Võ đường Mai Hãn, khẳng định vị thế trong võ cổ truyền Việt Nam

Hơn 50 năm hình thành và phát triển, Võ đường Mai Hãn (phường An Đôn, thị xã Quảng Trị) không chỉ giữ gìn mà còn duy trì và phát triển tinh hoa võ cổ truyền dân tộc lên tầm cao mới. Võ đường Mai Hãn đã khẳng định vị thế trên toàn quốc và gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật như: thành lập gần 20 phân đường, đào tạo trên 40 HLV giỏi, hơn 10.000 võ sinh, trong đó có nhiều người thi đấu đạt thành tích cao trong các giải thể thao quốc gia, quốc tế, đóng góp tích cực vào phát triển võ cổ truyền dân tộc Việt Nam.

 Võ sinh Võ đường Mai Hãn biểu diễn các tiết mục võ thuật đỉnh cao, đặc sắc và ấn tượng

Võ sinh Võ đường Mai Hãn biểu diễn các tiết mục võ thuật đỉnh cao, đặc sắc và ấn tượng

Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm, Chưởng môn Võ đường Mai Hãn chia sẻ: Võ đường Mai Hãn được thành lập khá sớm ở Quảng Trị so với các môn phái võ thuật khác. Vào khoảng những năm 40, thế kỉ 20, nhiều võ sư người Quảng Trị như: Trần Loan (sinh năm 1891), Nguyễn Diệu (sinh năm 1893), Lê Thiên Hộ (sinh năm 1910), Mai Thiên Lý (sinh năm 1915)… bị thực dân Pháp bắt giam giữ tại nhà tù Lao Bảo đã có ý tưởng thành lập Võ đường Mai Hãn để truyền bá võ thuật cho thanh thiếu niên và người dân Quảng Trị chống lại thực dân Pháp nhưng không thành công. Sau này, cũng có một số võ sư là người Quảng Trị đã mở các lớp dạy võ cho lực lượng dân quân và người dân. Nhưng rồi, thực dân Pháp và tay sai tổ chức quân lính đến đàn áp nên các lớp võ dần bị giải tán. Năm 1968, võ sư Trương Xuân Hiếu, người con huyện Vĩnh Linh, sau nhiều năm thi đấu khắp các võ đài ở Đông Dương đã trở về Quảng Trị. Khi nhận thấy ở quê hương có nhiều điều kiện tốt để phát triển võ thuật, ông đã ấp ủ ước mơ mở võ đường để truyền bá tinh hoa võ thuật cho người dân Quảng Trị. Đến năm 1969, võ sư Trương Xuân Hiếu quyết định thành lập Võ đường Mai Hãn. Lí giải về tên gọi Mai Hãn, Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm cho hay, sở dĩ võ đường lấy tên Mai Hãn là vì Quảng Trị có 2 địa danh lớn: non Mai, sông Hãn. Non Mai là núi Mai Lĩnh, một ngọn núi hùng vĩ ở chiến khu Ba Lòng (Đakrông); sông Hãn là sông Thạch Hãn, con sông gắn liền với lịch sử của mảnh đất và con người Quảng Trị. Võ đường Mai Hãn lấy võ đức làm nền tảng và chính điều này đã tạo nên sức mạnh hình thành cái nôi đào tạo ra nhiều võ sinh xuất sắc cho võ cổ truyền dân tộc.

Võ đường Mai Hãn được thành lập với mục tiêu xây dựng và phát triển một môn phái võ thuật cho Quảng Trị đủ tầm sánh vai cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước; truyền bá tinh hoa võ thuật cổ truyền dân tộc cho người dân rèn luyện sức khỏe, bảo vệ những người yếu thế trong cuộc sống, đứng lên chống lại giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước; đồng thời phát hiện và đào tạo nhân tài võ thuật cho đất nước… Mặc dù được thành lập trong thời buổi chiến tranh nhưng Võ đường Mai Hãn vẫn mở nhiều lớp dạy võ cho hàng trăm võ sinh; giành nhiều thành tích nổi bật trong các trận đấu trên khắp võ đài miền Trung. Tiếng tăm võ đường vang xa khắp trong, ngoài tỉnh Quảng Trị bắt đầu từ đó.

