Vụ chìm tàu ngầm Indonesia phơi bày hạn chế của cứu hộ quốc tế

Thảm họa tàu ngầm KRI Nanggala-402 khiến toàn bộ thủy thủ đoàn 53 người thiệt mạng cho thấy hợp tác quốc tế trong cứu hộ tàu ngầm gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề thời gian.

Tàu ngầm luôn được các nhà hoạch định hải quân, quan chức quân đội quan tâm. Chúng được coi là cấp số nhân của lực lượng quân đội, đặc biệt là đối với các quân đội yếu hơn, tàu ngầm đóng vai trò như lực lượng phi đối xứng, khi đối mặt với kẻ thù mạnh hơn.

Tàu ngầm là lực lượng tinh nhuệ của bất kỳ hải quân nào trên thế giới, tạo thành lực lượng răn đe hiệu quả trong thời bình và khả năng chiến đấu mạnh mẽ, Channel New Asia cho biết.

Trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu gia tăng hạm đội tàu ngầm, kèm theo đó là những cảnh báo về sự cố.

Tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore. Ảnh: Bộ Quốc phòng Singapore.

Vụ tai nạn tàu ngầm gần nhất ở châu Á xảy ra vào đầu tháng 2, khi một tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản va chạm với tàu thương mại khi đang nổi lên ngoài khơi Shikoku. Vụ va chạm khiến 3 thủy thủ bị thương, con tàu mất liên lạc, nhưng con tàu vẫn trở về cảng an toàn.

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Indonesia không may mắn như vậy. Ba ngày sau khi mất liên lạc, tàu ngầm 402 được tìm thấy ở độ sâu 800 m, thân tàu vỡ làm 3 phần. Toàn bộ thủy thủ đoàn 53 người đều thiệt mạng.

Đây là vụ tai nạn tàu ngầm thảm khốc nhất ở Đông Nam Á.

Giới hạn của hợp tác quốc tế

Indonesia phản ứng khá nhanh với vấn đề. Họ nhận thấy được những hạn chế về nguồn lực nên nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của quốc tế thông qua Văn phòng liên lạc cứu hộ và thoát hiểm tàu ngầm quốc tế (ISMERLO).

Hải quân Indonesia đã viện dẫn thỏa thuận với Hải quân Singapore về hợp tác và hỗ trợ cứu hộ tàu ngầm giữa hai nước, được ký kết vào năm 2012.

Nhà chức trách Indonesia hiểu rằng ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng xác định vị trí con tàu gặp nạn để cứu hộ trong thời gian sớm nhất, với hy vọng tìm được người sống sót.

Phản ứng của quốc tế với lời kêu gọi của Indonesia cũng đến rất nhanh. Singapore, Ấn Độ, Australia, Malaysia và Mỹ đã điều động phương tiện đến trợ giúp Jakarta.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu từ Indonesia, Singapore điều động tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue với tàu ngầm cứu hộ biển sâu DSRV 6 đến vùng biển Bali vào chiều ngày 21/4.

Hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực cứu hộ tàu ngầm. Các lực lượng quân đội nước ngoài sở hữu những phương tiện tìm kiếm và cứu hộ hiện đại, mà lực lượng hải quân như Indonesia không thể có được.

Tuy nhiên, cứu hộ tàu ngầm là cuộc chạy đua với thời gian. Khoảng cách địa lý trở thành rào cản lớn cho bất kỳ nỗ lực cứu hộ thành công nào. Tàu cứu hộ MV Swift Rescue phải vượt qua quãng đường 1.500 km từ căn cứ hải quân Changi đến vùng biển Bali.

Trong điều kiện tốt nhất, con tàu cũng phải mất gần hai ngày để đến được vị trí tàu ngầm gặp nạn. Trong khi đó, lượng oxy dự trữ trên tàu ngầm 402 chỉ đủ dùng đến sáng ngày 24/4, nên chỉ có cơ hội rất mong manh, khi tàu MV Swift Rescue vào vị trí.

Ngay cả khi họ tìm thấy con tàu, lực lượng cứu hộ cần thêm ít nhất 20 giờ chuẩn bị để đưa tàu ngầm cứu hộ xuống vị trí con tàu gặp nạn. Ngoài ra, hoạt động cứu hộ chỉ có thể tiến hành khi tàu gặp nạn chìm ở độ sâu tối đa 600 m.

Cứu hộ bản địa là ưu tiên hàng đầu

Hợp tác quốc tế trong cứu hộ tàu ngầm luôn là vấn đề quan trọng. NATO đã xây dựng một đơn vị cứu hộ tàu ngầm chung, được trang bị các phương tiện kiếm và cứu nạn hiện đại. Nhưng mỗi nước đều cố gắng xây dựng lực lượng cứu hộ tàu ngầm riêng.

Đối với lực lượng hải quân tìm cách xây dựng hạm đội tàu ngầm dưới nước đáng tin cậy và an toàn, họ có nhiều thứ cần phải lo lắng bên cạnh việc mua sắm. Tàu ngầm là phương tiện chiến đấu dưới nước đặc biệt, nên chỉ một số quốc gia trên thế giới đủ khả năng chế tạo nó, phần còn lại phải đi mua.

Chi phí mua sắm tàu ngầm vốn rất đắt đỏ. Bên cạnh đó, chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp là những yếu tố rất quan trọng cho việc vận hành an toàn.

Tuy nhiên trong nhiều thập kỷ qua, sự phổ biến của tàu ngầm, chi phí và các vấn đề chính trị, người ta không chú trọng nhiều đến khả năng ứng phó khẩn cấp.

Lễ hạ thủy tàu cứu hộ tàu ngầm 927 Yết Kiêu của Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong.

Lực lượng hải quân các nước lớn trên thế giới đều xây dựng lực lượng cứu hộ riêng và tránh sự phụ thuộc vào nước ngoài. Indonesia là một trường hợp khá hi hữu, họ có tàu ngầm, nhưng không có lực lượng cứu hộ chuyên dụng.

Ở Đông Nam Á, chỉ có Singapore, Malaysia và Việt Nam có lực lượng cứu hộ tàu ngầm riêng, trong số 5 quốc gia đang vận hành tàu ngầm. Việt Nam đã ký thỏa thuận ứng phó khẩn cấp về tàu ngầm với Singapore năm 2013.

Năm 2019, Việt Nam đưa vào vận hành tàu cứu hộ tàu ngầm Yết Kiêu do công nghiệp đóng tàu trong nước chế tạo. Lực lượng cứu hộ tàu ngầm tại chỗ là rất quan trọng trong trường hợp xảy ra sự cố tàu ngầm.

Thủy thủ tàu ngầm là một công việc đầy vinh quang, nhưng cũng vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, thảm kịch tàu ngầm 402 không ngăn được các nước khác trong việc xây dựng hạm đội tàu ngầm.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-chim-tau-ngam-indonesia-phoi-bay-han-che-cua-cuu-ho-quoc-te-post1208840.html