Vĩnh Long: Bồi dưỡng chuyên sâu về quy hoạch và phát triển đô thị thông minh bền vững

Ngày 14/9, tại Vĩnh Long, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Học viện AMC) đã phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long tổ chức triển khai bồi dưỡng chuyên sâu về quy hoạch và phát triển đô thị thông minh bền vững thuộc Dự án Thành lập Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh, công nghệ xây dựng.

Lớp bồi dưỡng chuyên sâu về đô thị thông minh diễn ra tại Vĩnh Long.

Chương trình bồi dưỡng với thành phần tham gia là cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các Sở ngành, thành phố, huyện trực thuộc tỉnh Vĩnh Long sẽ giúp cán bộ, công chức của tỉnh có những hiểu biết sâu rộng hơn về quản lý đô thị thông minh, góp phần thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (Đề án 950).

Nội dung chương trình với các vấn đề thiết thực bao gồm lý thuyết, thảo luận trao đổi các tình huống vướng mắc tại địa phương. Đây là khóa bồi dưỡng rất quan trọng, kết thúc khóa học, các học viên sẽ nắm vững những kiến thức, kỹ năng quản lý để áp dụng hiệu quả vào công việc thực tế.

Chương trình được Học viện AMC triển khai với các nội dung chính sau: Tổng quan, cách tiếp cận đô thị thông minh; Mô hình đô thị nén, đô thị xanh, sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; các giải pháp phát triển hạ tầng đô thị bền vững; Không gian công cộng, không gian mở thông minh; Giới thiệu mô hình đơn vị ở tiếp cận dịch vụ và giao thông trong 15 phút; Quy hoạch có sự tham gia; phát triển không gian công cộng và kinh tế địa phương; Ứng dụng nền tảng GIS, Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Hệ thống hỗ trợ ra quyết định (DSS) hỗ trợ phân tích lập quy hoạch.

Với chương trình trên, khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về quy hoạch và phát triển đô thị thông minh bền vững sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế, pháp luật về phát triển đô thị thông minh đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp quản lý tại các địa phương nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Định hướng phát triển đô thị thông minh và coi đây là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Đồng thời, xây dựng phát triển đô thị thông minh cũng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, các địa phương đang chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền địa phương nơi đó… Có thể nói rằng, xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số một cách mạnh mẽ như hiện nay là một trong những giải pháp giúp sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thực hiện Đề án 950, Bộ Xây dựng đã làm việc, huy động sự hỗ trợ của các các cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đề án một cách hiệu quả. Theo đó, Bộ Xây dựng đã ký thỏa thuận với Bộ Giao thông, Đất đai và Hạ tầng Hàn Quốc (MOLIT), tiếp nhận Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ (dự án VKC).

Và Học viện AMC đã được Bộ Xây dựng giao làm Chủ dự án VKC. Dự án bao gồm 04 hợp phần, trong đó có hợp phần tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và triển lãm công nghệ về đô thị thông minh.

Minh Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-long-boi-duong-chuyen-sau-ve-quy-hoach-va-phat-trien-do-thi-thong-minh-ben-vung-360921.html