VN-Index có tháng tồi tệ nhất trong vòng 1 năm, khối ngoại bán ròng 4.000 tỷ đồng

VN-Index đóng cửa tháng 10/2023 tại 1.028,19 điểm, giảm -125,96 điểm tương đương -10,91% so với cuối tháng 9. Đây là mức giảm điểm mạnh nhất theo tháng của VN-Index trong 13 tháng gần đây tính từ tháng 10/2022.

Ảnh minh họa.

VN-Index đóng cửa tháng 10/2023 tại 1.028,19 điểm, giảm -125,96 điểm tương đương -10,91% so với cuối tháng 9, trong khi giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trên 3 sàn đạt 15.472 tỷ đồng, giảm -36,7% so với mức bình quân tháng trước. Đây là mức giảm điểm mạnh nhất theo tháng của VN-Index trong 13 tháng gần đây tính từ tháng 10/2022.

Chỉ số này đã giảm hơn 17% kể từ khi tiệm cận vùng đỉnh 1 năm (tính theo giá đóng cửa) vào ngày 11/9/2023, nhưng thanh khoản ghi nhận mức giảm mạnh hơn (-40%) khi quy mô giao dịch của hai nhóm nhà đầu tư tích cực nhất trên thị trường cá nhân và khối ngoại cùng kém đi ở cả chiều mua và bán.

Điều này cho thấy mức giảm này vẫn chưa đủ hấp dẫn dòng tiền quay trở lại trong bối cảnh thị trường không có yếu tố hỗ trợ mang tính nền tảng đồng thời xuất hiện một số rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay margin bao gồm cả hoạt động cho vay thông qua bên thứ 3 đã khiến tâm lý của nhà đầu tư càng thận trọng hơn.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2.723,5 tỷ đồng trong tháng 9/2023, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 4.033,2 tỷ đồng. Tính giao dịch khớp lệnh, nước ngoài mua ròng ở ngành Xây dựng và Vật liệu (VCG, PC1), Hóa chất (DGC, DCM), Hàng & Dịch vụ công nghiệp (GEX, GMD). Trong đó, họ mua ròng ngành Xây dựng và Vật liệu tháng thứ 3 liên tiếp, chủ yếu mua VCG.

Ngược lại, họ bán ròng mạnh các ngành chủ chốt, bao gồm Bất động sản (VHM, VIC), Ngân hàng (VPB, HDB, CTG, LPB, TCB), Bán lẻ (MWG), Thực phẩm và Đồ uống (MSN, SAB) và Chứng chỉ quỹ (FUEVFVND, E1VFVN30).

Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua ròng 2.463,4 tỷ đồng trên HOSE, trong đó mua ròng qua khớp lệnh là 2.959,9 tỷ đồng. Tính giao dịch khớp lệnh, NĐT cá nhân mua ròng tập trung vào ngành Bất động sản (VHM, VIC, NVL, VRE), Thực phẩm và Đồ uống (MSN, SAB, VNM), Tiện ích (GAS, POW, BWE), CNTT (FPT), Thép (HPG), Ngân hàng (VPB, LPB, HDB).

Trong khi đó, họ bán ròng mạnh ngành Hóa chất (DGC), Xây dựng và Vật liệu (PC1), Hàng & Dịch vụ công nghiệp (GMD, GEX).

Tổ chức trong nước bán ròng hơn 273,9 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng gần 614,2 tỷ đồng. Nhóm này mua ròng khớp lệnh nhiều nhất là Ngân hàng (STB, MBB, ACB, TCB, HDB, CTG, SHB) và Hóa chất (DGC) và bán ròng khá đều ở một số ngành như Bất động sản (KBC, KDH, VRE, VHM, DXG), CNTT (FPT), Thép (HPG), Thực phẩm và Đồ uống (VNM, MSN, SAB).

Tự doanh bán ròng 13,8 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh tự doanh mua ròng 459,1 tỷ đồng, tập trung mua chứng chỉ quỹ. Họ mua ròng khớp lệnh nhiều nhất FUEVFVND, E1VFVN30, FUESSVFL, VPB, FRT, MWG, POW ngược lại bán ròng khớp lệnh mạnh nhất FPT, STB, MBB, VIB, PNJ.

Trong tháng 10/2023, tỉ trọng phân bổ dòng tiền đạt đỉnh 10 tháng ở ngành Chứng khoán, Hóa chất, Bán lẻ, Dầu khí, Công nghệ Thông tin, Vận tải thủy trong khi giảm về đáy ở ngành Ngân hàng, Thép và Bảo hiểm. Tuy nhiên, tất cả các ngành này cùng giảm điểm mạnh trong tháng 10.

Xét theo khung thời gian 20 ngày, nhóm kéo chỉ số Vn-Index giảm điểm phần lớn là các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 trong khi số lượng cổ phiếu tăng điểm khá ít và đa phần thuộc nhóm vốn hóa nhỏ và vừa.

Tỷ trọng giá trị giao dịch giữa các nhóm vốn hóa trong tháng 10 thay đổi nhẹ so với tháng 9/2023. Cụ thể, nhóm vốn hóa vừa VNMID ghi nhận tỷ trọng tăng từ 44,7% lên 47,9% trong khi tỷ trọng giảm từ 39,5% xuống mức 38,2% ở nhóm vốn hóa lớn và không đổi ở nhóm vốn hóa nhỏ VNSML.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vn-index-co-thang-toi-te-nhat-trong-vong-1-nam-khoi-ngoai-ban-rong-4-000-ty-dong.htm