Vụ 'chuyến bay giải cứu': Đa số những người đưa hối lộ đều không muốn phải đưa tiền

Tại tòa, các luật sư của các bị cáo bị truy tố về tội 'Đưa hối lộ' cho rằng, đa số những người đưa hối lộ đều không muốn phải đưa tiền, đây là việc bất khả kháng và do có quá nhiều cơ quan được tham gia vào việc tổ chức chuyến bay.

Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Công ty Lữ hành Việt. Ảnh chụp màn hình

Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Công ty Lữ hành Việt. Ảnh chụp màn hình

Nghẹn ngào xin khoan hồng

Sáng 20/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” tiếp tục diễn ra tại TAND TP Hà Nội với phần tranh luận.

Buổi sáng tòa cũng nghe phần tự bào chữa của bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Công ty Lữ hành Việt. Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh và bị cáo Vũ Thùy Dương cùng bị xét xử về tội "Đưa hối lộ".

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury bị Viện KSND Hà Nội đề nghị mức án 7-8 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Bị cáo Vũ Thùy Dương - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Lữ Hành Việt (Công ty Lữ Hành Việt) bị đề nghị mức án 2-3 năm tù với cùng tội danh.

Theo cáo buộc, Nguyễn Tiến Mạnh thành lập Công ty Lữ hành Việt, giao cho Vũ Thùy Dương đứng tên làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty Lữ hành Việt chuẩn bị hồ sơ gửi Văn phòng Chính phủ và công văn gửi các hãng hàng không xin tiếp tục tổ chức các chuyến bay nhưng không được chấp thuận.

Khoảng tháng 1/2021, Nguyễn Tiến Mạnh bàn bạc với Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do, tự nhận quen biết nhiều người có thẩm quyền) để Công ty Lữ hành Việt được cấp phép thực hiện chuyến bay. Kiếm hứa sẽ giúp xin cấp phép chuyến bay và được chia lợi nhuận.

Sau đó, Nguyễn Tiến Mạnh đã chỉ đạo Vũ Thùy Dương đưa tiền cho Kiếm để hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền. Thấy Kiếm chi tiền quá lớn nên giai đoạn sau, Mạnh tự đi xin cấp phép và chỉ đạo Dương chuyển tiền hối lộ.

Cáo trạng xác định bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh đưa hối lộ 27,8 tỉ đồng, Vũ Thùy Dương đưa hối lộ 24 tỉ đồng.

Tự bào chữa, bị cáo Mạnh cho biết những công dân đi chuyến bay của Công ty Lữ hành Việt rất tin tưởng vào chính sách pháp luật của Đảng; sau đó, bị cáo được nhiều công dân, đối tác đăng ký chuyến bay của Lữ hành Việt. Để thuận lợi cho những chuyến bay sau, bị cáo chuẩn bị rất kỹ lưỡng và ưu tiên cho những người đặc biệt (người già, người có bệnh nền…).

“Thời điểm đó rất khắc nghiệt. Bị cáo quyết tâm cố gắng xin bằng được chuyến bay đó. Bị cáo chỉ thông qua Hoàng Anh Kiếm để xin cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước. Sau đó tôi mới biết Kiếm dùng 1 phần tiền để đưa hối lộ”, Mạnh nói.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Mạnh không chỉ mong HĐXX công minh, công tâm để giảm nhẹ hình phạt cho mình mà còn xin xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vũ Thùy Dương – người Mạnh gọi là vợ bởi Dương là người lệ thuộc và làm theo sự chỉ đạo.

Mạnh nghẹn ngào, chính mình đã "đẩy vợ", dù là vô tình, vào con đường phạm tội. Vì thế, Mạnh xin HĐXX xem xét nhân văn, nhân đạo rộng lượng với gia đình mình, cho vợ bị cáo ở ngoài xã hội để làm nghĩa vụ làm cha mẹ, làm con.

Đa số những người đưa hối lộ đều không muốn phải đưa tiền. Ảnh: Nhật Nam

Đa số những người đưa hối lộ đều không muốn phải đưa tiền. Ảnh: Nhật Nam

Đa số những người đưa hối lộ đều không muốn phải đưa tiền

Cho rằng thân chủ mình đã đưa hối lộ trong bối cảnh rất đặc biệt, Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình) cho biết, công ty của bị cáo Mơ vốn là một doanh nghiệp lữ hành và bán vé máy bay. Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, Chính phủ đã cho dừng toàn bộ các chuyến bay từ nước ngoài về. Lúc này, doanh nghiệp cũng như người đứng đầu chịu những thử thách rất lớn.

Khi mà Chính phủ có chủ trương có chuyến bay giải cứu, sau này là chuyến bay combo, thì doanh nghiệp như “trời hạn gặp mưa rào”.

Tuy nhiên, khi thực hiện thì gặp khó chồng khó, chỉ cần chậm chuyến thôi doanh nghiệp cũng đứng trước nguy cơ phải bồi thường với số tiền rất lớn…

Cũng theo luật sư, đa số những người đưa hối lộ đều không muốn phải đưa tiền, đây là việc bất khả kháng và do có quá nhiều cơ quan được tham gia vào việc tổ chức chuyến bay.

Trong đó, bị cáo Hồng từng nộp 4 bộ hồ sơ lên VPCP nhưng không được phê duyệt, nộp 3 bộ hồ nộp ở Tổ 5 Bộ nhưng cũng không được nhận. Và rồi, phải “nghe đâu đấy” để ngày hôm nay phải đứng trước phiên tòa này. Luật sư cũng mong VKS, HĐXX đánh giá mức độ, đặc biệt xem xét đến tình tiết “bị cáo tự thú”; họ đưa hối lộ trong bối cảnh rất đặc biệt.

Trong vụ án này, Võ Thị Hồng bị xác định đưa hối lộ 21 lần, tổng số hơn 10.9 tỉ đồng; Hoàng Diệu Mơ bị xác định đưa hối lộ 41 lần, tổng số 34,6 tỉ đồng.

Trước đó, chiều 19/7, luật sư Phạm Quang Biên, bào chữa cho bị cáo Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty Sao Hà Nội, phân tích nguyên nhân chính dẫn đến đưa hối lộ do khi đăng ký hồ sơ chuyến bay đều không được cơ quan có thẩm quyền phản hồi, chấp thuận. Các chủ doanh nghiệp như bà Mai vì thế phải liên hệ để tìm hiểu lý do và hoàn thiện hồ sơ.

"Trong những lần này, Mai nhiều lần bị đặt vấn đề tiền bạc", luật sư nói. Theo luật sư Biên, quy trình phức tạp, nhiều thủ tục, chồng chéo khi xét duyệt các chuyến bay giải cứu cũng tạo điều kiện hình thành cơ chế xin - cho”.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-da-so-nhung-nguoi-dua-hoi-lo-deu-khong-muon-phai-dua-tien-344968.html