Vĩnh Phúc: thông tin về tình hình kinh tế xã hội Quý I/2024

Thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội Quý I và nhiệm vụ trọng tâm Quý 2 năm 2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) Quý I ước tính tăng 4,06% so với cùng kỳ năm 2023.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh Vĩnh Phúc quý I ước tính tăng 4,06% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa Sỹ Hào.

Thu ngân sách đạt 98,5% so với cùng kỳ năm 2023

Cụ thể, chỉ số tăng trưởng phát triển tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,70%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,79%, khu vực dịch vụ tăng 2,81%.

Kết quả thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước tính thực hiện hết Quý I năm 2024 là 8.540 tỷ đồng, đạt 26,9% dự toán, bằng 98,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cụm công nghiệp Đồng Sóc tỉnh Vĩnh Phúc thu hút các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Ảnh minh họa Lương Giang.

Trong đó, thu nội địa 7.440 tỷ đồng đạt 28,2% dự toán, tăng 0,5% so với cùng thời điểm này năm 2023; thu xuất nhập khẩu 1.100 tỷ đồng đạt 20,4% dự toán, bằng 87,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc chi ngân sách địa phương, ước tính thực hiện đến hết Quý I năm 2024 là 4.840 tỷ đồng (đạt 22,6% dự toán), tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm, chi đầu tư phát triển 2.127 tỷ đồng đồng đạt 24,5% so với dự toán, tăng 63,1% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên 2.700 tỷ đồng đạt 23,7% so với dự toán, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác xử lý nợ xấu được giải quyết hiệu quả

Theo ước tính đến 31/3, nguồn vốn huy động là 123.000 tỷ đồng (đạt 87% so với kế hoạch) tăng 8% so với Quý I/2023, trong đó tiền gửi các tổ chức kinh tế là 37.710 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,66% trên tổng nguồn vốn huy động; tiền gửi tiết kiệm là 85.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 69,11% trên tổng nguồn vốn huy động; phát hành giấy tờ có giá 290 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,23%.

Tính đến thời điểm 31/03, tổng dư nợ cho vay là 126.000 tỷ đồng, đạt 88% so với kế hoạch, tăng 7% so với Quý I/2023, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn 91.000 tỷ đồng, chiếm 72,03% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung - dài hạn 35.000 tỷ đồng, chiếm 27,97% tổng dư nợ.

Đặc biệt, công tác xử lý nợ xấu được xử lý hiệu quả thông qua việc tăng cường giám sát sau cho vay, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, chủ động nguồn vốn cho vay tạo nguồn thu trả nợ cho ngân hàng…

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tiếp tục được quan tâm, chú trọng cải thiện. Cụ thể, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch trong đó phân công cụ thể nhiệm vụ cho các Sở, ngành theo dõi cụ thể các chỉ số thành phần thuộc chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh); tăng cường chỉ đạo theo dõi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030, Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030... Trong đó xác định 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp với 40 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, giao trực tiếp cho các cơ quan thực hiện, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục nỗ lực triển khai công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Ảnh minh họa Lương Giang.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động thu hút đầu tư khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm 2024, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay.

Tính đến ngày 15/3 Vĩnh Phúc đã thu hút được 12 dự án đầu tư 100 vốn trong nước DDI (06 dự án mới, 06 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 2.099 tỷ đồng, đạt 38,2% kế hoạch giao đầu năm.

Khu vực FDI (dự án đầu tư từ vố nước ngoài), tỉnh đã cấp giấy phép cho 25 dự án (13 dự án mới, 12 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký là 347,13 triệu USD, đạt 86,8% kế hoạch giao đầu năm.

Hiện tại, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm tham gia vận hành, duy trì hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc trên hệ thống http://duongdaynong .vinhphuc.gov.vn; tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bất động sản...; duy trì thực hiện tốt chương trình "Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần” ...

Ngay trong Quý I/2024, nhiều dự án lớn đi vào hoạt động như Dự án sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ khác của công ty TNHH Polaris Việt Nam với công suất 90 nghìn sản phẩm/năm; Dự án nhà máy sản xuất vòi rửa Toto Việt Nam với công suất 1,8 triệu sản phẩm/năm...

Kết quả tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tính đến 15/3 có 283 doanh nghiệp, giảm 6,91% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên lại có sự gia tăng đáng kể về vốn đăng ký với 3.325 tỷ đồng, tăng 40,73% so với cùng thời điểm này năm trước.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường là 158 doanh nghiệp, tăng 21,5%; số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh là 577 doanh nghiệp, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-thong-tin-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-i-2024.html