Vụ nợ 8,5 triệu phải trả 8,8 tỷ đồng: Chuyên gia tiết lộ con số lãi suất Eximbank áp dụng với khách hàng

Nhiều ý kiến cho rằng cách tính lãi chồng lãi như Eximbank trong vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu, sau 11 năm phải trả 8,8 tỷ là không đúng quy định. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng ngân hàng được tự do thỏa thuận và tính lãi trong trường hợp pháp luật không cấm.

Vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng đang xôn xao dư luận những ngày gần đây. Trong đó vấn đề được "mổ xẻ" nhiều nhất đó là lãi suất trong vụ này là bao nhiêu? Đã có rất nhiều con số được đưa ra.

Theo đó, dùng hàm Goal Seek, một người đã tính ra được lãi suất trung bình là 87,94%/năm, tương ứng xấp xỉ 7,33%/tháng.

Trong khi đó, trên diễn đàn khác, một tài khoản sau khi tính toán cho rằng, lãi suất trong vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng lên tới gần 100%/năm. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, lãi suất vào khoảng 90%/năm, tức là 7,5%/năm.

Một tính toán khác lại cho thấy, lãi suất của khoản vay quá hạn này tính ra là 105%/năm.

Thông tin về khoản nợ của ông P.H.A tại Eximbank được lan truyền trên mạng xã hội nhiều ngày qua.

Còn theo tính toán của một giảng viên về lĩnh vực ngân hàng, trong vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng, với mức dư nợ và lãi suất như trên, lãi suất bình quân của khoản vay này vào khoảng 5,57% - 5,58%/tháng, tương ứng khoảng gần 67%/năm – thấp hơn nhiều so với các tính toán nêu trên.

Vị giảng viên này phân tích, khách hàng mở thẻ vào tháng 3/2013. Tháng 9/2013 khoản nợ chuyển thành nợ xấu (sau 91 ngày), như vậy khoản dư nợ phát sinh trong tháng 5 – 6/2013. Giả sử dư nợ của khoản nợ quá hạn này phát sinh từ tháng 5/2013 với giá trị 8.554.625 đồng, tính đến thời điểm ra công văn vào tháng 11/2023 (tức là 127 tháng), thì lãi suất bình quân 5,573%/tháng (kỳ tính lãi của thẻ tín dụng theo tháng). Như vậy, tương ứng với khoảng gần 67%/năm.

Từ vụ việc này, nhiều người bày tỏ nghi ngại về việc các ngân hàng tính lãi suất thẻ tín dụng theo kiểu "lãi chồng lãi" (hay còn gọi là lãi kép) liệu có đúng quy định pháp luật không?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khẳng định ngân hàng được tự do thỏa thuận và tính lãi trong trường hợp pháp luật không cấm.

Cụ thể, Thông tư liên tịch số 01/TTLT năm 1997 đề cập về lãi. Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được nhập gốc 1 lần. Ví dụ, kỳ hạn 1 tháng sau 1 tháng nhập 1 lần, kỳ hạn 1 năm sau 1 năm nhập lãi 1 lần.

Năm 2019, dự thảo Nghị quyết số 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về tính lãi phân tích, trình bày với 2 phương án tính lãi được đưa ra.

Thứ nhất, chỉ được nhập lãi vào gốc một lần. Hai là, không quy định. Cuối cùng, khi ban hành Nghị quyết đã chọn phương án không quy định. Điều này đồng nghĩa với việc là không cấm tổ chức tín dụng nhập gốc nhiều lần.

Trong khi đó, theo Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Khi cộng thêm lãi suất quá hạn thì cũng không được quá 30%/năm.

Còn theo Bộ luật Hình sự, trường hợp cho vay với lãi suất trên 100% thì phạm tội cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, trần 20%/năm không áp dụng đối với ngành ngân hàng. Đồng thời, lãi suất quá hạn ngân hàng được áp dụng, bằng 150% lãi suất trong hạn, thay vì chỉ được cộng thêm tối đa 10% như quy định chung đối với phi ngân hàng.

"Do đó, ngân hàng có thể nhập lãi vào gốc hay cho vay gốc với lãi suất 1000%/năm vẫn hợp pháp", ông Đức khẳng định.

Theo tính toán của Giám đốc Công ty Luật ANVI, lãi suất (gồm cả phí phạt,…) trong vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng, bình quân khoảng 70%/năm (lãi nhập gốc theo tháng). “Thậm chí, nếu tính lãi nhập gốc theo ngày, số tiền có thể lên tới 13 tỷ đồng, nhưng vẫn không phạm luật. Đây là thực tế diễn ra trong nhiều năm qua và là bất cập về hành lang pháp lý”, ông Đức cho hay.

Theo tìm hiểu của VnBusiness, hiện nay, một số ngân hàng lại có cách tính phí chậm trả và lãi quá hạn của thẻ tín dụng khác so với Eximbank. Chẳng hạn, tại Agribank, đại diện nhà băng này cho biết, vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền thanh toán tối thiểu, Agribank sẽ thu phí chậm trả tính trên số tiền thanh toán tối thiểu chưa được thanh toán. Số tiền phí này được thể hiện trên sao kê kỳ tiếp theo.

Trường hợp sau 2 (hai) kỳ sao kê liên tiếp, vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền thanh toán tối thiểu, hệ thống Agribank sẽ tự động khóa thẻ và tính lãi quá hạn với lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn trên toàn bộ dư nợ gốc.

Như vậy, Agribank chỉ tính lãi tiền vay trên dư nợ gốc.

Lãi suất quá hạn được tính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là không quá 150% lãi suất cho vay trong hạn (19.5%/năm) trên dự nợ gốc (không bao gồm lãi, phí).

Với trường hợp khách hàng có dư nợ là 8.500.000 đồng theo cách tính của Agribank, lãi quá hạn sau 11 năm của Agribank sẽ là: 8.500.000 x 19.5% x 11 năm = 18.349.670 đồng.

“Cách tính phí trả chậm và lãi quá hạn này là chính sách công khai của Agribank, áp dụng với tất cả khách hàng mở thẻ tín dụng. Tôi cũng băn khoăn với cách tính của Eximbank và đang nghĩ có thể họ có sự nhầm lẫn nào đó trong cách tính”, lãnh đạo Agribank cho biết.

Thực tế, nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước từng có chỉ đạo các ngân hàng thương mại không tính lãi kép cho các khoản vay. Tuy nhiên, công văn của Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể đôn đốc, nhắc nhở, lưu ý việc tuân thủ pháp luật về lãi suất đã có, chứ không quy định và không thể "phạt" ngân hàng chỉ vì tính lãi kép.

Do đó, để hạn chế tình trạng tính lãi kép với thẻ tín dụng trả chậm mỗi ngân hàng một kiểu như hiện nay, LS Trương Thanh Đức cho rằng cần sửa Luật theo hướng có quy định mức trần chung về lãi suất. Theo đó, cần áp dụng thống nhất quy định về lãi suất cho vay đối với mọi thành phần kinh tế, ngân hàng hay phi ngân hàng đều như nhau mới công bằng, hợp lý.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/vu-no-8-5-trieu-phai-tra-8-8-ty-dong-chuyen-gia-tiet-lo-con-so-lai-suat-eximbank-ap-dung-voi-khach-hang-1098800.html