Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Khai bút đầu Xuân – Nét duyên vùng đất Phủ

Sáng 19/02, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tổ chức Chương trình 'Khai bút đầu Xuân – Nét duyên vùng đất Phủ', kết hợp với triển lãm tranh với chủ đề 'Miền Xuân Vĩnh Tường' và Ngày hội đọc sách Xuân Giáp Thìn năm 2024.

Các đại biểu tham dự chương trình Khai bút đầu Xuân.

Ông Lê Chí Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường nêu rõ: Đây là hoạt động có ý nghĩa giáo dục, hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc mà cả người cho chữ và người xin chữ đầu năm đều rất kính chữ, trọng chữ. Thông qua những nét chữ tựa như “phượng múa, rồng bay” đầu tiên của năm để gửi gắm vào đó mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc, hanh thông, phồn thịnh... trong năm mới. Chương trình “Khai bút đầu Xuân – Nét duyên vùng đất Phủ” năm nay được kết hợp hài hòa tổ chức Ngày hội đọc sách Xuân Giáp Thìn và trưng bày 200 bức tranh sơn dầu với chủ đề “Miền Xuân Vĩnh Tường” của họa sỹ Quỳnh Thơm khắc họa chân thực: Sự chuyển vận của đất trời; sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật trên vùng đất Phủ khi Xuân về; của miền quê đáng sống, đang chuyển mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; sự cần lao của những con người đất Phủ chân chất lao động sáng tạo trở nên đẹp rạng ngời dưới những nét họa của người họa sỹ. Có thể nói, cả 3 nội dung trên là sự kết tinh thành một chỉnh thể văn hóa đặc sắc, vừa mang yếu tố truyền thống lại vừa mang yếu tố đương đại mang đến cho nhân dân trong huyện và du khách thập phương những thông điệp và triết lý nhân sinh sâu sắc. Qua đó, góp phần giáo dục, tôn vinh giá trị văn hóa và truyền thống hiếu học và khoa bảng của Vĩnh Tường.

Đất Vĩnh Tường từ xưa không chỉ được xem là nơi “Cảnh trí hữu tình”, “Nhất Tam Đái, Nhì Khoái Châu” mà còn là vùng đất anh hùng - cái nôi nuôi dưỡng, làm giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, được thể hiện sinh động trong cả lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể, mang đậm nét văn hóa xứ Đoài - một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa.

Vĩnh Tường có truyền thống hiếu học và khoa bảng nổi tiếng cả một vùng. Vào thời Hồng Đức, một văn miếu hàng phủ được lựa chọn để xây dựng tại xã Cao Xá (nay là xã Cao Đại) - thủ phủ của phủ Tam Đới thời Lê. Chính bởi vì thế, trong huyện có nhiều xã phát đạt khoa bảng như: Xã Vũ Di, với 5 người đỗ Tiến sỹ; xã Thượng Trưng cũng 5 người đỗ Tiến sỹ…, đưa tổng số người đỗ Tiến sỹ của huyện là 22 vị; 250 người đỗ Hương cống, Cử nhân ở các triều đại phong kiến quân chủ.

Truyền thống hiếu học và khoa bảng như “mạch ngầm văn hóa” mải miết chảy cùng thời gian và không bao giờ vơi cạn trong tâm thức các thế hệ người dân Vĩnh Tường; được các thế hệ cháu con tiếp nối, gìn giữ, phát huy và viết tiếp thêm những trang sử vẻ vang.

Các đại biểu tham gia nghi thức khai bút đầu Xuân.

Thầy giáo Lê Hoàng Hiền - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: Chương trình “Khai bút đầu Xuân – Nét duyên vùng đất Phủ” mới được tổ chức năm thứ 2, nhưng thật sự đã để lại cho mỗi người dân Vĩnh Tường một niềm tự hào về quê hương đất Phủ “trọng chữ”, “kính chữ”, một niềm tin, niềm hy vọng về một mùa xuân mới, với những thắng lợi mới, thành công mới. Với trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục; sau sự kiện này, chúng tôi sẽ trở về với ngôi trường của mình để tuyên truyền đến các thầy cô giáo, các em học sinh chưa có điều kiện về dự chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, có thể cảm nhận, tự hào về miền quê đất Phủ giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng, được tạo dựng từ thời kỳ phong kiến tự chủ cho đến nay, tựa như “mạch ngầm” mải miết chảy cùng thời gian và không bao giờ vơi cạn trong tâm thức của mỗi ngưởi con đất Phủ. Đồng thời, cũng căn cứ vào điều kiện cụ thể, chúng tôi sẽ tổ chức khai bút đầu xuân tích hợp với các hoạt động ngoại khó ở các nhà trường.

Văn Nhất

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-tuong-vinh-phuc-khai-but-dau-xuan-net-duyen-vung-dat-phu-370097.html