Việt Nam - Úc: Đối tác Chiến lược Toàn diện

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước và thống nhất cùng thực hiện 6 phương hướng lớn

Nhận lời mời của Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Úc từ ngày 7 đến 9-3.

Sau lễ đón chính thức trọng thể tại Nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra, hai vị Thủ tướng đã có cuộc hội đàm sâu rộng. Hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và thống nhất cùng thực hiện 6 phương hướng lớn để đưa hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Cụ thể, tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; duy trì các cơ chế hợp tác song phương; triển khai hiệu quả các văn kiện ký kết và chuẩn bị xây dựng Chương trình Hành động cho giai đoạn 2024-2028…

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn, tận dụng các tiềm năng của của hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao. Theo đó, hai bên nhất trí tạo thuận lợi cho việc mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản của nhau, hướng tới mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Úc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư tại Úc; hoan nghênh các doanh nghiệp Úc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án chất lượng cao, công nghệ hiện đại, là thế mạnh của Úc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Úc Anthony Albanese. Ảnh: VGP

Thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn. Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; Úc hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam; kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ Úc hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm, sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.

Hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn. Cụ thể, hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa; thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Úc; mở thêm chi nhánh các trường đại học lớn của Úc tại Việt Nam. Thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất hydro xanh tại Việt Nam; hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn. Hai bên nhất trí thúc đẩy ký kết một thỏa thuận hợp tác về du lịch, phấn đấu đưa hai nước lọt vào nhóm các thị trường du lịch hàng đầu của nhau; sớm triển khai Bản ghi nhớ giữa hai chính phủ về hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp Úc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị chính phủ Úc tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Úc sinh sống, lao động, học tập, thành lập các hội đoàn…

Về hợp tác an ninh quốc phòng, hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đối tác Gìn giữ hòa bình; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong đào tạo, huấn luyện, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng dữ liệu quốc gia…

Hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên Hiệp Quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan điểm của Úc về ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, cùng ngày 7-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân đã hội kiến Toàn quyền Úc David Hurley và phu nhân tại Phủ Toàn quyền ở Canberra. Hai nhà lãnh đạo đánh giá việc hai nước nâng cấp quan hệ là dấu mốc quan trọng đưa quan hệ Việt Nam - Úc phát triển sâu sắc và mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Chiều 7-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Thượng viện Úc Sue Lines. Bà Lines bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ vào sự phát triển của đất nước Việt Nam cũng như tương lai tươi sáng của quan hệ hai nước, đồng thời cho biết sẽ sớm thăm Việt Nam.

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã trao Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Úc. Tuyên bố chung nêu rõ việc nâng cấp quan hệ phản ánh kỳ vọng ở tầm mức cao đối với sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Chính phủ hai nước cam kết tiếp tục phát triển quan hệ trên tất cả lĩnh vực, dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng hệ thống chính trị của mỗi nước.

Hai Thủ tướng cũng chứng kiến lễ trao 11 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; gìn giữ hòa bình; bảo vệ người tiêu dùng; xúc tiến thương mại, đầu tư; khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tài chính; ngân hàng; nghiên cứu khoa học để phát triển nông, lâm, thủy sản; lao động; tài nguyên môi trường; và năng lượng, khoáng sản.

Đột phá những lĩnh vực mới

"Chính phủ Úc hết sức coi trọng quan hệ với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; coi trọng vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN; tháng 9-2023 đã đề ra Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á tới năm 2040. Việt Nam cũng coi trọng quan hệ với Úc cũng như vai trò và vị thế của Úc ở khu vực. Quyết tâm và thiện chí của hai bên cùng những lợi ích chiến lược song trùng sẽ vừa là điểm tựa vừa là động lực cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới" - Đại sứ Việt Nam tại Úc Phạm Hùng Tâm nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo ông Tâm, các nhu cầu của thời đại công nghiệp 4.0 cũng mang lại những lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng sạch, hợp tác trong lĩnh vực môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Đồng quan điểm, Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski khẳng định sẽ không có tương lai cho nhiên liệu hóa thạch. Đó là lý do tại sao cả Việt Nam và Úc đã đưa ra cam kết về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vấn đề không chỉ là cố gắng bảo vệ môi trường mà còn mở ra các cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam. "Nếu không chuyển đổi sang chuỗi cung ứng sạch, các sản phẩm của Việt Nam sẽ rất khó bán ra thị trường quốc tế" - Đại sứ Goledzinowski nhận định.

Một số công ty, tập đoàn hàng đầu của Úc dự kiến sẽ có cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm để trao đổi về những cơ hội đầu tư cụ thể. Đại sứ Goledzinowski chia sẻ: "Việt Nam có triển vọng đáng kinh ngạc về năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Vì vậy, tôi nghĩ có rất nhiều lĩnh vực mà Úc và Việt Nam có thể cùng nhau phát triển".

Theo Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, việc nâng cấp mối quan hệ vốn đã bền chặt giữa hai nước được xây dựng và củng cố dựa trên niềm tin chiến lược, sự tôn trọng lẫn nhau và tầm nhìn chung về khu vực. Ngoài các lĩnh vực hợp tác then chốt trước đây như quốc phòng và an ninh, kinh tế và giáo dục, đây sẽ là bước ngoặt để mở rộng sang các lĩnh vực mới như khí hậu, môi trường và năng lượng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Minh Châu

DƯƠNG NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/viet-nam-uc-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-196240307213657839.htm