Vĩnh Tường linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất

Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, huyện Vĩnh Tường đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích.

Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở xã Yên Bình cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng

Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở xã Yên Bình cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng

Là người tiên phong trong việc đưa cây nho vào trồng thay thế trên đất trồng lúa kém hiệu quả của huyện Vĩnh Tường, chị Trần Thị Hương (xã Yên Bình) chia sẻ: “Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, đầu năm 2020, gia đình tôi đã đầu tư, cải tạo hơn 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả để xây dựng nhà giàn trồng nho hạ đen và nho sữa.

Một năm, nho ra 2 vụ quả với sản lượng khoảng 3 tạ/sào. Với giá bán tại vườn từ 150-350 nghìn/kg tùy loại, doanh thu 1 sào nho có thể đạt 45 đến 100 triệu đồng/vụ, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, huyện Vĩnh Tường đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung quy hoạch, linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, định hướng, vận động, hỗ trợ cho bà con nông dân đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thay thế cho diện tích kém hiệu quả.

Giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 1.362,66 ha; trong đó, 1.296,26 ha diện tích đất trồng lúa được bà con nông dân chuyển sang trồng rau màu, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản; 66,4 ha đất cây hàng năm được chuyển đổi sang cây ăn quả.

Nhìn chung, các mô hình, đối tượng được chuyển đổi đều đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa; khai thác tốt ưu thế về thổ nhưỡng, khí hậu, phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa và cây hàng năm sang cây hàng năm, cây ăn quả, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, luân canh trên nền đất lúa đã góp phần cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh và cỏ dại trên cây lúa.

Nhờ linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày; các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt như TB225, BC15, Thiên ưu 8, ADI 28... được đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Tỷ lệ các giống lúa chất lượng đến năm 2021 đạt trên 70% (tăng 38,5% so với năm 2016). Nhiều tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao cho nông dân như áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch…, từ đó, giúp giảm chi phí đầu tư, phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa với nhiều vùng sản xuất quy mô lớn như vùng sản xuất bí đỏ tập trung hơn 250 ha tại các xã Vũ Di, Thượng Trưng, Yên Bình và thị trấn Vĩnh Tường; vùng rau ăn lá VietGAP tại thị trấn Thổ Tang và các xã Đại Đồng, Tân Tiến, Thượng Trưng, Bình Dương, Vĩnh Sơn; vùng sản xuất cà chua ghép an toàn VietGAP hơn 40 ha tại Đại Đồng, Thổ Tang, Tân Tiến; vùng bưởi hơn 100 ha tại Vĩnh Ninh, Phú Đa, Vĩnh Thịnh...

Tuy nhiên, đến nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số địa phương trên địa bàn huyện còn chậm, đặc biệt, nhiều diện tích trũng, ngập úng không được thực hiện. Diện tích chuyển đổi còn nhỏ lẻ, không theo quy hoạch chung, không có định hướng.

Nguyên nhân là do cơ chế quản lý đất đai trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, chưa có chế tài quản lý những diện tích bỏ hoang không sản xuất, khiến một bộ phận nông dân vẫn còn có tâm lý trông chờ, mặc dù không có nhu cầu sản xuất nhưng không chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân ở cơ sở chưa thường xuyên nên nhiều người dân chưa nắm bắt được kế hoạch, nội dung và thủ tục chuyển đổi. Ngoài ra, việc xử lý các thủ tục hành chính về chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số địa phương còn lúng túng; việc ngăn chặn và xử lý các trường hợp tự ý chuyển đổi chưa kịp thời, triệt để, vẫn còn một số hộ tự ý chuyển đổi, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định...

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng sống của người nông dân, thời gian tới, huyện Vĩnh Tường tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và cây hàng năm kém hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với các quy hoạch chung của huyện, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương và phục hồi lại được mặt bằng khi trở lại trồng lúa, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất.

Trong đó, tập trung, ưu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những xã đã thực hiện dồn thửa đổi ruộng và những xã có khả năng phát triển sản xuất trồng trọt ổn định như Phú Đa, Vũ Di, Ngũ Kiên, Cao Đại, Tuân Chính, Tân Phú, Thượng Trưng, Yên Lập, Vĩnh Ninh, Lũng Hòa, Bình Dương, Vĩnh Sơn và thị trấn Thổ Tang.

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82074/vinh-tuong-linh-hoat-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-nang-cao-hieu-qua-san-xuat.html