Vinh Quang phát triển kinh tế trang trại

Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng đồng vốn hiệu quả, nhiều hộ dân ở xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) đã mở rộng quy mô phát triển trang trại mang lại hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho người lao động.

Năm 2016, ông Đào Hùng Phi, thôn Tiên Hóa 2 đã tìm hiểu và xây dựng mô hình chăn nuôi lợn công nghệ tiên tiến với hệ thống làm mát, quạt thông gió để đảm bảo lợn không bị tác động bởi điều kiện khí hậu bên ngoài và cách ly được các nguồn dịch bệnh. Vinh Quang là xã đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi khiến nhiều trang trại chăn nuôi lợn của xã bị tiêu hủy nhưng trang trại chăn nuôi của gia đình ông vẫn an toàn vượt qua dịch bệnh. Ông Hùng cho biết, hiện nay với 40 con lợn nái và hơn 200 con lợn thịt, từ đầu năm đến nay gia đình đã xuất được 4 tấn lợn thịt, với giá 90.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng. Theo ông Hùng, cũng nhờ chăn nuôi khép kín, bảo đảm vệ sinh chuồng trại thoáng mát nên đàn lợn nái của gia đình ông đẻ nhiều hơn so với lợn thông thường, trung bình mỗi con nái đẻ 11 con/lứa. Mỗi năm gia đình thu lãi gần 300 triệu đồng từ chăn nuôi lợn.

Trang trại nuôi thỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Chuyển, thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa).

Trang trại nuôi thỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Chuyển, thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa).

Gia đình ông Nguyễn Văn Chuyển, thôn Liên Nghĩa có mô hình kinh tế trang trại tiêu biểu của xã Vinh Quang. Ông Chuyển cho biết, trước ông nuôi hơn 1.000 con gà đẻ, vừa làm vừa đầu tư, đến năm 2010 gia đình tăng đàn lên 4.000 gà đẻ và đầu tư lò ấp trứng cung cấp con giống ra thị trường. Tuy nhiên, do sản xuất ồ ạt, đầu ra không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao nên năm 2015 gia đình ông chuyển sang chăn nuôi vịt đẻ, vừa bán trứng vịt lộn vừa bán con giống. Cùng với đó, ông chăn nuôi thêm thỏ NewZealand. Thỏ dễ nuôi lại được phía đối tác nước ngoài thu mua ổn định, năm 2017 gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi 5.000 con thỏ, trong đó có 1.000 con thỏ bố mẹ. Hiện nay, với việc chăn nuôi 4.000 vịt đẻ và 5.000 con thỏ NewZealand, mỗi tháng trang trại của ông Chuyển xuất ra thị trường gần 1 vạn trứng vịt lộn, vịt con giống và hơn 2,5 tấn thỏ thương phẩm. Năm 2017, ông đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ Như Ngọc nuôi thỏ Tuyên Quang để liên kết và bao tiêu thỏ thương phẩm cho các thành viên. Từ mô hình chăn nuôi đã mang lại khoản thu lãi gần 80 triệu đồng mỗi tháng, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/ tháng.

Ông Phạm Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, xã thực hiện chuyển đổi đất trồng cây cho hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây nhãn, mía, cam, bưởi, chanh; phát triển chăn nuôi gà, lợn, thỏ, vịt, cá quy mô lớn… Trên địa bàn xã Vinh Quang đã phát triển được 16 trang trại, trong đó có 14 trang trại được vay vốn ưu đãi tổng số tiền 7 tỷ đồng theo Nghị quyết 10/2014/NQ-HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, từ đó các trang trại có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, hầu hết các trang trại có thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/năm.

Từ đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã giúp đời sống của người dân xã Vinh Quang được nâng cao, hiện hộ nghèo của xã giảm xuống còn 2,6%. Thời gian tới, xã Vinh Quang tiếp tục tạo điều kiện để người dân mở rộng sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp vốn là thế mạnh của địa phương, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 36 triệu đồng.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/vinh-quang-phat-trien-kinh-te-trang-trai-131521.html