VinaCapital giảm sở hữu tại Kido khi cổ phiếu mất khoảng 3,5% giá trị

Hai quỹ thuộc VinaCapital vừa thông báo đã bán ra gần 2,68 triệu cổ phiếu KDC của CTCP Tập đoàn Kido. Với động thái thoái vốn này, tổng tỷ lệ sở hữu của VinaCapital tại Kido đã giảm từ 8,6% xuống còn 7,41%, tương đương lượng sở hữu là hơn 19 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, Liva Holdings Limited - một quỹ thuộc CTCP Quản lý quỹ VinaCapital đã bán ra hơn 2,76 triệu cổ phiếu và được thực hiện trong ngày 7/7. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Liva Holdings Limited tại Kido đã giảm từ 5,01% xuống còn 3,94%, tương đương mức sở hữu chỉ hơn 10 triệu cổ phiếu.

Tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu KDC ngày 7/7, ước tính quỹ này đã thu về số tiền hơn 173 tỷ đồng từ giao dịch này. Theo đó, Liva Holdings Limited không còn là cổ đông lớn của Kido.

Chốt phiên ngày 13/7, cổ phiếu KDC được giao dịch tại mức 62.700 đồng/cp, giảm khoảng 3,5% giá trị sau gần một tháng. (Ảnh: Int)

Chốt phiên ngày 13/7, cổ phiếu KDC được giao dịch tại mức 62.700 đồng/cp, giảm khoảng 3,5% giá trị sau gần một tháng. (Ảnh: Int)

Cũng trong phiên giao dịch ngày 7/7, một quỹ khác thuộc VinaCapital là Allright Assets Limited đã bán ra 303.534 cổ phiếu KDC, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,55% xuống còn 0,43%, tương ứng lượng nắm giữ hơn 1,1 triệu cổ phiếu. Ước tính giá trị giao dịch đạt hơn 19 tỷ đồng.

Việc thoái vốn của hai quỹ thuộc VinaCapital diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu KDC liên tục được điều chỉnh kể từ giữa tháng 6 đến nay. Chốt phiên ngày 13/7, cổ phiếu KDC được giao dịch tại mức 62.700 đồng/cp, giảm khoảng 3,5% giá trị sau gần một tháng.

Về tình hình kinh doanh, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Tập đoàn Kido đã thông qua mục tiêu lợi nhuận năm 2023 với mục tiêu doanh thu thuần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 20% và hơn 76% so với mức thực hiện năm 2022.

Nếu kế hoạch trên đạt được thì lợi nhuận của Kido trong năm nay sẽ chạm mức cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông, ban lãnh đạo Kido cho biết sẽ mua chi phối 70% thương hiệu bánh bao Thọ Phát vào quý III/2023.

Điều đáng nói, năm 2022, Kido vừa trải qua một năm kinh doanh đi lùi rất sâu so với thành quả đạt được trong năm 2021, khiến thị trường đặt ra câu hỏi: Kido lấy đâu ra tiền để thâu tóm thương hiệu bánh bao Thọ Phát khi mà lợi nhuận trước và sau thuế của công ty đều giảm rất sâu. Biến động về dòng tiền cũng cho thấy rủi ro tài chính tăng thêm khi dòng tiền âm tới hàng trăm tỷ đồng.

Sang đến quý I/2023, Kido báo lãi trước thuế vỏn vẹn gần 5,68 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 152 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái; lỗ sau thuế hơn 150,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi 121 tỷ đồng, đây cũng là khoản lỗ đậm nhất kể từ khi niêm yết của ông "vua bánh kẹo" một thời này.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/vinacapital-giam-so-huu-tai-kido-khi-co-phieu-mat-khoang-3-5-gia-tri-1093878.html