nhờ ông Tuấn rào hộ (?). UBND xã Canh Nậu, Hạt Kiểm lâm Yên Thế cử lực lượng xuống can thiệp, ông Tuấn mới chịu dỡ bỏ. Cùng với những sự việc nêu trên, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 vụ chặt phá, phát vén rừng tự nhiên của Công ty Trường Lộc (xã Canh Nậu 2 vụ, xã Xuân Lương 1 vụ), tổng diện tích hơn 1,66 ha.

Trước các sự việc trên, UBND huyện Yên Thế đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, UBND các xã Xuân Lương, Canh Nậu, Công ty Trường Lộc có biện pháp kịp thời ngăn chặn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị liên quan. Thực hiện chỉ đạo này, cùng với tăng cường tuyên truyền, xã Canh Nậu còn thành lập Tổ phản ứng nhanh phối hợp với Tổ công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng chặt phá, phát vén rừng tự nhiên của Hạt Kiểm lâm huyện để giải quyết các vấn đề “nóng” liên quan.

Để giảm mâu thuẫn với người dân, ông Ngô Xuân Trường cho biết, đơn vị sẽ nâng cao barie (theo nguyện vọng của các hộ sống trong khu Nhoan); đầu tư, cải tạo đường vào khu Nhoan giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Đơn vị sớm hoàn thiện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo quy định; kiện toàn lực lượng chuyên trách BVR, bảo đảm đủ mạnh để bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có. Đồng thời thực hiện việc khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên, nhất là các diện tích rừng vừa bị phát, phá. Kiên quyết thu hồi toàn bộ diện tích rừng đang bị lấn chiếm.

Trong khi những sự việc nêu trên còn chưa lắng xuống, tối 13/3, kẻ xấu đã đốn hạ khoảng 200 cây keo 2 năm tuổi của Công ty Trường Lộc, ngay sát đường, gần lán trại của ông Nông Văn Thành trong khu Nhoan. Qua trao đổi, Thượng tá Nguyễn Hữu Nam, Trưởng Công an huyện Yên Thế cho biết, đã nhận được đơn trình báo sự việc của Công ty Trường Lộc. Đơn vị đã cử lực lượng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và các xã Canh Nậu, Xuân Lương sớm điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến rừng của Công ty Trường Lộc. Đồng thời tăng cường theo các đối tượng kích động người dân địa phương tụ tập, khiếu kiện đông người để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: Bảo Lâm

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/401358/vu-tranh-chap-dat-rung-tai-khu-vuc-cong-ty-truong-loc-quan-ly-can-xu-ly-nghiem-hanh-vi-pha-rung-trai-phep.html