Võ thuật dân tộc: Rèn luyện thể chất - nuôi dưỡng tâm hồn

Hiện nay, tại thành phố Lào Cai, võ thuật dân tộc được nhiều người yêu thích và luyện tập hằng ngày.

Vovinam (tên đầy đủ là Vovinam Việt võ đạo) là môn võ do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập năm 1936. Đến nay, Vovinam là sự kế thừa, phát triển của võ thuật cổ truyền Việt Nam, đồng thời có thay đổi và cải biên một số điểm cho phù hợp với thực tế.

Ban đầu, nhiều người quan niệm học võ chỉ dành cho con trai, tuy nhiên những năm gần đây, tỷ lệ nữ võ sinh tại thành phố Lào Cai ngày càng tăng. Tham gia Câu lạc bộ Vovinam Trường Cao đẳng Lào Cai từ tháng 10/2022, Bùi Ngọc Diệp (sinh năm 2009), học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Lào Cai) đã gặt hái được nhiều thành tích, đó là Huy chương Đồng Giải vô địch Vovinam tỉnh Hòa Bình mở rộng năm 2022; Huy chương Bạc quyền đơn luyện và Huy chương Đồng quyền đồng đội Giải Vovinam học sinh phổ thông toàn quốc năm 2023.

Phong thái tự tin, nụ cười rạng rỡ là ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Bùi Ngọc Diệp. Võ sinh Ngọc Diệp cho biết: Em đã theo học và biểu diễn múa tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh từ năm lớp 2, khi hết tuổi hoạt động tại đây, em đã tìm đến Vovinam.

Không chỉ rèn luyện trong giờ tập cùng các thành viên Câu lạc bộ Vovinam Trường Cao đẳng Lào Cai, Diệp còn tự nghiên cứu các tài liệu liên quan đến môn võ này.

Chị Nguyễn Thị Phương Thủy, mẹ của Ngọc Diệp cho biết: Khi con lựa chọn võ thuật như một môn ngoại khóa để giải trí sau giờ học, gia đình tôi rất ủng hộ. Sau một thời gian, tôi thấy con tự tin, năng động, đặc biệt là quyết đoán hơn.

Võ sư Nguyễn Đình Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vovinam Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Ngọc Diệp cùng 40 thành viên trong câu lạc bộ được tập luyện từ những đòn thế cơ bản đến nâng cao các bài quyền, các thế khóa gỡ, phản đòn, các thế vật. Các thành viên của câu lạc bộ không giới hạn là học sinh trong trường mà tất cả thanh thiếu niên, thậm chí người trưởng thành đều có thể tham gia. Đối với Vovinam, chỉ cần thời gian ngắn là võ sinh có thể hiểu và “thi triển” được. Võ thuật Vovinam khi luyện tập, biểu diễn và thi đấu cũng rất thu hút người xem bởi chứa đựng nhiều nét văn hóa Việt Nam trong từng thế võ, đường quyền.

Bên cạnh Vovinam, võ cổ truyền là một phần không thể thiếu trong văn hóa dân tộc Việt Nam, thu hút người tham gia bởi mang lại nhiều lợi ích, như giúp khí huyết lưu thông, tay chân nhanh nhẹn, rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, hình thành các kỹ năng tự vệ, chiến đấu; thư giãn thăng bằng tinh thần, phòng, chống bệnh tật, giúp rèn luyện nhân cách, hình thành phẩm chất tốt cho con người và tạo cơ hội cho nhiều mối quan hệ xã hội lành mạnh.

Võ sư Nguyễn Văn Du, Võ đường Lâm Anh (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) cho biết: Trong quá trình luyện tập, các võ sinh đều phải nằm lòng võ đạo, bởi rèn luyện võ thuật cũng chính là rèn luyện nhân cách, giáo dục đạo đức cho người học võ.

Không có “con đường tắt” nào cho người học võ cổ truyền, luyện võ chính là rèn tính tự lập, người học sẽ nắm được cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách rõ ràng, cẩn trọng. Bên cạnh đó, khi rèn luyện võ thuật, võ sinh sẽ có được tinh thần thượng võ, bởi học võ để tu dưỡng bản thân, khắc chế cái tôi, bảo vệ lẽ phải chứ không nhằm mục đích chiến đấu, tấn công người khác.

Thời gian gần đây, sự phát triển mạnh của các võ đường, câu lạc bộ võ thuật trên địa bàn thành phố Lào Cai cho thấy nhu cầu của phụ huynh và thanh, thiếu niên có xu hướng gia tăng. Để phát triển phong trào luyện tập võ thuật, các câu lạc bộ đã tạo điều kiện cho các võ sinh có cơ hội thi đấu cọ xát, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Hằng năm, các võ đường, câu lạc bộ võ thuật phối hợp cơ quan chuyên môn duy trì đều đặn các giải đấu theo hệ thống. Đây là tín hiệu vui để phong trào luyện tập võ thuật của thanh thiếu niên thành phố lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/vo-thuat-dan-toc-ren-luyen-the-chat-nuoi-duong-tam-hon-post379038.html