VIẾT TIẾP KỲ TÍCH Y HỌC VIỆT (*): Điều kỳ diệu từ ý tưởng bình dị

Với 35 năm kinh nghiệm, qua gần 7 năm thực hiện kỹ thuật mới, PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng cùng cộng sự đã thực hiện hàng ngàn ca tạo hình thẩm mỹ mũi đạt hiệu quả tốt

Tại lễ trao Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" năm 2023 trong lĩnh vực y - dược tổ chức mới đây, công trình nghiên cứu khoa học của PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng và ThS-BS Lê Hoàng Vĩnh - Khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) - được xướng tên với giải nhì (không có giải nhất). Giải thưởng danh giá này không phải đơn vị hay cá nhân nào dễ dàng đạt được.

PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng (giữa) và ThS-BS Lê Hoàng Vĩnh (phải) - Khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy - được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” năm 2023 tổ chức ở Hà Nội. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Sáng tạo độc đáo

Công trình làm nên tên tuổi của bác sĩ Đỗ Quang Hùng cùng đồng sự là "Kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân". Ít ai biết sáng tạo độc đáo này xuất phát từ một ý tưởng bình dị, được ông quan sát trong đời sống thường ngày.

"Cây còn tươi thì vẫn giữ được dáng vẻ nhưng khi đã đổ xuống, một thời gian sẽ bị biến dạng cong đi. Trong chế biến gỗ, người ta xay nhuyễn gỗ thành bột giấy để làm bàn, ghế… Lúc đó, tôi nghĩ sao mình không làm mềm sụn sườn để thay đổi cấu trúc của nó, sau đó đưa vào cơ thể, nẹp bên ngoài và trong để giữ dáng mũi đẹp?" - PGS Đỗ Quang Hùng nhớ lại.

Khởi phát từ ý tưởng ấy, ngay từ tháng 6-2017, bác sĩ Hùng cùng đồng sự bắt tay vào nghiên cứu thực hiện. Không lâu sau, lần đầu tiên tại Việt Nam, Khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân hoàn toàn. Trong đó, sống mũi được tạo hình bằng sụn sườn dập mềm cắt mịn.

PGS Đỗ Quang Hùng cho biết hiện nay, nhu cầu làm đẹp ngày càng cao, đòi hỏi nhiều kỹ thuật cải tiến vừa chất lượng vừa đẹp mà an toàn, trong đó phẫu thuật tạo hình mũi được nhiều người lựa chọn. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật cũng như các vật liệu để có kết quả an toàn, hiệu quả nhất là một trong những thách thức và khó khăn cho các phẫu thuật viên.

Vật liệu nhân tạo có ưu điểm là không bị hấp thu, số lượng nhiều nhưng nhược điểm lớn nhất là nhiễm trùng muộn và bị đào thải theo thời gian. Ngược lại, với vật liệu tự thân thì cơ thể thích nghi, tránh được nhiễm trùng. Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam thường có da dày và nhờn nên hay bị mụn. Nếu tạo hình mũi bằng vật liệu nhân tạo, việc nặn mụn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Trong các loại vật liệu tự thân, sụn vành tai, vách ngăn thường được sử dụng làm đầu mũi nhưng phải kết hợp với sụn nhân tạo làm sống mũi. Cân mạc, trung bì dùng làm sống mũi thì tỉ lệ teo nhỏ hấp thu theo thời gian lên tới 40%.

Sụn sườn là vật liệu tự thân với số lượng nhiều có thể được sử dụng làm đầu mũi, sống mũi. Nó được nhiều phẫu thuật viên nổi tiếng trên thế giới lựa chọn, đặc biệt với mũi biến chứng co rút biến dạng phải mổ lại hay mũi bị chấn thương, dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, sụn sườn nguyên khối hoặc chẻ lát có nhược điểm là dễ cong vênh khi tạo hình sống mũi.

Việc dập mềm và cắt mịn sụn sườn một cách sáng tạo đã giúp quá trình sử dụng trở nên linh hoạt, dễ dàng hơn, khắc phục được nhược điểm cong vênh. Cách này cũng mang lại hiệu quả điều trị tốt cho bệnh nhân, nhất là với trường hợp mũi chỉnh sửa, chấn thương hay dị tật bẩm sinh. Với trường hợp biến chứng do lần phẫu thuật trước đó hay bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, qua kỹ thuật mới này, bác sĩ có thể tạo hình lại mũi cho bệnh nhân mà không cần chờ.

"Trước đây, với trường hợp bị biến chứng nhiễm trùng, chảy dịch, bác sĩ phải lấy vật liệu nhân tạo ra, sau đó đợi cả năm mới làm lại mũi được. Việc này có thể khiến bệnh nhân mặc cảm, tự ti. Với kỹ thuật mới, chúng tôi có thể tạo hình được ngay cả khi mũi đang bị nhiễm trùng, viêm tấy. Trên nền tổn thương lớn, sẹo, vùng mũi bị nhiễm trùng, viêm tấy, thậm chí thủng cả mũi, nếu dùng vật liệu nhân tạo thì gần như chắc chắn thất bại (nhiễm trùng lại, thủng mũi tiếp…). Kỹ thuật này cũng phù hợp cho cả những trường hợp dị tật mũi" - PGS Đỗ Quang Hùng phân tích.

PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng thăm khám một bệnh nhân sau khi được “vá” mũi bằng kỹ thuật mới

"Phép mầu" đã đến!

Chị H.T.T.Y (35 tuổi, quốc tịch Việt Nam và Singapore) nhiều năm bị viêm xoang, nghẹt mũi, chảy mủ, cuộc sống ảnh hưởng rất nhiều. Tại Singapore, chị được phẫu thuật điều trị viêm xoang. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, mũi chị bị lệch và liên tục chảy máu, nhiễm trùng… Dù được bác sĩ Singapore phẫu thuật sửa lại mũi nhưng thất bại khiến gương mặt chị biến dạng.

