VinaCapital: Ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp có yếu tố bền vững

Tập đoàn VinaCapital vừa công bố báo cáo đầu tiên về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đầu tiên nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập.

Báo cáo nêu lên chi tiết của các sáng kiến và thực tiễn liên quan đến ESG tại VinaCapital bao gồm: xây dựng văn hóa ESG trở thành giá trị cốt lõi của tập đoàn; chính sách và thực hành đầu tư có trách nhiệm; cách thức hỗ trợ nâng cao nhận thức; xây dựng năng lực thực hành ESG cho doanh nghiệp và đối tác trên thị trường.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho biết, VinaCapital nhận thấy tầm quan trọng của ESG và thiết lập sứ mệnh kết hợp ESG vào các hoạt động đầu tư, văn hóa của tổ chức. Bằng việc tích hợp ESG vào quy trình đầu tư và tăng cường tương tác với các doanh nghiệp, khuyến khích việc thực thi ESG, VinaCapital đã đạt được những kết quả khả quan minh chứng cho những bước đi đúng đắn và các tiêu chuẩn cao mà tập đoàn đặt ra.

“Là một nhà đầu tư có trách nhiệm, VinaCapital tự hào đóng vai trò tiên phong giúp các công ty Việt Nam hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của ESG cũng như áp dụng vào việc quản lý, điều hành để các doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững”, ông Don Lam chia sẻ.

Tại VinaCapital, chính sách đầu tư có trách nhiệm cho các doanh nghiệp niêm yết đã được xây dựng từ nhiều năm trước; trong đó định nghĩa cách xem xét tích hợp các yếu tố ESG vào quy trình ra quyết định. VinaCapital còn hợp tác với các công ty trong danh mục đầu tư và giúp họ nâng cao năng lực thực hành ESG bằng cách gửi thư đề xuất thiết lập các chiến lược ESG rõ ràng và khuyến khích triển khai các sáng kiến về ESG. Cho đến nay, VinaCapital đã hoàn tất việc đánh giá ESG cho 112 doanh nghiệp ở 10 lĩnh vực khác nhau trong danh mục đầu tư của công ty.

Song song đó, VinaCapital hợp tác với các công ty năng lượng hàng đầu thế giới như GS Energy, EDF Renewables... đầu tư vào các dự án năng lượng sạch và tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió trong bờ và ngoài khơi, điện khí hóa lỏng, sinh khối và hydro... để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam không có khí thải carbon vào năm 2050.

Về lĩnh vực đầu tư bất động sản, VinaCapital ứng dụng các kỹ thuật thiết kế bền vững và theo các chứng chỉ công trình xanh của World Bank/IFC’s EDGE để tiết kiệm năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu xây dựng.

Theo VinaCapital, trong các quyết định đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, tập đoàn luôn ưu tiên vào các doanh nghiệp tạo ra các giải pháp đem lại sự phát triển đột phá thông qua việc giải quyết các vấn đề về môi trường và tính bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực kinh tế trụ cột của Việt Nam. Ngoài ra, VinaCapital hiện là thành viên sáng lập Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các sáng kiến về môi trường và phát triển kinh tế bền vững.

Đối với các hoạt động nội bộ, VinaCapital đã thiết lập ESG dần trở thành văn hóa trong cách làm việc và ứng xử hàng ngày của đội ngũ nhân viên. VinaCapital luôn ưu tiên con người là tài sản quan trọng nhất để tạo ra một môi trường là nơi nhân viên có thể học hỏi và trao đổi kinh nghiệm để cải thiện bản thân, nơi họ được tôn trọng và được trao quyền. Ngoài ra, nhân viên cũng được khuyến khích tham gia các hoạt động thiện nguyện, chung tay mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng như cách mà tổ chức VinaCapital Foundation đã và đang thực hiện trong hơn 17 năm qua.

Hơn 17 năm qua, các chương trình phát triển bền vững của VinaCapital Foundation đã cứu sống hơn 10.000 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho hàng triệu người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp, giúp cải thiện sinh kế cho hàng ngàn người trên khắp các tỉnh thành của cả nước.

Trên thực tế, không chỉ riêng VinaCapital, một số định chế tài chính, quỹ đầu tư cũng lựa chọn chiến lược đầu tư gắn với ESG như Dragon Capital, AFC Vietnam Fund, SSI... Đầu tư ESG tuy chưa quá phổ biến nhưng cũng không phải mới ở Việt Nam.

Vào tháng 7/2017, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam ra mắt bộ chỉ số Phát triển bền vững Việt Nam (VNSI) với danh mục 20 cổ phiếu niêm yết trên HOSE. VNSI được sử dụng để đánh giá đối với các công ty niêm yết dựa trên hơn 100 tiêu chí theo những nguyên tắc của OECD về quản trị doanh nghiệp và Tiêu chuẩn Toàn cầu về Báo cáo Phát triển bền vững (GRI). Chỉ số này đã tạo ra sân chơi mới, thu hút quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế hoạt động theo nguyên tắc đầu tư ESG.

Đặc biệt, sau cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào cuối năm 2021, dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam có xu hướng tìm tới các dự án, doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững.

Trong cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2022, Ban tổ chức cũng đã bổ sung tiêu chí chấm liên quan đến giảm thiểu khí nhà kính. Đây là cơ sở để xét chọn giải thưởng dành cho doanh nghiệp quản lý tốt phát thải khí nhà kính, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết nâng cao nhận thức và quan tâm hơn đến các vấn đề về môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, chung tay vì mục tiêu chung của Việt Nam trong cam kết giảm phát thải khí nhà kính ròng về mức bằng 0 vào năm 2050./.

Hứa Chung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vinacapital-uu-tien-dau-tu-vao-cac-doanh-nghiep-co-yeu-to-ben-vung/306134.html