Virus bại liệt trở lại Mỹ sau gần một thập kỷ

Ngày 21/7, các quan chức y tế cho biết một thanh niên tại New York đã mắc bệnh bại liệt. Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận tại Mỹ kể từ năm 2013.

Theo quan chức y tế Patricia Schnabel Ruppert của hạt Rockland, bệnh nhân mắc bệnh bại liệt là một người trẻ tuổi chưa được tiêm vắc xin. Người này đã xuất hiện các triệu chứng từ một tháng trước và gần đây không đi du lịch nước ngoài.

Có 2 loại vắc xin bại liệt. Loại thứ nhất là vắc xin bất hoạt dạng tiêm (IPV) có chứa các virus bại liệt chết đã được xử lý. Loại thứ 2 là vắc xin dạng uống (OPV) có chứa phiên bản virus sống đã được làm suy yếu. Người uống vắc xin có thể thải virus bại liệt qua phân. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Vắc xin OPV đã không còn được sử dụng tại Mỹ từ năm 2000. Do đó, giới chức y tế Mỹ cho rằng ca bệnh mới được phát hiện có nguồn gốc từ một người nước ngoài đã được chủng ngừa bằng vắc xin ngừa bại liệt dạng uống.

Một em bé được chủng ngừa bằng vắc xin bại liệt dạng uống (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Chủng ngừa virus bại liệt gồm bốn liều: tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, từ 6 - 18 tháng tuổi và từ 4 – 6 tuổi. Jennifer Nuzzo, nhà nghiên cứu về đại dịch từ Đại học Brown, cho biết hầu hết người Mỹ đã được tiêm vắc xin chống lại bệnh bại liệt. Tuy nhiên ca nhiễm mới chính là lời cảnh tỉnh đối với những người chưa được tiêm chủng. Các quan chức y tế đã khuyến khích người dân tiêm vắc xin IPV, đồng thời lên lịch cho các phòng tiêm chủng ở New York vào ngày 22 và ngày 24 tháng 7.

Triệu chứng thông thường của bệnh bại liệt giống với bệnh cúm, bao gồm đau họng, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu và đau bụng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, cứ 200 người thì có đến 1 người phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm ngứa ran và tê ở chân. Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị bại liệt vĩnh viễn hoặc thậm chí là tử vong.

Bệnh bại liệt hiện chưa có chưa có các biện pháp điều trị đặc hiệu. Người mắc bệnh chủ yếu điều trị triệu chứng, gồm vật lý trị liệu, nẹp và phẫu thuật chỉnh hình nhằm giảm bớt hậu quả của bệnh.

Virus bại liệt đã từng phổ biến ở Mỹ và trên khắp thế giới. Một trong những đợt bùng phát nghiêm trọng nhất vào năm 1952 đã khiến 58.000 người Mỹ mắc bệnh, hơn 21.000 người bị liệt vĩnh viễn và hơn 3.100 người qua đời. Nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, số ca bệnh bại liệt tại Mỹ giảm mạnh vào cuối thập niên 1950. Trường hợp mắc bệnh gần nhất trước đó được ghi nhận vào năm 2013.

Đến nay, căn bệnh này đã gần như bị xóa sổ trên toàn thế giới. Virus bại liệt hoang dã hiện chỉ tồn tại ở Afghanistan và Pakistan.

Vào tháng trước, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cảnh báo đã tìm thấy dấu vết của virus bại liệt trong nước thải tại London. Tuy nhiên, đến nay chưa có ca nhiễm nào được ghi nhận.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/virus-bai-liet-tro-lai-my-sau-gan-mot-thap-ky-164769.html