Vũ khí nội địa giúp nâng tầm Hải quân Ấn Độ như thế nào?

Trong thời gian qua, việc đưa vào sử dụng các vũ khí nội địa không chỉ giúp Hải quân Ấn Độ tăng cường sự tự chủ chiến lược mà còn nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và ứng phó với những thách thức ngày càng gia tăng.

Vũ khí nội địa và con đường Atmanirbharta (tự lực) của Ấn Độ

Ấn Độ, giống như tất cả các cường quốc quân sự lớn, đã và đang có những nỗ lực lâu dài nhằm đáp ứng các yêu cầu quốc phòng trong nước. Máy bay chiến đấu HF-24 Marut, máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas, xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun, tàu khu trục Leander, tàu sân bay nội địa Vikrant, tàu khu trục lớp Kolkata và Vishakhapatnam hay tàu ngầm hạt nhân Arihant đã cho thấy sự thành công tương đối của Ấn Độ trong việc tạo dựng năng lực trong nước để xây dựng nền tảng hải quân.

Khi Ấn Độ dấn thân vào con đường Atmanirbharta (tự lực), điều quan trọng đối với những người ra quyết định chính trị và quân sự là phải hiểu điều gì, tại sao và làm thế nào mà các dự án nêu trên, đặc biệt là các dự án hải quân, trở nên thành công và để thành công đó có thể được nhân rộng ở nơi khác.

Tàu sân bay Vikrant của Ấn Độ (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ)

Trên thực tế, nội địa hóa là trọng tâm chính trong các nỗ lực hiện đại hóa và mua sắm quốc phòng của Ấn Độ.

Ấn Độ phần lớn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài không chỉ về nền tảng quốc phòng, thiết bị và hệ thống vũ khí mà còn về phụ tùng thay thế và bảo trì chúng. Điều này có nghĩa là ngay cả trong các cuộc khủng hoảng, quân đội Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc vào vật tư và phụ tùng thay thế từ nước ngoài.

Cựu Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ - Tướng V. P. Malik trong một cuộc phỏng vấn với Times of India đã nhấn mạnh thực tế là trong nhiều trường hợp, các nhu cầu cấp thiết của quân đội Ấn Độ đã bị nước ngoài từ chối. Những kinh nghiệm lịch sử từng cản trở các lựa chọn sẵn có của các nhà hoạch định chính trị và quân sự, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng, là yếu tố quan trọng đằng sau việc Ấn Độ hiện nay theo đuổi mục tiêu tự lực trong mua sắm và hiện đại hóa quốc phòng trong những năm qua.

Một lý do quan trọng khác đằng sau việc thúc đẩy khả năng tự lực hoặc nội địa hóa thiết bị quốc phòng là chi phí kinh tế mà đất nước phải gánh chịu do nhập khẩu quốc phòng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa. Quá trình nội địa hóa vũ khí lớn hơn cũng là điều cần thiết để biến nỗ lực xuất khẩu quốc phòng của chính phủ Ấn Độ thành hiện thực. Thủ tướng Narendra Modi tại Aero India 2023 ở Bengaluru đã kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng với mục tiêu đầy tham vọng là xuất khẩu khí tài quân sự trị giá 5 tỷ USD vào năm 2025.

Hải quân Ấn Độ được cho là thành công hơn so với hai lực lượng còn lại khi thiết kế, thử nghiệm, xây dựng cũng như đưa vào sử dụng các vũ khí nội địa.

Người đứng đầu Hải quân Ấn Độ - Đô đốc R Hari Kumar nhấn mạnh Atmanirbharta (tự lực) trong phòng thủ không chỉ là mệnh lệnh kinh tế mà còn là yêu cầu chiến lược để giữ quyền tự chủ.

Tàu ngầm hạt nhân Arihant (Ảnh: BQP Ấn Độ)

"Sự chuyển đổi của chúng tôi từ hải quân với vai trò là người mua sang hải quân với vai trò là người xây dựng không chỉ giúp hỗ trợ và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng mà còn dẫn đến tăng trưởng kinh tế và kỹ năng công nghiệp. Trình độ lực lượng hiện tại của chúng tôi là khoảng hơn 130 tàu và 250 máy bay. Chúng tôi dự đoán rằng nó sẽ tăng lên khoảng 175 chiếc vào năm 2035 và khoảng 400 máy bay. Trong khi chúng tôi tìm kiếm sự tăng trưởng về số lượng, nó sẽ nâng cao năng lực và khả năng ứng dụng công nghệ của chúng tôi lên một tầm cao mới", ông R Hari Kumar nói thêm.

Trong thời gian qua, việc đưa vào sử dụng các vũ khí nội địa không chỉ giúp Hải quân Ấn Độ tăng cường sự tự chủ chiến lược mà còn nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và ứng phó với những thách thức ngày càng gia tăng.

Vũ khí nội địa nâng tầm sức mạnh Hải quân Ấn Độ

Khi cả đất nước chìm trong ánh sáng rực rỡ của hàng triệu ngọn đèn được thắp sáng để chào mừng Diwali, Hải quân Ấn Độ đã đạt được một cột mốc quan trọng khi tàu sân bay INS Vikrant do nước này lần đầu tiên tự chế tạo đạt được “trạng thái hoạt động hoàn toàn”. Sự phát triển này đưa Ấn Độ vào nhóm các quốc gia ưu tú có khả năng chế tạo và triển khai tàu sân bay.

Trước đó, Hải quân Ấn Độ chỉ có duy nhất một tàu sân bay đang hoạt động là INS Vikramaditya được mua từ Nga.

