Việt Nam-Trung Quốc: Câu chuyện hai đất nước núi sông liền một dải

'Thực tiễn cho thấy, không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung là phù hợp với nhu cầu và lợi ích, là hòa bình, hợp tác và phát triển lâu bền của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế lớn của thời đại...', nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với TG&VN.

Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ bảy, nhiệm kỳ 2023-2028 với sự tham dự của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ngày 25/11. (Nguồn: TTXVN)

Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ bảy, nhiệm kỳ 2023-2028 với sự tham dự của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ngày 25/11. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, có truyền thống hữu nghị lâu đời. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18/1/1950, hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước đã dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, cả về vật chất lẫn tinh thần trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước.

Sự tương đồng đặc biệt

Nhà ngoại giao kỳ cựu, từng có nhiều năm đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc chia sẻ, hiếm có nước nào trên thế giới hội tụ đầy đủ những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam như Trung Quốc. Trung Quốc vừa là nước láng giềng, nước lớn, bạn bè truyền thống, đặc biệt hai nước có nhiều điểm chung về thể chế chính trị, đều đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và tiến hành Đổi mới, cải cách mở cửa thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Từ những sự tương đồng đặc biệt ấy, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao cho rằng, việc không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc là phù hợp với nhu cầu và lợi ích, là hòa bình, hợp tác và phát triển lâu bền của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế lớn của thời đại. Đó cũng chính là lý do và điều kiện để hai nước tiếp tục nâng cấp lên quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào tháng 6/2008.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nhận định, kể từ dấu mốc quan trọng 15 năm trước, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục xu thế phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, với nhiều hình thức linh hoạt. Đáng chú ý các năm 2015, 2017, hai đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước hai bên thăm lẫn nhau trong cùng một năm. Trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trao đổi tiếp xúc cấp cao, đặc biệt là giữa các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của hai bên vẫn được duy trì mật thiết với hình thức linh hoạt như điện đàm, hội đàm trực tuyến, gửi thư, điện...

Động lực bước sang giai đoạn mới

Đặc biệt là từ ngày 30/10-1/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư cũng là khách cấp cao nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc đón ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyến thăm tạo động lực mạnh mẽ để quan hệ hai nước bước sang giai đoạn mới với “tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất, hiệu quả hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn”.

Tiếp tục cụ thể hóa kết quả chuyến thăm Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân (từ ngày 25-28/6). Chưa đầy ba tháng sau, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) lần thứ 20 tại Quảng Tây (từ ngày 16-19/9). Đúng một tháng sau, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và con đường lần thứ ba tại Bắc Kinh (từ ngày 17-20/10) - hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch nước trong năm 2023. Các chuyến đi của các nhà lãnh đạo Việt Nam duy trì xu thế đi lên và tiếp thêm động lực tích cực mới cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mai đầu tư và du lịch có bước tăng trưởng nhảy vọt, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đã tăng cường khảo sát, đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Tập đoàn Wingtech - nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc và trên thế giới cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn cơ hội đầu tư tại tỉnh Phú Thọ. Tập đoàn Goertek Trung Quốc vừa đầu tư thêm một dự án mới với số vốn 280 triệu USD và mở rộng thêm dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh. Tập đoàn BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc đã đầu tư dự án về linh kiện ô tô tại tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư 269 triệu USD, doanh thu năm 2022 đạt 178 triệu USD....

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, đồng chí Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ đến Việt Nam và cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc từ ngày 1-2/12.

Bên cạnh điểm sáng về hợp tác kinh tế, sự phục hồi về du lịch cũng được Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nhắc tới. Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam. Ví dụ như năm 2019, khách Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm một phần ba tổng khách quốc tế. Mới đây, sau khi Trung Quốc chính thức khôi phục du lịch Việt Nam theo đoàn, mở lại các tuyến bay thương mại, hợp tác du lịch giữa hai bên bắt đầu có nhiều dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ hai trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam.

Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, điểm nhấn khác trong quan hệ hai nước là hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các tỉnh thành Trung Quốc, đặc biệt là Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông... Cho đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.

Các địa phương đã thiết lập và tổ chức định kỳ các cơ chế, chương trình hợp tác với Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam như Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư bốn tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang với Bí thư Quảng Tây. Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông. Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư các tỉnh và Nhóm công tác liên hợp giữa tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hợp tác Hành lang kinh tế giữa năm tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh với Vân Nam... Đầu năm 2023, khi Trung Quốc vừa mở cửa sau Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy của ba địa phương là Hải Nam, Vân Nam và Quảng Tây đã thăm Việt Nam và ta cũng là nước ba Bí thư bạn thăm đầu tiên sau đại dịch.

Bên cạnh hợp tác địa phương, sự giao lưu giữa người dân hai nước cũng diễn ra sôi động. Đến nay, hai bên đã tổ chức 19 kỳ Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung, ba kỳ Đại liên hoan thanh niên Việt - Trung với quy mô hàng nghìn người tham dự và 11 lần diễn đàn nhân dân Việt-Trung đã diễn ra... Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta khi thăm Trung Quốc cũng đều có các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị giữa nhân dân hai nước; qua đó, góp phần tăng cường hiểu biết, tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Phù hợp với xu thế tất yếu

Người dân hai nước thường nói, bạn bè giúp nhau trong khi hoạn nạn mới thực sự là bạn. Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam đã sớm cung cấp nhiều vật tư y tế hỗ trợ Trung Quốc phòng chống dịch. Trong dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam… Điều này thể hiện truyền thống tốt đẹp tương trợ lẫn nhau những lúc khó khăn giữa hai nước.

Những thành quả trong quan hệ Việt - Trung suốt hơn bảy thập kỷ qua, và đặc biệt là từ sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 là tài sản quý báu và là cơ sở vững chắc để nhân dân hai nước tiếp tục vững bước trên con đường hợp tác, phát triển, hòa bình và hữu nghị.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có nhiều biến đổi phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, nhất là các vấn đề về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, xung đột tôn giáo, sắc tộc... đang đặt ra những thách thức to lớn cho từng nước, từng khu vực và nhân loại.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện những tầm nhìn, mục tiêu phát triển dài hạn của mỗi nước mà Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong giai đoạn mới, phù hợp với nhu cầu và lợi ích phát triển lâu bền của nhân dân hai nước và xu thế lớn của thời đại.

Đức Trí

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-trung-quoc-cau-chuyen-hai-dat-nuoc-nui-song-lien-mot-dai-252036.html