Vụ nữ siêu lừa chiếm đoạt 433 tỷ: Có nhà đầu tư giấu tên muốn mua lại cổ phần của bị cáo

Hội đồng xét xử cho biết, có một nhà đầu tư muốn mua lại 26% cổ phần của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tại Công ty MHD để bồi thường, khắc phục hậu quả vụ án thay cho bị cáo.

Chiều 3/4, sau hơn một tuần xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội thay vì tuyên án đã bất ngờ quay lại phần xét hỏi để làm rõ thêm một số nội dung đối với kháng cáo của các bị cáo liên quan vụ án Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, ở Hà Nội) gây ra 27 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua gần một giờ thẩm vấn, hội đồng xét xử tuyên bố tạm hoãn làm việc và sẽ ấn định ngày tuyên án sau. Lý do của việc hoãn này là để tạo điều kiện cho nhà đầu tư và bị cáo Hà Thành phối hợp khắc phục hậu quả.

Trả lời hội đồng xét xử chiều nay, bị cáo Thành thừa nhận gây ra 27 vụ lừa đảo các ngân hàng và nhiều cá nhân. Trong đó, VietABank là nhà băng bị chiếm đoạt nhiều nhất với số tiền theo cáo buộc của Viện Kiểm sát là hơn 273 tỷ.

Trong 26 bị cáo của vụ án, Hà Thành và 12 người kháng án.

Tại tòa, sau khi cộng trừ lại các khoản, cơ quan tố tụng xác định Thành chiếm đoạt 248 tỷ của ngân hàng này. Trong khi đó, VietAbank đang giữ 285 tỷ để đảm bảo thi hành án.

Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Hà Thành mong muốn dùng 26% cổ phần sở hữu tại Công ty MHD (tương đương khoảng 75 tỷ) để khắc phục hậu quả cho VietABank. Hiện, nhà băng chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng về giá trị số cổ phần.

Cũng trong chiều nay, hội đồng xét xử cho biết có một nhà đầu tư (xin được giấu tên) muốn mua lại 26% cổ phần của Hà Thành tại Công ty MHD để bồi thường, khắc phục hậu quả vụ án thay cho nữ bị cáo.

Trình bày tại tòa, nhà đầu tư nói họ kinh doanh bất động sản, có nhiều kinh nghiệm và khẳng định đơn vị có khả năng khắc phục kịp thời thay cho Hà Thành. Do đó, doanh nghiệp mong tòa phúc thẩm tạo điều kiện.

Trước việc xuất hiện tình tiết mới, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng cần có thêm thời gian làm việc cụ thể giữa nhà đầu tư và bị cáo, nên đề nghị tòa tạm dừng làm việc.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2018, Nguyễn Thị Hà Thành tìm những khách hàng có điều kiện về kinh tế, đề nghị họ trở thành đồng sở hữu với mình để cùng gửi tiền vào ngân hàng. Sau đó, đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ, đổi lại cô ta sẽ trả lãi suất cao.

Khi trở thành khách VIP của nhiều ngân hàng, Thành tiếp tục cấu kết với 17 người là cựu cán bộ, nhân viên ngân hàng để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu. Được khách hàng đưa sổ gốc, Thành đã giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu này để cầm cố sổ tiết kiệm, vay tiền từ các ngân hàng.

Theo bản án, khi Hà Thành vay tiền, nhiều cán bộ ngân hàng đã bỏ qua các bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo, lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo, chưa qua thẩm định. Qua đó giúp Thành vay tiền bằng tài sản của người khác.

Tổng cộng, Nguyễn Thị Hà Thành đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, PVComBank 49,4 tỷ đồng, VAB hơn 273 tỷ đồng và của nhiều cá nhân khác tổng cộng 63 tỷ đồng.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vu-nu-sieu-lua-chiem-doat-433-ty-co-nha-dau-tu-giau-ten-muon-mua-lai-co-phan-cua-bi-cao-192240403131010111.htm