Vụ nữ bác sĩ nội trú thương tích nặng do tấm kính rơi tại quán The Coffee House: Trách nhiệm bồi thường sẽ được giải quyết thế nào?

Theo các bác sĩ, do tủy ngực bị đụng dập nặng nên bệnh nhân mất cảm giác và khả năng vận động 2 chân, đại tiểu tiện không tự chủ. Khả năng phục hồi là rất khó nhưng cuộc phẫu thuật lần 2 nhằm giúp nữ bác sĩ sau này có thể ngồi và đi xe lăn.

Nữ bác sĩ nội trú khó phục hồi 2 chân

Tối 20/4, Hà Nội xảy ra cơn mưa lớn cùng gió giật mạnh. Thời điểm trên, tại cửa hàng The Coffee House (số 1 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội), một tấm kính lớn từ tầng 2 của tòa nhà đã bất ngờ đổ sập xuống.

Sự việc khiến 7 người bị thương trong đó có 3 khách hàng và 4 nhân viên của quán. Ngay sau khi sự cố xảy ra, nhân viên The Coffee House cùng người dân đã hỗ trợ đưa những người bị thương vào bệnh viện thăm khám.

Đến sáng ngày 21/4, 6 người có sức khỏe ổn định đã được xuất viện, riêng trường hợp của chị Hoàng Minh Lý (29 tuổi, đang công tác tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) bị thương nặng.

Hiện chị Lý đang điều trị tại Khoa Ngoại thần kinh cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Nữ bác sĩ nội trú bị thương nặng sau khi bị tấm kính tại quán The Coffee House rơi trúng người. Ảnh Saostar

Nữ bác sĩ nội trú bị thương nặng sau khi bị tấm kính tại quán The Coffee House rơi trúng người. Ảnh Saostar

Chia sẻ về tình trạng sức khỏe của nữ bác sĩ với Báo Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ Trần Quang Trung - Khoa Ngoại thần kinh cột sống cho biết, hiện sức khỏe của chị Lý tiến triển tốt hơn, có thể trò chuyện dù còn khó khăn, tuy nhiên khả năng phục hồi hoàn toàn rất khó.

Trước đó, chị Lý nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, vỡ nhiều thân đốt sống, tổn thương tủy sống làm hai chân liệt hoàn toàn, gãy nhiều xương sườn gây chấn thương ngực kín, tràn máu tràn khí màng phổi hai bên, chấn thương gan độ 4, chấn thương lách độ 2.

Đặc biệt, tai nạn khiến nữ bác sĩ bị gãy trượt đốt sống chèn ép tủy ngực và thắt lưng rất nặng, làm mất cảm giác từ ngực trở xuống, liệt hoàn toàn 2 chân và đại tiểu tiện mất tự chủ.

Sau khi nhập viện cấp cứu, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã khẩn trương phẫu thuật, giúp nữ bác sĩ trẻ thoát khỏi nguy kịch. Cách đây vài ngày, các bác sĩ đã tiếp tục phẫu thuật lần 2 cho Lý. Hiện các ca phẫu thuật cần thiết đã xong, sau khoảng 2 - 3 tuần nữa nếu không có biến chứng khác, Lý có thể ra viện.

Theo các bác sĩ, do tủy ngực bị đụng dập nặng nên bệnh nhân mất cảm giác và khả năng vận động 2 chân, đại tiểu tiện không tự chủ. Khả năng phục hồi là rất khó nhưng cuộc phẫu thuật lần 2 nhằm giúp nữ bác sĩ sau này có thể ngồi và đi xe lăn.

Bác sĩ Trung cho biết thêm, việc chăm sóc bệnh nhân sau này sẽ có nhiều khó khăn, cả bệnh nhân và người nhà phải nỗ lực vượt qua. "Đặc biệt là bệnh nhân, khi trải qua cú sốc lớn như vậy rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý. Vì vậy, gia đình và người thân cần động viên, quan tâm hơn rất nhiều" - BS. Trung chia sẻ.

Trách nhiệm pháp lý

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Ts.Ls Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Thiệt hại do nhà cửa gây ra thì người quản lý công trình xây dựng đó phải bồi thường theo quy định của pháp luật, nếu có lỗi liên quan đến vấn đề xây dựng thậm chí còn có thể phải chịu chế tài trước pháp luật.

Vụ việc tai nạn khiến nạn nhân thương tích, gây mất an toàn cho những người xung quanh. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ chủ sở hữu tòa nhà này là cơ quan tổ chức cá nhân nào, đồng thời sẽ làm rõ việc xây dựng sửa chữa, cải tạo quản lý sử dụng được thực hiện như thế nào, đặc biệt là đối với tấm kính rơi xuống gây thiệt hại cho nạn nhân.

Nguyên nhân vụ tai nạn là do khách quan, sự kiện bất khả kháng hay có lỗi của con người là vấn đề quan trọng để xem xét trách nhiệm pháp lý.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi xây dựng sửa chữa là trái phép, không đảm bảo an toàn dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì đơn vị tổ chức thi công, quản lý tòa nhà phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình. Nếu có hành vi vô ý gây thương tích hoặc vi phạm quy định về trật tự xây dựng thì tùy vào tính chất mức độ mà trách nhiệm pháp lý sẽ được áp dụng khác nhau. Chủ sở hữu ngôi nhà hoặc người quản lý ngôi nhà có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự thì pháp luật quy định, thiệt hại do tài sản gây ra thì chủ sở hữu tài sản phải bồi thường, trường hợp chủ sở hữu giao cho người khác quản lý thì người quản lý phải bồi thường thiệt hại.

Ts.Ls Đặng Văn Cường phân tích vấn đề pháp lý xoay quanh vụ việc

Ts.Ls Đặng Văn Cường phân tích vấn đề pháp lý xoay quanh vụ việc

Bởi vậy trong việc này, gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu cơ sở kinh doanh và chủ tòa nhà này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đồng thời sẽ yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ có sai phạm về xây dựng sửa chữa tòa nhà dẫn đến sự việc hay không để xem xét trách nhiệm pháp lý của các cơ quan tổ chức có liên quan theo quy định pháp luật.

Việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự.

Cụ thể, mức thiệt hại trong trường hợp nạn nhân bị thương tích bao gồm: Chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng. Tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút của nạn nhân và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 50 tháng lương cơ sở.

Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh cà phê của cơ sở này đăng ký và hoạt động như thế nào, sau sự việc xảy ra thì có đảm bảo an toàn hay không.

Trong trường hợp cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn cho khách hàng và cho những hộ dân xung quanh thì có thể tạm đình chỉ kinh doanh để chờ cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

T.Bình - C.Lê

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/vu-nu-bac-si-noi-tru-thuong-tich-nang-do-tam-kinh-roi-tai-quan-the-coffee-house-trach-nhiem-boi-thuong-se-duoc-giai-quyet-the-nao-172240512132209223.htm