Voọc mông trắng quý hiếm ra sao mà Hà Nội yêu cầu bảo vệ khẩn cấp?

Voọc quần đùi trắng hay còn gọi là voọc mông trắng (danh pháp khoa học: Trachypithecus delacouri), được đặt tên theo nhà điểu học người Mỹ gốc Pháp Jean Théodore Delacour. Đây là một loài linh trưởng cỡ lớn thuộc họ Khỉ Cựu thế giới (Cercopithecidae), bộ Linh Trưởng (Primates), đặc hữu của Việt Nam.

Voọc mông trắng là loài đặc hữu quý hiếm, có tên trong “Sách Đỏ” của Việt Nam và thế giới; cần được bảo vệ. Đây là một trong năm loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu.

Trọng lượng cơ thể của voọc trưởng thành từ 8,1 - 9 kg; chiều dài đầu và thân 0,46 - 0,665 m. Trên đỉnh đầu có mào lông màu đen, có vệt lông trắng khá rộng hai bên má kéo dài lên phía trên vành tai. Chân có bộ lông màu đen.

Vùng mông có lông màu trắng kéo dài tới tận gốc đuôi và đùi; chân tay dài. Đuôi dài hơn thân, lông đuôi màu đen. Thức ăn chủ yếu là chồi cây, lá và quả cây.

Voọc mông trắng là loài đặc hữu quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới.

Theo kết quả điều tra của Hội Bảo vệ Động vật Frankfurt (Đức), voọc mông trắng chỉ còn ở Việt Nam với hơn 200 cá thể, được phân bố tại 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Thanh Hóa, và mới đây được phát hiện thêm tại khu rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).

Khu vực rừng thuộc huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) có khoảng 13 đàn với 73 cá thể voọc mông trắng. Sau khu Vân Long ở tỉnh Ninh Bình, đây là quần thể lớn thứ hai của loài linh trưởng quý hiếm, đặc hữu của riêng Việt Nam nhưng cũng là loài bị đe dọa ở mức “cực kỳ nguy cấp” trong Danh mục đỏ quốc tế IUCN.

Để bảo vệ loài voọc mông trắng quý hiếm, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền ký văn bản đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội và UBND huyện Mỹ Đức tập trung triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ loài voọc mông trắng ở khu rừng đặc dụng Hương Sơn.

Theo đó, lãnh đạo TP đề nghị Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) tăng cường công tác tuyên truyền để bảo vệ các loài linh trưởng, đặc biệt là loài voọc mông trắng. Xây dựng kế hoạch bảo tồn, bảo vệ các loài linh trưởng nói chung theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 628/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030.

Đối với huyện Mỹ Đức, UBND TP đề nghị chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã có rừng tổ chức quản lý chặt chẽ du khách thăm quan, du lịch, tham gia lễ hội; phối hợp với cơ quan chức năng của TP, Sở NN&PTNT Hà Nội thực hiện công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ các loài linh trưởng nói chung, trong đó có voọc mông trắng.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vooc-mong-trang-quy-hiem-ra-sao-ma-ha-noi-yeu-cau-bao-ve-khan-cap.html