VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng rút kinh nghiệm một vụ án tranh chấp đất

Bị đơn thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng nhưng tòa không đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách người liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng...

Ngày 23-4-2024, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa ông P. (nguyên đơn) với ông S. (bị đơn).

Theo hồ sơ, năm 1973, cha mẹ ông P. (hiện đều đã mất) lập văn tự thuận di chúc phân chia ruộng, đất cho các con được ủy ban hành chính xã chứng thực. Theo đó, ông P. được 0,5 sào, ông H. 1 sào.

Hình minh họa.

Sau đó, ông H. đã chỉ định vị trí đất 0,5 sào cho ông P. Sau khi được chỉ định đất, ông P. không trực tiếp sử dụng, không đăng ký do ông đi lính. Đến năm 2008, ông S. (con ông H.) trực tiếp sử dụng phần đất này.

Năm 2019, ông S. kê khai và được cấp giấy chứng nhận 1,5 sào, trong đó có cả phần đất của ông P. Do đó ông P. đi kiện, yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã cấp cho ông S.; buộc ông S. phải giao lại cho ông P. phần đất đúng như vị trí theo văn tự thuận di chúc.

Tháng 6-2023, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Q chấp nhận yêu cầu của ông P. (đã chết), những người thừa kế của ông P. được quyền sở hữu cây cối và công trình vật kiến trúc trên đất, phải trả lại giá trị toàn bộ tài sản có trên đất cho vợ chồng ông S. là hơn 96 triệu đồng.

Đồng thời, hủy giấy chứng nhận đã cấp cho ông S. để những người thừa kế của ông P. liên hệ cơ quan có thẩm quyền kê khai, đăng ký cấp lại giấy chứng nhận.

Sau đó, ông S. kháng cáo. Xử phúc thẩm tháng 9-2023, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về cho TAND tỉnh Q để xét xử lại.

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, các đương sự đều công nhận di chúc nên các nội dung trong di chúc có hiệu lực. Do đó, yêu cầu của ông P. buộc ông S. giao đất theo di chúc là có cơ sở chấp nhận.

Theo di chúc, trong tổng thể 1,5 sào đất cấp cho ông S. có 0,5 sào đất giao cho ông P. nên việc cấp giấy chứng nhận cho ông S. là không đúng.

Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận, ông S. đã ký hợp đồng vay với ngân hàng mà tài sản thế chấp là thửa đất trên. Đến nay, ông S. vẫn còn nợ ngân hàng.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hủy giấy chứng nhận nhưng không đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ngân hàng.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/vksnd-cap-cao-tai-da-nang-rut-kinh-nghiem-mot-vu-an-tranh-chap-dat-post787828.html