Vĩnh Phúc: Nhiều khó khăn tác động khiến thu ngân sách nhà nước giảm đáng kể

Lũy kế đến ngày 4/12/2023, Cục Thuế Vĩnh Phúc thu ngân sách nhà nước đạt 22.340 tỷ đồng, bằng 81,5% dự toán pháp lệnh. Trong thời gian còn lại của năm, Cục Thuế Vĩnh Phúc tiếp tục khắc phục khó khăn, rà soát lại nguồn thu phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu, tạo tiền đề triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024 và các năm tiếp theo.

Số thu từ khu vực giữ vai trò then chốt suy giảm mạnh

Thông tin về tình hình triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn, đại diện Cục Thuế Vĩnh Phúc cho biết, cơ quan thuế các cấp đã tổ chức triển khai tốt chức năng, nhiệm vụ và hỗ trợ kịp thời để các tổ chức, cá nhân kinh doanh có điều kiện phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh; tập trung triển khai công tác tuyên truyền chính sách thuế, các chính sách giảm, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ và xóa tiền chậm nộp; kịp thời giải đáp các vướng mắc cho các doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế (NNT) trong quá trình thực hiện.

Cục Thuế Vĩnh Phúc khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu

Tuy nhiên, tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của các DN trên địa bàn, tạo sức ép đối với số thu các sắc thuế.

Ông Lê Văn Phúc - Cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Phúc, phân tích do kinh tế suy giảm, việc giảm nhu cầu tiêu dùng, đã làm tăng lượng hàng tồn kho, gây nên áp lực cho các DN. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh giảm 1,07% so với cùng kỳ.

Đại diện Cục Thuế Vĩnh Phúc cho biết, ước tổng thu NSNN năm 2023 đạt 25.998 tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán pháp lệnh, bằng 77,3% so với cùng kỳ thực hiện. Trong đó, tổng thu trừ tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức năm 2023 ước đạt 24.362 tỷ đồng, bằng 95,3% dự toán pháp lệnh, bằng 79,5% so với cùng kỳ. Thu từ sản xuất kinh doanh ước đạt 21.459 tỷ đồng, bằng 94% dự toán pháp lệnh, bằng 78,1% so với cùng kỳ; thu từ các khoản thu từ đất ước đạt 1.786 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán pháp lệnh, bằng 52% so với cùng kỳ; thu từ các khoản thuế, phí khác ước đạt 2.753 tỷ đồng, bằng 108,3% dự toán pháp lệnh, bằng 101,3% so với cùng kỳ.

Ông Lê Văn Phúc chia sẻ, mặc dù Chính phủ đã ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm, nhưng mức độ hồi phục của sản lượng sản xuất, tiêu thụ ô tô chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ ô tô của 2 công ty Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam bị sụt giảm, ước đạt 80.149 xe, bằng 83,3% dự toán và chỉ bằng 63% so với cùng kỳ (tương ứng giảm gần 47.600 xe)...

Cùng với sự sụt giảm nguồn thu từ ngành công nghiệp, các khoản thu từ đất cũng sụt giảm mạnh. Đại diện Cục Thuế Vĩnh Phúc cho biết, bước sang năm 2023, thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng, không phát sinh số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ các dự án mới, đồng thời các khoản thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) phát sinh từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Hụt thu trên 1,1 nghìn tỷ do miễn, giảm thuế

Lãnh đạo Cục Thuế Vĩnh Phúc thông tin, mặc dù trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội đề ra, song công tác thu NSNN vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách do chịu ảnh hưởng từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các nhân tố chính tác động đến công tác thu NSNN trên địa bàn là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế một số ngành công nghiệp có đóng góp đáng kể cho số thu NSNN trên địa bàn tỉnh cũng suy giảm so với cùng kỳ như: dệt may, giày da, chế biến gỗ, sản xuất cao su và plastic, sản xuất gạch ốp lát, thức ăn gia súc... Thị trường xuất khẩu suy giảm do nhu cầu của nhiều quốc gia, khu vực giảm mạnh như Mỹ, EU,... đã và đang tác động trực tiếp, rõ nét hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sản lượng tiêu thụ ô tô của Công ty ô tô Honda Việt Nam sụt giảm mạnh ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mới ban hành trong năm 2023 đã tác động làm ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2023.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đó, làm giảm thu NSNN trong năm 2023 khoảng hơn 300 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 và Quyết định 25/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giảm tiền thuê đất của năm 2023 đối với các đối tượng thuê đất trả tiền hàng năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, làm giảm thu tiền thuê đất trong năm 2023 khoảng 65 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất năm 2023 (có hiệu lực từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2023), theo đó, sẽ ảnh hưởng giảm thu thuế TNDN năm 2023 đối với các trường hợp có năm tài chính khác năm dương lịch được gia hạn nộp trong năm 2024 số tiền khoảng 720 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị định 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, theo đó làm giảm thuế GTGT khoảng 60 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách gia hạn thuế GTGT, TNDN, tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), tiền thuê đất đã hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện gia hạn 5.353 tỷ đồng, đã giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính đưa vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế và tăng thu NSNN.

Lãnh đạo Cục Thuế Vĩnh Phúc cho biết, trong tháng cuối năm này, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý hủy khoanh nợ, xóa nợ, quyết định điều chỉnh số tiền thuế nợ đã khoanh theo quy định để đảm bảo chính xác, nhất quán, phù hợp thực tế; xử lý khoanh nợ kịp thời đối với trường hợp có đầy đủ hồ sơ theo quy định để giảm nợ thuế…; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, rà soát lại nguồn thu phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023, tạo tiền đề triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024 và các năm tiếp theo góp phần cùng ngành Thuế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2023 đã được Bộ Tài chính giao.

Đề cập đến nhiệm vụ giải pháp trong thời gian còn lại của năm, lãnh đạo Cục Thuế Vĩnh Phúc cho biết, cục thuế chủ động theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế; xác định các nguồn thu còn tiềm năng, đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.

Cùng đó, cục thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ NNT; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NNT; tổ chức đối thoại thường xuyên với NNT; triển khai hiệu quả, đúng quy định việc miễn, giảm - gia hạn nhằm hỗ trợ NNT phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, cục thuế tăng cường công tác triển khai tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của NNT trong việc xử lý nợ đọng thuế, nhất là các khoản nợ liên quan đến đất đai (tiền thuê đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…). Song song với đó, cục thuế tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định các hồ sơ miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ, xóa nợ, nộp dần tiền thuế, không tính tiền chậm nộp để hỗ trợ NNT trong sản xuất kinh doanh./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vinh-phuc-nhieu-kho-khan-tac-dong-khien-thu-ngan-sach-nha-nuoc-giam-dang-ke-141395.html