Tàu sân bay luôn được coi là thiết giáp hạm chủ lực của bất kỳ lực lượng hải quân nào. INS Vikrant, còn được gọi là Tàu sân bay nội địa 1 (IAC-1) dài 262 mét và rộng 62 mét, có lượng giãn nước khoảng 40.000 tấn. Vikrant được cung cấp năng lượng bởi bốn tuabin khí General Electric LM2500+ trên hai trục, tạo ra công suất hơn 80 megawatt (110.000 mã lực). Hộp số cho các tàu sân bay được thiết kế và cung cấp bởi Elecon Engineering. Thủ tướng Narendra Modi từng khẳng định trong một bài phát biểu rằng, việc hoàn thành INS Vikrant là dấu hiệu cho thấy “Ấn Độ đang trên con đường trở thành một quốc gia tự lực”.

Hải quân đã thực hiện một bước quan trọng trong việc vận hành INS Vikrant bằng cách thực hiện thành công việc hạ cánh máy bay chiến đấu hạng nhẹ nội địa và MiG-29K trên INS Vikrant ở Biển Arab.

Vào tháng 6/2023, Hải quân Ấn Độ đã mang đến cái nhìn khái quát về hoạt động của nhiều tàu sân bay trong tương lai bằng cách chứng minh việc triển khai phối hợp hai nhóm tác chiến tàu sân bay cùng với hơn 35 máy bay ở Biển Arab. Cuộc tập trận có sự kết hợp liền mạch của hai tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Vikrant được chế tạo trong nước cùng với một đội gồm các loại tàu, tàu ngầm và máy bay đa dạng.

Cùng với INS Vikramaditya, INS Vikrant cung cấp bệ phóng cho nhiều loại máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu MiG-29K, máy bay trực thăng MH60R, Kamov, Sea King, Chetak và ALH. Hải quân Ấn Độ cho biết trong một thông báo: “Khi Ấn Độ tiếp tục tăng cường bộ máy an ninh của mình, tầm quan trọng của các tàu sân bay sẽ vẫn có vai trò tối quan trọng trong việc định hình chiến lược quốc phòng của quốc gia và thúc đẩy sự ổn định trong khu vực”.

Tiêm kích Tejas hạ cánh xuống tàu sân bay Vikrant (Nguồn: BQP Ấn Độ)

Nick Childs, chuyên gia cấp cao về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết: “Đây không phải là một thành tựu nhỏ và nhấn mạnh rằng Hải quân Ấn Độ là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới vận hành nhiều hơn một tàu sân bay”.

Ngoài ra không thể không kể tới vai trò của tàu ngầm hạt nhân INS Arihant. Tàu ngầm này mang lại sự tăng cường đặc biệt cho hải quân về khả năng hoạt động. INS Arihant là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Hải quân Ấn Độ tự chế tạo, được hạ thủy vào 26/7/2009, dài 112 mét, nặng 6.000 tấn, thủy thủ đoàn có thể lên tới 100 người. Trong khi đó, K-4 (Kalam-4) là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tầm trung, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phát triển để trang bị cho các tàu ngầm lớp Arihant. K-4 dài 10 mét, nặng 20 tấn và có thể mang tải trọng 2 tấn. Nó có tầm bắn tối đa khoảng 4.000 km.

"Lớp Kolkata" (Dự án 15A) là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường được chế tạo cho Hải quân Ấn Độ. Lớp này bao gồm ba tàu – Kolkata, Kochi và Chennai, tất cả đều được đóng bởi Mazagon Dock Limited (MDL) ở Ấn Độ và là những tàu khu trục lớn nhất được Hải quân Ấn Độ vận hành.

Tàu khu trục lớp Kolkata (Ảnh: BQP Ấn Độ)

Những tàu khu trục này là minh chứng cho khả năng phòng thủ ngày càng tăng và quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ. Chúng được trang bị nhiều loại vũ khí mạnh mẽ, bao gồm hệ thống tên lửa BrahMos, cho phép chúng tấn công mục tiêu ở tốc độ siêu thanh, đảm bảo lợi thế nhanh chóng và mang tính quyết định trong các hoạt động chiến đấu.

Ngoài ra Ấn Độ cũng chủ động hoàn toàn trong việc đóng các tầu khu trục tên lửa tàng hình. Công ty Mazagon thuộc Bộ Quốc phòng Ấn độ đã tự chủ trong việc đóng các tàu khu trục, hộ tống loại nhỏ, tàu ngầm diesel điện SKK, các tàu tên lửa hay tàu tuần tra xa bờ. Không chi vậy, các tàu hỗ trợ đa năng cũng là sản phẩm nổi trội.

Một công ty khác của Ấn Độ là Shoft có thể cho ra đời các tàu huấn luyện phóng lôi có lượng giãn nước lên tới 4000 tấn, các tàu hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ bờ biển…

Bên cạnh đó, hệ thống định vị riêng của Ấn Độ (IRNSS) dành cho mục đích quân sự cũng có thể là yếu tố then chốt trong hoạt động tác chiến của hải quân. Hệ thống định vị riêng của Ấn Độ có nghĩa là nước này sẽ không phụ thuộc vào điều hướng nước ngoài. IRNSS sẽ được sử dụng cho tọa độ tên lửa cũng như hệ thống định vị cho tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân. IRNSS không phải là vũ khí nhưng đóng góp quan trọng vào việc làm cho các vũ khí của Ấn Độ trở nên đáng gờm hơn.

Kiều Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi-noi-dia-giup-nang-tam-hai-quan-an-do-nhu-the-nao-post1084819.vov