Vụ lừa đảo tại Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh: Truy tố vợ chồng chủ doanh nghiệp và đồng phạm

Viện KSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ cho TAND Đồng Nai đưa ra xét xử vợ chồng bị can Nguyễn Văn Tình (61 tuổi) - Nguyễn Thị Chí Sương (56 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM), cùng các đồng phạm: Đinh Quốc Lực (47 tuổi, ngụ TP.HCM), Võ Hoàng Yến (45 tuổi, ngụ TP.HCM) và Đặng Trọng Nhân (43 tuổi, ngụ TP.HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tình - bà Nguyễn Thị Chí Sương cùng đồng phạm trong phiên tòa xét xử tại TAND tỉnh năm 2019. Ảnh: T.TÂM

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tình - bà Nguyễn Thị Chí Sương cùng đồng phạm trong phiên tòa xét xử tại TAND tỉnh năm 2019. Ảnh: T.TÂM

Theo cáo trạng, với hành vi, thủ đoạn gian dối, vợ chồng Tình - Sương và các đồng phạm đã đưa thông tin sai lệch về dự án khu dân cư để chiếm đoạt của hơn 400 bị hại với tổng số tiền hơn 320 tỷ đồng.

* Vẽ dự án, bán đất nền

Vào năm 2004, 2 bị can Tình và Sương thành lập Công ty TNHH XD-TM-DV Sài Gòn Cây Cảnh (trụ sở ở P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) với ngành nghề kinh doanh: mua bán nhà, cây cảnh..., vốn điều lệ 4 tỷ đồng, do bà Sương làm giám đốc, ông Tình là thành viên.

Đến năm 2008, Công ty TNHH XD-TM-DV Sài Gòn Cây Cảnh chuyển đổi thành Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh (gọi tắt Công ty Sài Gòn Cây Cảnh) vốn điều lệ tự kê khai là 300 tỷ đồng. Sau 4 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, đến năm 2010, Công ty Sài Gòn Cây Cảnh có 4 cổ đông, do ông Tình làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Thực tế, các cổ đông không góp vốn, chỉ đứng tên trên danh nghĩa, mọi hoạt động của Công ty Sài Gòn Cây Cảnh đều do vợ chồng ông Tình - bà Sương điều hành, quyết định.

Trước đó, vào năm 2004, vợ chồng ông Tình mua gần 36 ngàn m2 đất tại xã Tam Phước, H.Long Thành (nay là P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) làm vườn ươm, trồng cây cảnh. Cuối năm 2006, vợ chồng ông Tình có ý định thực hiện dự án khu dân cư tại xã Tam Phước nên đã mua thêm 3 thửa đất có tổng diện tích hơn 66 ngàn m2 tại Tam Phước, do bà Sương đứng tên.

Từ năm 2007-2009, dự án Khu dân cư Tam Phước được UBND tỉnh phê duyệt các thủ tục pháp lý như: chấp thuận địa điểm cho Công ty Sài Gòn Cây Cảnh lập thủ tục đầu tư dự án Khu dân cư Tam Phước với diện tích 157ha; phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư Tam Phước (có các nội dung yêu cầu như: lập thủ tục đầu tư, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh; làm thủ tục đất đai, thủ tục bảo vệ môi trường theo quy định; liên hệ Sở Xây dựng và các ngành liên quan lập quy hoạch chi tiết và thủ tục xây dựng; chủ đầu tư chỉ được phép sử dụng đất xây dựng công trình và triển khai dự án khi đã hoàn thành thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng và thủ tục khác liên quan theo quy định pháp luật; thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đầu tư khu dân cư…).

Vào năm 2014, ông Nguyễn Văn Tình bị TAND tỉnh tuyên phạt 18 năm tù; bà Nguyễn Thị Chí Sương bị tuyên phạt 14 năm tù cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đến năm 2019, cả hai cùng bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó bị can Tình bị tuyên 18 năm tù (cộng với 18 năm tù năm 2014 là 30 năm tù); bị can Sương bị tuyên phạt 14 năm tù (cộng với 14 năm tù vào năm 2014 là 28 năm tù). Nhưng cả 2 bản án năm 2014 và 2019 đều bị TAND cấp phúc thẩm hủy và Viện KSND Tối cao đã gộp 2 bản án cũ lại thành 1 vụ án, truy tố vợ chồng ông Tình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

* Làm hợp đồng góp vốn để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

Mặc dù dự án Khu dân cư Tam Phước chưa được UBND tỉnh ra quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng; Công ty Sài Gòn Cây Cảnh chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đền bù, giải phóng mặt bằng trên diện tích đất dự án được giới thiệu 157ha; chưa có đủ điều kiện pháp lý theo quy định để phân lô bán nền và không được phép huy động vốn, nhưng vợ chồng ông Tình cùng các đồng phạm đã dùng hồ sơ, thủ tục pháp lý dự án đã có, lợi dụng tư cách pháp nhân Công ty Sài Gòn Cây Cảnh tổ chức hội thảo, đưa ra các thông tin quảng cáo, tiếp thị không đúng sự thật… Thông qua các thủ đoạn đó, từ năm 2006-2010, các bị can đã ký hợp đồng vay tiền, đặt cọc; ký hợp đồng mua đất nền dự án (hợp đồng góp vốn) rồi chiếm đoạt của hơn 400 bị hại với số tiền hơn 320 tỷ đồng.

Cụ thể, từ tháng 11-2006 đến tháng 8-2010, vợ chồng ông Tình đã 8 lần thế chấp quyền sử dụng 5 thửa đất ở xã Tam Phước cho Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam chi nhánh Q.1 (TP.HCM) để vay tiền và đảm bảo cho người khác đứng tên vay hộ tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng. Mặc dù đã thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng 5 thửa đất tại ngân hàng nhưng từ năm 2007-2009, cả hai vẫn tiếp tục sử dụng giấy tờ phô tô, lừa thế chấp cho vợ chồng ông Lê Đình Tài - bà Trần Thị Hải Yến vay tiền hơn 30 tỷ đồng. Sau khi nhận được số tiền này, vợ chồng ông Tình đã chiếm đoạt, không trả lại cho vợ chồng ông Tài.

Ngoài ra, mặc dù biết rõ dự án Khu dân cư Tam Phước chưa được phép huy động vốn ứng trước, chưa được rao bán nền đất dự án khi chưa đủ điều kiện, nhưng từ tháng 12-2006 đến năm 2010, các bị cáo vẫn lợi dụng một số hồ sơ, thủ tục pháp lý đã có của dự án và pháp nhân Công ty Sài Gòn Cây Cảnh để ký gần 870 hợp đồng, bán gần 950 nền đất cho hơn 400 người để chiếm đoạt hơn 293 tỷ đồng.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202310/vu-lua-dao-tai-cong-ty-cp-sai-gon-cay-canh-truy-to-vo-chong-chu-doanh-nghiep-va-dong-pham-3125213/