Trở về Việt Nam, chị Y. cũng qua 2 lần phẫu thuật thẩm mỹ để sửa lại mũi nhưng không đạt như mong muốn. Biết Bệnh viện Chợ Rẫy có thể sửa được, chị tìm tới và "phép mầu" đã đến. Các bác sĩ tái tạo hình mũi cho chị thành công. Chị lấy lại sự tự tin với dung mạo mới sau tháng ngày khổ sở.

Theo PGS Đỗ Quang Hùng, việc tạo hình mũi bằng sụn sườn thì thế giới vẫn làm song họ lấy nguyên khối nên sau một thời gian, sụn sẽ cong vênh. Kỹ thuật trong phương pháp của ông và đồng sự khắc phục được những hạn chế đó, tránh biến chứng vì sụn sườn được dập mềm, cắt mịn, sau đó mới đưa vào tạo hình sống mũi.

Với 35 năm kinh nghiệm, qua gần 7 năm thực hiện kỹ thuật mới này, bác sĩ Hùng cùng cộng sự đã thực hiện hàng ngàn ca tạo hình thẩm mỹ mũi hiệu quả tốt, tránh được tình trạng cong vênh. Kỹ thuật tạo hình sáng tạo này giải quyết được nhiều trường hợp trước đây không thực hiện được hoặc sau phẫu thuật gặp các biến chứng.

"Kỹ thuật này mang lại hiệu quả điều trị tốt cho bệnh nhân, nhất là với trường hợp mũi chỉnh sửa lại, bị chấn thương hay dị tật bẩm sinh, khắc phục được những khiếm khuyết. Kỹ thuật này cũng làm giảm bớt gánh nặng về tâm lý, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh" - bác sĩ Hùng nhìn nhận.

Nhấn mạnh về sự an toàn của kỹ thuật mới, PGS Đỗ Quang Hùng cho biết việc lấy sụn sườn phải được thực hiện tại các bệnh viện có khoa thẩm mỹ tạo hình. Với các bác sĩ được đào tạo, huấn luyện bài bản, kỹ thuật lấy sụn sườn bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh biến chứng có thể xảy ra.

Tiếng lành đồn xa, biết được công trình nghiên cứu của PGS Đỗ Quang Hùng đoạt Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt", đóng góp lớn cho thành tựu y khoa Việt Nam, nhiều bạn bè, cựu học sinh, đồng nghiệp khắp nơi đã gửi lời chúc mừng, chia sẻ niềm vui. Họ bày tỏ sự ngưỡng mộ, tự hào trước đôi tay tài hoa của người thầy thuốc này.

Hãnh diện về cựu học trò của mình, ông Nguyễn Trung Quân - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Tổng hợp Nguyễn An Ninh trước năm 1975, nay định cư ở Mỹ - chia sẻ trên trang cá nhân: "Rất vui trước thành quả tuyệt vời của em. Niềm vui của Hùng cũng là niềm hãnh diện, tự hào của thầy cô, bè bạn...".

Tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường cũ được tổ chức trực tuyến mới đây, PGS Đỗ Quang Hùng đã kể lại những tháng ngày gian khó đưa ông đến với nghề y cũng như thực hiện nghĩa vụ của một người lính bảo vệ biên cương Tổ quốc song không quên bày tỏ lòng "tôn sư trọng đạo".

"Nửa thế kỷ trôi qua, hôm nay, vô cùng vui mừng và hãnh diện đón nhận tin vui: Bác sĩ Đỗ Quang Hùng đã vinh dự nhận được Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt". Đại gia đình Trường Nguyễn An Ninh hân hoan chia vui và xin chúc mừng thành quả một đời cống hiến của bạn" - một người bạn cũ gửi gắm tình cảm.

Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trong tương lai, kỹ thuật của PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng và đồng sự sẽ tiếp tục phát triển ngày càng tốt hơn, đặc biệt là trong điều trị các biến chứng, dị tật bẩm sinh.

"Công trình nghiên cứu của PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng và ThS-BS Lê Hoàng Vĩnh ngoài việc đem tiếng vang về cho bệnh viện còn góp phần mở thêm kỳ tích cho y học nước nhà. Trân trọng chúc mừng các tác giả đoạt giải thưởng vì những cống hiến cũng như góp phần trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe người bệnh, cộng đồng" - lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh.

100% bệnh nhân hài lòng

Từ tháng 6-2017 đến tháng 7-2022, Bệnh viện Chợ Rẫy "vá" mũi cho 259 người, gồm 57 nam và 202 nữ, tuổi nhỏ nhất là 18 và lớn nhất là 58. Trong đó, gần một nửa từng phẫu thuật mũi một lần, hơn 7% phẫu thuật mũi từ 2 lần trở lên và khoảng 43% phẫu thuật mũi lần đầu. 56% bệnh nhân phẫu thuật để sửa lại mũi đã phẫu thuật trước đó, hơn 15% do dị tật bẩm sinh, 15% do chấn thương và 13% mũi thấp bẩm sinh.

Các bệnh nhân có sự thay đổi đáng kể về chỉ số nhân trắc mũi và 100% giữ được chức năng thông khí bình thường của mũi. Tất cả đều không ghi nhận biến chứng sớm và biến chứng xa của phẫu thuật; không bệnh nhân nào không hài lòng với kết quả phẫu thuật và không trường hợp nào tiêu sụn sau 1 năm.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-2

NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/viet-tiep-ky-tich-y-hoc-viet-dieu-ky-dieu-tu-y-tuong-binh-di-196240225201231315.htm