Vốn tín dụng đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế

BHG - Với phương châm không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã thật sự trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, đem nguồn lực tài chính của Nhà nước cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó đóng góp tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cũng như xây dựng Nông thôn mới ở huyện.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vị Xuyên giải ngân vốn vay cho người dân xã Linh Hồ.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vị Xuyên, Nguyễn Khánh Nghị cho biết: Để nguồn vốn đến tận tay người dân, năm 2024 đơn vị đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội huyện ủy thác cho vay 16 chương trình tín dụng ưu đãi với số tiền 610 tỷ đồng. Cùng với đó, hàng tháng ngân hàng cử cán bộ xuống cơ sở trực tiếp thực hiện công tác giao dịch như cho vay, thu lãi, thu nợ, phổ biến các chính sách mới... Nhờ thực hiện công khai, đảm bảo tính dân chủ nên nguồn vốn đã nhanh chóng đến với các đối tượng khó khăn, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bà Bàn Thị Duyên, một hộ khó khăn ở thôn Phai, xã Bạch Ngọc cho biết: “Gia đình tôi được vay 100 triệu để xây chuồng trại mở rộng chăn nuôi, nhờ nguồn vốn của ngân hàng đã giúp cho gia đình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”. Còn với hộ bà Hoàng Thị Út, thôn Đội 5, xã Ngọc Linh vay 100 triệu từ năm 2022 để đầu tư vào chăn nuôi trâu. Đến nay, ngoài tiền gốc trả ngân hàng, gia đình còn mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị như: Xe máy, ti vi, tủ lạnh...

Vốn tín dụng chính sách giúp gia đình bà Hoàng Thị Út, thôn Đội 5, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) đầu tư nuôi trâu hiệu quả.

Ngoài ra, để nguồn vốn quay vòng và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa hoạt động của đơn vị. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn vay, chủ động thông báo nợ đến hạn, tích cực đôn đốc, xử lí những trường hợp nợ quá hạn. Do vậy, hiệu quả đầu tư được phát huy tốt hơn, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Chỉ tính riêng năm 2023, đã có 3.941 lượt hộ dân trên địa bàn được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phục vụ học tập.

Từ những kết quả đạt được của tín dụng chính sách là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo. Khẳng định sự đúng đắn, góp phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao điều kiện sống cho người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: TH. Biên - Ng. Mai (Vị Xuyên)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202404/von-tin-dung-dong-hanh-cung-nong-dan-phat-trien-kinh-te-8cd2c2c/