 Võ đường Mai Hãn có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển võ cổ truyền dân tộc Việt Nam

Võ đường Mai Hãn có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển võ cổ truyền dân tộc Việt Nam

Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm cho biết thêm, giai đoạn từ năm 1969-1975, chiến tranh diễn ra ác liệt. Võ đường Mai Hãn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, phải di dời nhiều địa điểm khác nhau để duy trì hoạt động và tổ chức dạy võ cho võ sinh; võ sinh cũng li tán nhiều nơi nên việc học bị gián đoạn… Đến năm 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Võ đường Mai Hãn không còn hoạt động. Lúc này, tâm nguyện lớn nhất của các đệ tử Võ đường Mai Hãn đó là khôi phục lại võ đường. Người khởi xướng việc làm đầy ý nghĩa này là võ sư cao cấp Lê Quang Tâm. Để lấy lại tiếng tăm võ đường ngày xưa, võ sư cao cấp Lê Quang Tâm cùng các võ sư khác đã mở nhiều lớp dạy võ cổ truyền cho nhiều người dân Quảng Trị. Đặc biệt là tổ chức các trận đấu võ đài ở tại Quảng Trị với sự tham gia của nhiều võ sư, võ sĩ nổi tiếng trên khắp cả nước về tranh tài; đồng thời cử võ sư, võ sĩ tham gia các trận đấu lớn ở miền Trung... Những năm đầu thập niên 80, thế kỉ 20, các võ sư nổi tiếng của Võ đường Mai Hãn như võ sư Đỗ Văn Tứ, võ sư Lê Bá Phục, võ sư Lê Quang Tâm… đã tham gia thi đấu rất nhiều trận đấu lớn ở các võ đài miền Trung, giành nhiều chiến thắng thuyết phục trước các võ sư nổi tiếng khắp cả nước. Tiếp đó, đã có nhiều võ sĩ xuất sắc khác như võ sĩ Quang Hiệp, Quang Chiến, Quang Tánh, Quang Thọ…., tiếp nối thế hệ đi trước, đã tung hoành trên khắp các võ đài toàn quốc, với nhiều chiến thắng vang dội trong các cuộc tranh tài đỉnh cao của võ thuật, qua đó làm cho tên tuổi Võ đường Mai Hãn bay xa.

Tính đến thời điểm hiện nay, Võ đường Mai Hãn thành lập được 20 phân đường tại huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, TP. Đông Hà và tại tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu; hơn 25 HLV trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho trên 3.000 môn sinh đang theo học. Nhiều năm qua, Võ đường Mai Hãn và nhiều phân đường, võ sư, võ sinh đạt thành cao trong các giải Võ cổ truyền tỉnh Quảng Trị, toàn quốc và quốc tế. Trong đó, nổi bật là đoạt giải nhất toàn đoàn, nhì toàn đoàn và ba toàn đoàn tại Đại hội TDTT tỉnh Quảng Trị, Giải vô địch Võ cổ truyền tỉnh Quảng Trị từ năm 2004 cho đến nay. Tại Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 7 năm 2019 diễn ra từ ngày 8-11/8/2019 tại tỉnh Bình Định, Võ đường Mai Hãn xuất sắc giành được 1 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ.

Không chỉ phát triển về chuyên môn võ thuật, Võ đường Mai Hãn còn đào tạo ra nhiều võ sư, võ sinh chuyên nghiệp về múa lân sư rồng để biểu diễn trong các lễ hội truyền thống của tỉnh đến cơ sở; đồng thời tổ chức cho các võ sinh đi biểu diễn võ thuật phục vụ người xem; dạy võ miễn phí cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo… Ngoài ra, võ đường còn tổ chức nhiều hoạt động tri ân, nghĩa tình như: tổ chức lễ viếng, dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9, Thành Cổ Quảng Trị…, thăm, tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng; tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội ở các địa phương trong và ngoài tỉnh Quảng Trị.

Võ sư Lê Bá Phục, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị cho biết, hơn 50 năm thành lập và phát triển, Võ đường Mai Hãn đã thực hiện tốt tôn chỉ và mục tiêu đề ra, thể hiện rõ nhất là việc giữ gìn và phát huy tinh hoa võ cổ truyền dân tộc; luôn quan tâm đầu tư vào công tác đào tạo võ thuật cho những người yêu thích, đam mê võ thuật, cũng như đào tạo chuyên sâu và phát triển tài năng đối với những võ sinh có tố chất, năng khiếu võ thuật. Thông qua việc dạy võ cổ truyền còn nhằm hướng các võ sinh đến những giá trị cao quý trong cuộc sống, học tập, rèn luyện tốt để trở thành những con người hữu ích cho quê hương, đất nước. Với những đóng góp tích cực trong việc giữ gìn và phát huy tinh hoa võ cổ truyền dân tộc Việt Nam, cũng như đạt được nhiều thành tích trong các giải võ cổ truyền quốc gia, quốc tế, Võ đường Mai Hãn và nhiều phân đường Võ đường Mai Hãn, nhiều võ sư, võ sinh được Bộ VH,TT&DL, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen, kỉ niệm chương và nhiều danh hiệu cao quý khác…

Những kết quả đạt được trong 50 năm qua là nền tảng và cũng là động lực để Võ đường Mai Hãn tiếp tục phát triển lên tầm cao mới về võ thuật, đưa phong trào võ cổ truyền phát triển sâu rộng, toàn diện ở trong, ngoài tỉnh, đào tạo nên những con người toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức…, và đặc biệt là tiếp tục khẳng định vị thế trong võ cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=142479