Viettel, VNPT chi hơn 10 nghìn tỷ đồng mua băng tần 5G, nếu vi phạm sẽ xử lý thế nào?

Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với các khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz), thu về cho ngân sách nhà nước hơn 10 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông, 2 'ông lớn' này vẫn có thể bị thu hồi.

Theo ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581 tỷ đồng.

Viettel, VNPT trúng đấu giá băng tần 5G.

Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định, nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.

Tính đến ngày 8/4, Viettel đã hoàn thành nghĩa vụ nộp các khoản tài chính theo quy định. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hiện đang làm các thủ tục thanh toán, dự kiến hôm nay (9/4) sẽ hoàn tất các nghĩa vụ này.

Về câu hỏi, Bộ TT&TT có biện pháp nào để quản lý hiệu quả tiến độ triển khai 5G đối với Viettel và VNPT - các doanh nghiệp đã sở hữu băng tần 5G, đại diện Bộ TT&TT cho rằng, Luật và Nghị định 63/2023/NĐ-CP đã có các chế tài để xử lý trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông.

Theo đó, khi vi phạm về số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện phải triển khai, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ 50% độ rộng băng tần được cấp (tương đương với 50 MHz) trong 12 tháng. Nếu hết thời hạn đình chỉ mà doanh nghiệp không khắc phục thì bị thu hồi giấy phép.

Bộ TT&TT cho biết sẽ sớm tổ chức đấu giá lại Khối C3 trong thời gian tới theo quy định của Nghị định 63/2023/NĐ-CP (phụ thuộc vào thời điểm doanh nghiệp trúng C2 nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện). Giá khởi điểm khi đấu lại C3 là giá trúng đấu giá của khối C2.

Theo quy định về quản lý giá tại Luật Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông chủ động định giá dịch vụ áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông, đồng thời giá dịch vụ được xây dựng dựa trên cơ sở giá thành. Giá thành dịch vụ được tính toán, hình thành từ nhiều yếu tố như quy mô cung cấp, chi phí, mức độ đầu tư, …).

Theo Bộ TT&TT, cuộc đấu giá 5G vừa qua là thành công, từ góc nhìn trong nước và từ góc nhìn quốc tế. Giải quyết được điểm nghẽn là doanh nghiệp cần tần số mà lâu nay chưa cấp được. Số lượng tần số cấp cho di động tăng 59% so với lượng tần số các doanh nghiệp hiện được cấp và sử dụng để cung cấp dịch vụ (Tổng số băng tần đã cấp cho IMT trong thời gian qua là 340 MHz.

Trong đợt đấu giá đã bổ sung 200 MHz, tương đương bổ sung 59% lượng tần mới so với lượng băng tần đã cấp). Với tần số được cấp mới qua đấu giá lần này, chất lượng dịch vụ di động sẽ tăng.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//vien-thong/viettel-vnpt-chi-hon-10-nghin-ty-dong-mua-bang-tan-5g-neu-vi-pham-se-xu-ly-the-nao-1099196.html