Vụ Israel tấn công Iran: Quy mô nhỏ nhưng ẩn chứa thông điệp đáng gờm

Vụ Israel tấn công một sân bay nhỏ gần căn cứ không quân chính của Iran hôm 19/4 được cho là nhằm phát đi một thông điệp răn đe đáng gờm dù quy mô của cuộc không kích là không đáng kể.

Vụ tấn công được tính toán kỹ lưỡng

Theo The Hill, đây là vụ tấn công đáp trả đầu tiên của Israel nhằm vào Iran sau khi nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran phát động chiến dịch tấn công rầm rộ huy động tới hơn 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa dồn dập không kích các mục tiêu tại Israel một tuần trước đó.

Giới chức Iran cho biết, vụ tấn công có sự tham gia của ít nhất 3 UAV của Israel đã bị hệ thống phòng không của nước này vô hiệu hóa.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin phương Tây, Iran dường như đang tìm cách nói giảm thiệt hại của vụ tấn công vì trước đó giới chức Iran xác nhận có những tiếng nổ lớn ở khu vực căn cứ không quân nhưng sau lại nói rằng, những tiếng nổ đó là do tên lửa Iran đánh chặn UAV của Israel.

Hiện trường vụ không kích của Israel vào Iran (Ảnh: Independent)

Trong khi đó, Israel cũng khá im hơi lặng tiếng sau vụ tấn công mà giới chức nước này đánh giá là "phản ứng có giới hạn" nhằm vào Tehran để tránh leo thang căng thẳng giữa hai bên.

Điều này được coi là khá bất thường nếu so với trước đó Iran đã triển khai đòn tấn công với quy mô chưa từng có tiền lệ nhằm đáp trả vụ không kích Đại sứ quán Iran tại Syria nghi do Israel thực hiện hôm 1/4.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi từng cảnh báo nếu có bất kỳ hành vi tấn công nào vào Iran "dù là nhỏ nhất" cũng sẽ kích hoạt phản ứng "mạnh mẽ và tàn bạo" từ phía Tehran. Tuy nhiên, hàng giờ sau cuộc tấn công của Israel, giới chức Iran đã không xuất hiện trước công chúng để kêu gọi trả đũa.

Trong khi đó, trước khi tấn công, giới chức Israel khẳng định sẽ đáp trả mạnh mẽ đòn trả đũa của Iran và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thậm chí còn khước từ lời kêu gọi kiềm chế của các đồng minh: "Tôi muốn nói rõ rằng: Chúng tôi sẽ tự đưa ra quyết định. Nhà nước Do Thái sẽ làm tất cả những gì cần thiết để tự phòng vệ". Tuy nhiên, sau khi vụ không kích Iran với quy mô nhỏ diễn ra, giới chức Israel cũng gần như "im hơi lặng tiếng".

Lời đe dọa tấn công trả đũa mạnh mẽ trước đó của Iran dường như cũng chỉ là những tuyên bố nhằm răn đe Israel (Ảnh: AFP).

Các nhà phân tích đánh giá, cuộc tấn công bất ngờ với quy mô nhỏ của Israel đã được tính toán kỹ lưỡng để tránh "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại" khiến tình hình trong khu vực vượt ngoài tầm kiểm soát.

"Mục đích chính từ vụ tấn công của Israel là khôi phục khả năng răn đe và ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran trong tương lai nhằm về phía Israel. Tuy nhiên, hành động của Israel lần này đã được tính toán kỹ lưỡng để Iran không tiến hành tấn công đáp trả", ông Richard Hass, Chủ tịch danh dự Hội đồng Quan hệ Ngoại giao đánh giá.

Lời cảnh báo đối với cơ sở hạt nhân Iran

Bên cạnh đó, khu vực mà Israel lựa chọn không kích lại là nơi đồn trú của nhiều cơ sở, căn cứ quân sự của Iran bao gồm 4 cơ sở hạt nhân quy mô nhỏ, khu vực gần nơi làm giàu urani Natanz của Iran, một căn cứ không quân với nhiều máy bay chiến đấu và một nhà máy sản xuất tên lửa, ngoài ra còn có cả một hệ thống phòng không S-300 án ngữ.

Địa điểm Israel lựa chọn cho đợt không kích Iran cũng được tính toán vô cùng kỹ lưỡng (Ảnh: Guardian).

Trong khi giới quan sát cho rằng vụ tấn công của Israel đã đánh trúng căn cứ không quân của Iran thì Iran lại tuyên bố khu vực này cùng các tổ hợp hạt nhân của họ không bị hư hại đáng kể và những hình ảnh vệ tinh mà CNN nhận được cũng cho thấy rõ điều này.

Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper việc lựa chọn kỹ lưỡng địa điểm tấn công cũng như quy mô tấn công cho thấy Israel muốn truyền tải một thông điệp rõ ràng tới Iran: Israel có thể tấn công vào những nơi có thể làm tổn thương Iran.

"Vụ tấn công đó không nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng hay sát hại thường dân Iran. Thông điệp ở đây là chúng tôi có thể đánh sâu vào trong Iran và nhằm vào những vị trí hết sức nhạy cảm", ông Esper nhấn mạnh.

Quan điểm trên cũng nhận được nhiều sự đồng tình của các chuyên gia quốc tế. Ông Bradley Bowman, Giám đốc cao cấp tại Trung tâm Quân sự và Quyền lực Chính trị tại Quỹ vì Quốc phòng và Dân chủ chia sẻ: "Phản ứng của Iran sau vụ Israel tấn công Đại sứ quán Iran ở Damscus là nhằm làm leo thang căng thẳng trên quy mô lớn.

Những gì chúng ta nhận thấy ngày hôm nay (19/4) lại là một phản ứng vô cùng kiềm chế từ Israel nhằm truyền đi một thông điệp sâu sắc: Iran có thể tấn công vào bất kỳ nơi nào ở Iran nếu muốn và cũng không cần tới 350 tên lửa và UAV để làm điều này.

Đến Mỹ cũng phải đứng sang một bên

Một động thái đáng chú ý khác trước khi Israel tiến hành không kích Iran chính là Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng kêu gọi ông Netanyahu cần kiềm chế và không cần thiết phải đáp trả. Nếu có động thái phản ứng thì đồng minh Israel cần thông báo trước với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dù khuyên Israel kiềm chế nhưng cũng không muốn liên quan đến vụ không kích lần này (Ảnh: Reuters)

Thậm chí, ngay tại thời điểm Israel tiến hành không kích Iran, Nhà Trắng cũng tránh bình luận sâu.

"Tôi sẽ không đưa ra tuyên bố hay phỏng đoán gì về những thông tin ngoài kia. Chúng tôi không muốn căng thẳng leo thang. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn đồng minh và đối tác trong khu vực để giảm thiểu nguy cơ leo thang căng thẳng", bà Karine Jean-Pierre, Thư ký Báo chí Nhà Trắng tuyên bố.

Các quan chức khác của Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Anthony Blinken tuyên bố Washington không có liên quan gì đến sự lựa chọn của Israel.

"Mỹ không hề liên quan gì đến chiến dịch tấn công của Israel. Bạn có thể thấy Israel đã hứng chịu một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ nhưng ưu tiên của chúng tôi là tập trung vào việc đảm bảo rằng Israel có thể tự phòng vệ trong khi vẫn muốn làm hạ nhiệt căng thẳng và tránh xung đột" - ông Blinken nói.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vu-israel-tan-cong-iran-quy-mo-nho-nhung-an-chua-thong-diep-dang-gom-192240420151108663.htm