Vũ khí bí mật nào của Ukraine liên tiếp bắn rơi máy bay Nga?

Chỉ trong vòng một tuần, 10 máy bay chiến đấu của Nga đã bị phòng không Ukraine bắn hạ; có phải F-16 của Ukraine đã bí mật tham chiến? Trong khi Nga ngừng máy bay cảnh báo sớm trong nhiều ngày.

Trong những ngày qua, dưới mặt đất, quân Ukraine liên tục rút lui; nhưng trên bầu trời, lực lượng phòng không nước này liên tiếp “lập chiến công”. Ngày 27/2, phòng không Ukraine một lần nữa bắn hạ 2 tiêm kích bom Su-34 của Nga, đây là “kỷ lục chói sáng” của Ukraine chỉ sau 7 ngày và là máy bay chiến đấu thứ 10 của Nga bị bắn hạ liên tiếp.

Trung tướng Mykola Oreshuk, chỉ huy Lực lượng phòng không, Không quân Ukraine, đã “chế nhạo” quân đội Nga trên mạng xã hội và khuyến nghị phi hành đoàn Nga nên gặp gia đình họ trước mỗi chuyến bay để “đề phòng bất trắc”.

Theo một số thông tin, kể từ khi chiếc máy bay cảnh báo sớm A-50U bị rơi hôm 23/2, Không quân Nga đã không sử dụng loại máy bay này trong nhiều ngày trên khu vực biên giới phía tây và trên khu vực Biển Đen.

Theo một số phán đoán, có thể phòng không Ukraine đã bắn hạ một máy bay cảnh báo sớm A-50U bằng hệ thống phòng không S-200 từ thời Liên Xô. Mặc dù có suy đoán rằng, máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây hỗ trợ có thể đã tham gia cuộc chiến, nhưng hiện tại không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho thông tin này.

Cơ quan tình báo Anh cho rằng, ngay cả khi Quân đội Nga chỉ mất 2 máy bay cảnh báo sớm A-50, thì các phi đội A-50 còn lại sẽ cảm thấy áp lực lớn hơn. Vùng trời vốn được coi là an toàn giờ đây dường như không còn an toàn nữa, và Quân đội Ukraine dường như đã sử dụng một số loại vũ khí tối tân.

Mặt khác, một số người cho rằng, Không quân Ukraine có thể đã bí mật nhận được một số máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên F-16 này là máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba và không có khả năng tàng hình. Máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga có tầm phát hiện hàng trăm km, khiến F-16 rất khó tiếp cận và phát động tấn công mà không bị phát hiện.

Mặc dù Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn rơi máy bay cảnh báo sớm A-50, máy bay chỉ huy không quân IL-22 của Nga và nhiều máy bay tiêm kích bom Su-34; nhưng tính xác thực của thông tin này vẫn cần phải được xác nhận thêm.

Đánh giá tình hình hiện tại, tuyên bố của Không quân Ukraine có thể “hơi cường điệu”. Quan chức Nga khẳng định, chiếc máy bay chỉ huy không quân Il-22 bị bắn trúng đã quay trở lại sân bay, có thể thấy trong các bức ảnh, phần đuôi của chiếc Il-22 quả thực đã bị tấn công.

Tổng hợp lại, những sự cố này minh họa cho sự phức tạp và tính biến đổi của các trận không chiến trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Dù Không quân Ukraine đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng Quân đội Nga vẫn duy trì được lợi thế trên không. Bằng chứng là Su-34 của Nga vẫn liên tục dội bom xuống quân Ukraine trong những ngày qua.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, những sự cố trên của Không quân Nga (theo như thông tin của Nga công nhận), cũng phản ánh những điểm yếu của Quân đội Nga ở một số khía cạnh, như thiếu khả năng nhận dạng bạn-thù, trình độ thông tin hóa và tự động hóa yếu.

Nếu theo thông tin của Ukraine, họ đã bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của Nga trong một thời gian ngắn, bao gồm tiêm kích bom Su-34, máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM, máy bay tấn công Su-25... thì những thành tích này thể hiện hiệu quả chiến đấu và ý chí kháng cự mạnh mẽ của Ukraine.

Lực lượng phòng không Ukraine đã sử dụng mọi thứ vũ khí phòng không mà họ có, từ hệ thống phòng không S-200 đã rất lạc hậu, đến các hệ thống phòng không khác như Buk-M1, NASSAM, Patriot,.. giúp họ hạn chế khả năng chiến đấu của Không quân Nga.

Ngoài ra, Không quân Ukraine còn được các quốc gia NATO hỗ trợ tối đa về thông tin tình báo theo thời gian thực và họ sử dụng những hệ thống tác chiến điện tử để can thiệp vào hệ thống liên lạc và radar của Quân đội Nga, làm suy yếu thêm ưu thế trên không của Quân đội Nga.

Tuy nhiên, Quân đội Nga không phải không có khả năng phản công. Máy bay cảnh báo sớm A-50 của họ có khả năng phát hiện cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát mạnh mẽ, đồng thời có thể giám sát các điều kiện chiến trường trong thời gian thực và chỉ huy máy bay chiến đấu tiến hành các hoạt động chiến đấu.

Để tiếp tục tăng cường năng lực cảnh báo sớm trên không, vào ngày 29/2, người đứng đầu Tập đoàn nhà nước Rotec của Nga đã phát biểu với hãng tin nhà nước TASS về kế hoạch tiếp tục sản xuất dòng máy bay A-50, vì Quân đội Nga đang có nhu cầu rất lớn về loại máy bay này.

Đồng thời, TASS cũng cho biết rằng, công việc hiện đại hóa máy bay A-50 lên phiên bản A-50U, có sử dụng kinh nghiệm thực chiến từ chiến trường Ukraine, đang được thực hiện bởi Công ty Vega và TANTK, sẽ được hoàn thành trong thời gian tới.

Hãng tin TASS cũng cho biết, số A-50U hiện đại hóa này phát triển từ số máy bay cảnh báo sớm A-50 được chế tạo từ thời Liên Xô. Máy bay sẽ được thay thế động cơ mới, hệ thống màn hình, máy tính chủ và một số cảm biến trinh sát... Do vậy tính năng của A-50U hơn A-50 rất nhiều.

Theo phi công quân sự Nga đã nghỉ hưu, ông Ilya Tumanov, cũng là một chuyên gia phân tích và viết blogger, đã thông báo vào ngày 2/3 trên kênh Telegram Fighterbomber của mình cho biết, một chiếc A-50U đã được đưa vào sử dụng trong Không quân Nga.

Như vậy khi cuộc xung đột tiếp tục, cả hai bên đều tìm kiếm chiến thuật và chiến lược mới để giành thế thượng phong. Lực lượng phòng không, Không quân Ukraine tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng cũng phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ Không quân Nga.

Và trong việc duy trì ưu thế trên không, Quân đội Nga cũng cần phải đối mặt với những thách thức mới từ Không quân Ukraine. Kết quả của trận chiến trên không này vẫn còn nhiều biến số chưa thể lường trước được, nhất là khi Ukraine tiếp nhận chiến đấu cơ F-16 vào tháng 6 tới và Nga tăng cường lực lượng máy bay cảnh báo sớm (Nguồn ảnh: Reuters, TASS, Topwar, CNN).

Tiến Minh (Theo Topwar)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/vu-khi-bi-mat-nao-cua-ukraine-lien-tiep-ban-roi-may-bay-nga-1963812.html