Vĩnh Phúc: Khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế

Năm 2023, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều điểm sáng. Môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm, chú trọng cải thiện. Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, Chỉ số PARINDEX của tỉnh Vĩnh Phúc đều ở top đầu của cả nước.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 -2030, Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030... làm cơ sở để cụ thể hóa triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh được tích cực triển khai thông qua việc phối hợp với các báo, tạp chí, kênh truyền hình của Trung ương và của tỉnh; xuất bản Bản tin đầu tư Vĩnh Phúc, đồng thời qua các kênh khác nhau để gửi thông tin tài liệu xúc tiến đầu tư tới hơn 1.000 lượt các nhà đầu tư và đại sứ quán Việt Nam tại các nước...

Tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, với nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ; tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; Hội nghị giao lưu kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản; tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Phúc tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, số vốn FDI tăng cao so với năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra và số vốn DDI tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm, cụ thể: ước năm 2023 tỉnh đã thu hút đầu tư đạt hơn 560 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch. Đồng thời, tỉnh đã thu hút đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch năm 2023.

Đặc biệt, trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm tham gia vận hành, duy trì Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc trên hệ thống đường dây nóng; tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn cung ứng điện, về thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư nhà máy nước, dự án nhà ở xã hội, cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bất động sản...; duy trì thực hiện tốt chương trình "Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần” và Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp...

Kết quả phát triển doanh nghiệp trong năm đạt khá. Ước tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.450 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7% về số doanh nghiệp so với năm trước. Số lượng doanh nghiệp tham gia, quay trở lại thị trường đến nay là 328 doanh nghiệp (năm 2022 là 397 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh là 679 doanh nghiệp, tăng 30% so với năm trước và số doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể là 121 doanh nghiệp tăng 50 doanh nghiệp so với năm trước.

Đáng lưu ý, với sản phẩm linh kiện điện tử, trên địa bàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động, có thị trường tiêu thụ sản phẩm đa dạng (máy tính xách tay, điện thoại thông minh, bộ phát wifi cao cấp…) duy trì hoạt động sản xuất ổn định và có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Công ty TNHH Compal tăng trên 9%; công ty TNHH Young Poong electronic Vina tăng trên 14%; công ty TNHH Vina Union tăng trên 26%; Công ty TNHH Solum Vina tăng trên 10%; Công ty CDL Prescision tăng trên 50%; Công ty Optrontec Vina tăng 45%; Công ty TNHH Jahwwa tăng 26%...

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp là nhà cung cấp cho tập đoàn điện tử SamSung đã giảm sản lượng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như: Công ty TNHH BHFlex Vina giảm 24%; Công ty TNHH DKT Vina giảm 17%; công ty TNHH PowerLogic giảm trên 5%; Công ty Partron Vina giảm 2%; Công ty TNHH Arcadyan giảm trên 4%;...

Với định hướng phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, năm 2023, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất; chỉ đạo đồng bộ tất cả các hoạt động dịch vụ; tập trung cao độ cho việc phục vụ sản xuất và triển khai tốt các chính sách cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Sôi động giao dịch tại các ngân hàng dịp cuối năm.

Kết quả tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 5,3% so với năm 2022, trong đó nông nghiệp tăng 5,43%, lâm nghiệp tăng 3,39% và thủy sản tăng 3,97% so với năm 2022. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, gắn với mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm để truy xuất nguồn gốc; cơ giới hóa được tăng cường áp dụng trong sản xuất (khâu làm đất bằng máy chiếm trên 95%, thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 75% diện tích). Sản phẩm trồng trọt đã đảm bảo về nhu cầu lương thực, thực phẩm trong tỉnh.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 84,38 nghìn ha, đạt 100,45% kế hoạch và giảm 1,5% so với năm 2022 (tương đương giảm 1,28 nghìn ha) do chuyển diện tích đất sang phục vụ xây dựng các dự án đô thị, đất giãn dân, làm đường giao thông... Năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng so với cùng kỳ như lúa tăng 11,77%, ngô tăng 3,71%, rau các loại tăng 15,77%. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 354,3 nghìn tấn, tăng 8,79%.

Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các tháng liên tục tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành... Ước cả năm đạt 80,893 nghìn tỷ đồng, tăng 17,78% so với năm 2022. Đáng mừng là dịch vụ du lịch của tỉnh đã có những dấu hiệu khởi sắc.

Các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch đã chủ động, chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ du khách… Kết quả, số lượng khách tham quan du lịch đến tỉnh tăng rất cao, ước đạt gần 9,3 triệu lượt khách, tăng 13% so với năm 2022, trong đó có 81 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch ước đạt 3,61 nghìn tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch và tăng 10% so với năm 2022.

Các hoạt động dịch vụ vận tải được tăng cường, khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách và hàng hóa đều tăng rất cao so với năm 2022: vận chuyển hàng hóa tăng 34,72%, luân chuyển hàng hóa tăng 45,66%, vận chuyển hành khách tăng 19,65%, luân chuyển hành khách tăng 27,42%. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 6,181 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2022.

Trên cơ sở bối cảnh, tình hình như vậy, với đặc thù kinh tế của tỉnh có độ mở lớn, khu vực FDI chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GRDP thì những tác động từ kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc. UBND tỉnh đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024, trong đó dự báo mức tăng trưởng GRDP năm 2024 của tỉnh khoảng từ 7,5-8,5%. Nếu có các yếu tố tác động tích cực, dự kiến tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2024 sẽ tăng khoảng 8,5 - 9,5%.

Mục tiêu 2024 tổng quát của tỉnh Vĩnh Phúc là: tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XVII của tỉnh. Tập trung cao độ, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn để khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Hải Trà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vinh-phuc-khoi-thong-cac-nguon-luc-cho-phat-trien-kinh-te-142617.html