Việt Nam trong hành trình ASEAN

Tham gia ASEAN vào thời điểm bắt đầu hội nhập, hành trình gắn bó cùng ASEAN gần 30 năm qua thể hiện nhất quán chủ trương của Việt Nam, luôn nỗ lực và đóng góp hết mình vì một ASEAN đoàn kết và phát triển vững mạnh.

Dù với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 hay là thành viên, Việt Nam luôn tích cực, trách nhiệm và chủ động trong Hiệp hội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Dù với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 hay là thành viên, Việt Nam luôn tích cực, trách nhiệm và chủ động trong Hiệp hội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tinh thần đó của Việt Nam luôn được ASEAN, các đối tác ghi nhận và đánh giá cao. Gần đây nhất, trao đổi với báo chí, Tổng thư ký ASEAN, Tiến sĩ Kao Kim Hourn đã đánh giá cao sự tích cực, chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, đồng thời cho rằng Việt Nam có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu cho các nước trong khu vực.

Tổng thư ký Kao Kim Hourn nhấn mạnh, kể từ khi gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995, Việt Nam đóng vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm, trong đó có việc thúc đẩy ASEAN kết nạp các thành viên mới, đưa tổ chức này quy tụ toàn bộ các nước lục địa và quần đảo trong khu vực và không còn bị chia rẽ về mặt địa lý.

Theo ông, Việt Nam tạo được dấu ấn riêng trong tổ chức khu vực này và gặt hái nhiều thành công trong ba lần giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 1998, 2010 và 2020. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động liên kết ASEAN, luân phiên đảm nhiệm vai trò quốc gia điều phối quan hệ với các nước đối tác đối thoại, đảm trách nhiều vai trò quan trọng trong các tổ chức toàn cầu như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc...

Bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng vai trò thành viên chủ động, tích cực của ASEAN, Tổng thư ký Kao Kim Hourn cho rằng, Việt Nam có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu cho các nước trong khu vực, ví dụ trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, quản lý thiên tai, thúc đẩy sự tham gia của các đối tác bên ngoài, song song với việc tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực và trụ cột cộng đồng, cũng như hỗ trợ phát triển các tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng sông Mekong.

Ấn tượng trước dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN, trong một lần chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải – Giảng viên cao cấp thuộc Đại học Công nghệ Queensland (Australia) đã khái quát những đóng góp của Việt Nam trong ASEAN dựa trên ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, với mỗi cộng đồng, Việt Nam đều có những đóng góp cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và mới đây nhất là Tầm nhìn về Cộng đồng ASEAN đến năm 2025.

Về Cộng đồng An ninh - chính trị, Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và thông qua các văn kiện cơ bản, làm nền tảng và định hướng cho việc xây dựng và thực hiện cộng đồng này. Các văn kiện đó bao gồm Tuyên bố Bali II (năm 2003) và Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị - an ninh ASEAN 2025 (năm 2016).

Chuyên gia nhận định Việt Nam cũng đã làm tốt vai trò điều phối ASEAN trong quan hệ song phương giữa ASEAN với các đối tác, hoặc đại diện cho tiếng nói của ASEAN trong các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai (2020-2021), Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức phiên thảo luận đầu tiên của Hội đồng Bảo an về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN, cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm và sự hiện diện của ASEAN trong Hội đồng Bảo an trong giải quyết các vấn đề khu vực.

Về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh Việt Nam cam kết thực hiện 95,5% các cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng, trở thành một trong những nước thành viên có tỷ lệ thực hiện cam kết cao nhất, chỉ sau Singapore.

Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã thành công trong việc kêu gọi các thành viên ra “Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững”, khẳng định quyết tâm củng cố và xây dựng cộng đồng. Mới đây, dưới sự chủ trì của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thúc đẩy thành công việc ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới.

Trong Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đánh giá Việt Nam là nước đi đầu trong khu vực lên ý tưởng về một cộng đồng văn hóa - xã hội. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đề xuất và chủ trì xây dựng hai văn kiện quan trọng, bao gồm Tuyên bố Hà Nội về Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN; Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong Năm Chủ tịch 2020, Việt Nam đã chủ trì xây dựng Tầm nhìn đến năm 2025 và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025.

Như vậy, có thể thấy rõ trong mỗi chặng đường phát triển của ASEAN đều có dấu ấn riêng của Việt Nam với vai trò là một thành viên tích cực, chủ động, hết lòng vì một ASEAN phát triển thịnh vượng.

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-trong-hanh-trinh-asean-240390.html