Đường dây AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố trong vụ án mới

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận, đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Công ty AIC về tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Nhàn bị cáo buộc đưa hối lộ cho Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. HCM để được trúng thầu, gây thiệt hại hơn 83 tỷ đồng.

Ngày 27/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án đưa hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP. HCM (Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn TP. HCM), Sở Kế hoạch- Đầu tư TP. HCM, Công ty AIC; đồng thời chuyển hồ sơ, đề nghị truy tố 14 bị can liên quan.

Theo kết luận điều tra, năm 2014, Trung tâm Công nghệ Sinh học được phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án với giai đoạn 1 trị giá 149 tỷ đồng, giai đoạn 2 trị giá khoảng 200 tỷ đồng và giai đoạn 3 trị giá hơn 75 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) là người thành lập, điều hành Công ty AIC và các Công ty thành viên (Công ty Mopha, Công ty Công nghệ cao, Công ty Uy tín toàn cầu).

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Thông qua các mối quan hệ, bà Nhàn đã thỏa thuận, thống nhất với Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. HCM) cho Công ty AIC thực hiện các gói thầu dự án 12, thông đồng nâng giá để hưởng lợi 40% giá trị gói thầu.

Quá trình thực hiện giai đoạn 1, và giai đoạn 2, để công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định được trúng thầu, bà Nhàn đã thỏa thuận, thống nhất với Dương Hoa Xô về việc tạo điều kiện cho công ty AIC trúng thầu và sẽ chi tiền cảm ơn cho Xô.

Sau khi trúng thầu, Nhàn đã chỉ đạo Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn đưa tiền cho Dương Hoa Xô 6 lần tổng cộng 14,4 tỷ đồng để Xô tạo điều kiện cho AIC trúng thầu.

Trong vụ án, cơ quan điều tra kết luận, hành vi của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã vi phạm Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội đưa hối lộ quy định tại khoản 4, điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.

Do Nhàn bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân và cản trở hoạt động điều tra; nên cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

Trong vụ án này, bị can Phan Quốc Việt (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Việt Á) được xác định là người liên quan vụ án. Bị can Việt trước đó bị tòa quân sự phạt 25 năm tù và Tòa án nhân dân TP. Hà Nội phạt 29 năm tù trong vụ án kit test Covid-19.

Trong vụ án, cơ quan điều tra kiến nghị kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý hành chính đối với các công ty thẩm định giá và thẩm định viên có sai phạm trong vụ án tại các công ty: Công ty TNHH kiểm toán và dịch vụ tin học TPHCM (nay là Công ty TNHH kiểm toán và dịch vụ tin học Moore AISC); Công ty cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam Á.

Kiến nghị UBND TP. HCM và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các công ty: Công ty cổ phần Công nghệ cao, Công ty TNHH Y sinh Nam Anh, Công ty TNHH vật tư khoa học kỹ thuật Đông Dương, Công ty TNHH thiết bị khoa học và công nghệ Kim Ngân, Công ty cổ phần Công nghệ cao Gene Việt, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu kỹ thuật Vimedimex, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Công ty cổ phần tư vấn và Quản lý xây dựng Hồng Hà và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Nguyên Châu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Trần Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/duong-day-aic-ba-nguyen-thi-thanh-nhan-tiep-tuc-bi-truy-to-trong-vu-an-moi-20180504224298125.htm