Vốn vay giải quyết việc làm - 'cung' chưa đủ 'cầu'

Nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nói chung, vốn vay giải quyết việc làm nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân lớn nhưng nguồn vốn hạn chế, khiến không ít lao động khó tiếp cận, nhất là các hộ không đủ điều kiện để vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Hiệu quả nguồn vốn rất cao

Trước đây, gia đình anh Lê Văn Sáng, thôn Bắc Trại, xã Vân Xuân (Vĩnh Tường) thuộc diện hộ nghèo, được Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của thôn giúp đỡ vay 30 triệu đồng, anh đầu tư mua 2 con trâu. Nhờ chịu khó chăm sóc tốt cho cặp trâu nên năm đầu tiên anh đã có lãi.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Lạc tư vấn cho người lao động vay vốn GQVL

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Lạc tư vấn cho người lao động vay vốn GQVL

Nhận thấy hiệu quả từ nuôi trâu thương phẩm rất lớn nên từ nguồn vốn vay và lợi nhuận từ chăn nuôi, gia đình anh Sáng tiếp tục đầu tư nâng số lượng đàn trâu nuôi lấy thịt.

Năm 2021, anh được vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm để đầu tư chuồng trại nuôi thêm trâu sinh sản. Đến nay, đàn trâu của gia đình anh Sáng đã tăng lên 15 con.

Cùng với đó, anh thuê đất phát triển trang trại theo mô hình chăn thả trâu, nuôi cá và trồng 600 gốc đào. Không chỉ thoát nghèo bền vững, gia đình anh Sáng còn là hộ khá của địa phương với thu nhập bình quân 200 triệu/năm.

Là một trong những chương trình chính sách tín dụng của NHCSXH, vốn vay giải quyết việc làm (GQVL) đã trở thành “bà đỡ” giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách và lao động nông thôn có cơ hội thoát nghèo với thu nhập ổn định, không ít hộ đã vươn lên làm giàu.

Chương trình vay vốn GQVL có nhiều ưu điểm như hạn mức cho vay cao, không phải thế chấp tài sản, lãi suất ưu đãi, thời gian vay tối đa lên tới 120 tháng, hồ sơ, thủ tục đơn giản, chương trình cho vay triển khai đến từng người lao động, bởi vậy, nhiều lao động rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn.

Người lao động mong mỏi tiếp cận vốn

Tính đến cuối tháng 7/2022, tổng dư nợ cho vay chương trình tín dụng GQVL toàn tỉnh đạt hơn 1.147 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 24.000 lao động. Tuy nhiên, nguồn vốn vay hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người lao động, còn một lượng lớn lao động có nguyện vọng nhưng chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.

Gia đình anh Đào Văn Sơn, thôn 1 Phương Trù, xã Yên Phương (Yên Lạc) mong muốn được vay thêm vốn GQVL để mở rộng sản xuất

Gia đình anh Đào Văn Sơn, thôn 1 Phương Trù, xã Yên Phương (Yên Lạc) mong muốn được vay thêm vốn GQVL để mở rộng sản xuất

Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Tường Vũ Thị Hồng Khuyên cho biết: Vĩnh Tường là huyện thuần nông, có nhiều làng nghề phát triển, bởi vậy, nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất của địa phương khá lớn.

Tính đến ngày 31/7/2022, tổng dư nợ vốn vay GQVL của phòng giao dịch đạt hơn 146 tỷ đồng với hơn 3.000 lao động đang vay vốn. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 46 tỷ đồng, tăng hơn 840 lao động được vay. Tuy nguồn vốn tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay của người lao động địa phương.

Tình trạng thiếu nguồn vốn cho vay GQVL cũng xảy ra tại không ít địa phương. Giám đốc NHCSXH huyện Yên Lạc Đào Đức Luận cho biết: Tính đến nay, doanh số cho vay GQVL của huyện đạt hơn 46 tỷ đồng cho hơn 800 lao động vay, tổng dư nợ đạt hơn 122 tỷ đồng với hơn 2.580 khách hàng (tăng gần 50 tỷ đồng, tăng gần 800 khách hàng so với cùng kỳ năm 2021). Theo khảo sát, nguồn vốn này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của người dân.

Do chưa đáp ứng được nhu cầu vay ngày càng tăng của người dân nên các hộ tiếp cận được nguồn vốn phần nhiều không được vay hạn mức tối đa, mức vay trung bình chỉ đạt gần 48 triệu đồng/lao động (trong khi hạn mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng).

Gia đình anh Đào Văn Sơn, thôn 1 Phương Trù, xã Yên Phương (Yên Lạc) mong muốn mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm của gia đình. Nhưng khó khăn nhất với gia đình hiện nay là nguồn vốn.

Đầu năm 2022, anh Sơn được vay 44 triệu đồng từ chương trình vay vốn GQVL để đầu tư nguyên liệu sản xuất. Nhưng số vốn vay “như muối bỏ bể” bởi vốn đầu tư của mỗi chuyến hàng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Nhận thấy rõ những ưu điểm từ các chương trình tín dụng của NHCSXH nên anh Sơn mong muốn được tiếp cận thêm các chương trình vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Quốc Lập, Tổ trưởng Tổ VV&TK thôn Phương Trù 1, xã Yên Phương cho biết: Thôn Phương Trù 1 hiện có gần 60 hộ có nhu cầu vay vốn GQVL, tuy nhiên, đến nay, Tổ TK&VV thôn chỉ có 7 lao động được tiếp cận nguồn vốn này.

Tuy mức vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ, nhưng do nguồn vốn phân bổ hạn chế nên định mức được vay còn quá ít so với nhu cầu. Có những hộ đã đăng ký vay từ 2-3 năm trước nhưng vẫn chưa được tiếp cận.

Để giải quyết "điểm nghẽn" này, NHCSXH tỉnh cần đề xuất Trung ương cân đối, điều chỉnh mức phân bổ để cập với nhu cầu vay vốn của người dân. Bên cạnh đó, tham mưu chính quyền các cấp quan tâm, dành thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước ủy thác qua NHCSXH nhằm tăng thêm nguồn vốn vay ưu đãi này cho người dân.

Bài, ảnh: Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82101/von-vay-giai-quyet-viec-lam---%E2%80%9Ccung%E2%80%9D-chua-du-%E2%80%9Ccau%E2%80%9D.html