Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn du lịch mới của Đông Nam Á

Với cảnh quan đa dạng, từ những thiên đường biển đảo, ruộng bậc thang, đồi núi, đến các đô thị nhộn nhịp, Việt Nam trở thành một điểm đến phổ biến nhất ở Đông Nam Á.

Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An

Một trong những địa chỉ du lịch được tìm kiếm nhiều nhất

Theo báo cáo của Google Destination Insights, Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ 7 trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 6 vừa qua. Đây là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 20 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất. Sự nổi lên của du lịch Việt Nam thể hiện qua số lượng khách quốc tế. Số liệu do Tổng cục Du lịch công bố cho thấy, Việt Nam đã đón hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2023, vượt tổng lượng khách quốc tế trong cả năm 2022. Sự gia tăng chủ yếu đến từ du khách Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Thời gian gần đây, tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam liên tục được nhắc tới. Đầu tháng 7, Tạp chí du lịch Wanderlust của Anh đã lựa chọn 16 di sản để gợi ý độc giả nên ghé thăm, trong đó Việt Nam có 3 di sản là Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Còn theo chuyên trang du lịch The Travel của Canada, Việt Nam là một trong 10 quốc gia lý tưởng hàng đầu có giá cả phải chăng để làm việc từ xa trên toàn thế giới. The Travel nhận định, không có nơi nào cung cấp đầy đủ mọi thứ cho khách du lịch toàn cầu như Việt Nam. Những món ăn tuyệt vời nổi tiếng thế giới, phong cảnh siêu thực cùng sự thân thiện, mến khách của người dân đã tạo nên thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú tại Việt Nam thường có giá cả phải chăng và đi kèm chất lượng dịch vụ tốt.

Theo nghiên cứu mới đây của Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) về đánh giá thương hiệu du lịch Việt Nam, 87% người trả lời đánh giá món ăn và ẩm thực tuyệt vời; 83% lựa chọn Việt Nam có nền văn hóa đậm đà, giàu bản sắc; 62% lựa chọn con người Việt Nam thân thiện, nồng hậu; 54% chọn Việt Nam có những bãi biển đẹp… Điều này chứng tỏ tài nguyên văn hóa của Việt Nam được du khách trong nước và quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao.

Nhiều tờ báo trên thế giới cho rằng du khách chú ý tới Việt Nam là nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok hay các kênh quảng cáo của Google và ảnh hưởng từ các cộng đồng du lịch lớn. Tuy nhiên, hình ảnh của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế trước hết là nhờ những nỗ lực của chính Việt Nam trong thời gian qua.

Trước hết, Chính phủ Việt Nam gần đây đã phê duyệt chính sách thị thực mới cho du khách quốc tế, tăng gấp ba lần thời gian miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày đối với một số quốc gia. Đối với du khách từ các quốc gia đủ điều kiện để xin thị thực điện tử vào Việt Nam, thị thực hiện sẽ có hiệu lực lên đến 90 ngày với một hoặc nhiều lần nhập cảnh. Những thay đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15-8 và nó được hy vọng là sẽ tạo một động lực mạnh thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam.

Viện kinh tế và hòa bình (IEP) có trụ sở tại Australia thì nhấn mạnh tới yếu tố bình yên của Việt Nam. Theo IEP, thế giới hiện nay kém yên bình hơn đáng kể so với năm 2008. Tuy nhiên, xét trên 3 lĩnh vực quan trọng là xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra, an toàn và an ninh xã hội, quân sự hóa, Việt Nam xếp thứ 41 trong danh sách 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 4 bậc so với năm ngoái.

Còn theo Booking.com, Việt Nam là thị trường duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được xếp vào nhóm tiếp cận du lịch thận trọng, có tinh thần trách nhiệm với môi trường và mong muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương. Thông tin này khá bất ngờ do lâu nay khách du lịch Việt Nam bị than phiền bởi những thói quen chưa đẹp như xả rác bừa bãi, khai thác cạn kiệt tài nguyên du lịch bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Thực trạng đó khiến người Việt bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới du lịch bền vững, có trách nhiệm, đặc biệt là trong bối cảnh mà vấn đề bảo vệ môi trường đang nổi lên trên toàn cầu. Đây cũng là điểm hấp dẫn với du khách quốc tế.

Phấn đấu có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới

Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu du khách trong 6 tháng cuối năm 2023. Con số này được dự báo có thể sẽ tăng lên 10 triệu. Theo nhận định của nhà phân tích Bowerman, trước đại dịch Việt Nam có thể chưa được xem là đối thủ cạnh tranh nặng ký của Thái Lan. Nhưng gần đây, Việt Nam được xem như một thế lực mới nổi, một điểm đến lớn tiếp theo trong ngành du lịch ở Đông Nam Á.

Theo chiến lược phát triển đến năm 2030, ngành du lịch phấn đấu thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Các chỉ tiêu cụ thể là phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 đến 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD).

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được mức giống như trước đại dịch. Năm 2019, Việt Nam đón gần 19 triệu lượt khách quốc tế. Vì vậy, Việt Nam còn phải làm nhiều việc để thu hút khách quốc tế. Trước hết, cần hoàn thiện thể chế, rà soát, quy hoạch tổng thể. Có kế hoạch khai thác, sử dụng, dự trữ, tái tạo các lợi thế của du lịch Việt Nam. Phát triển kết cấu hạ tầng và liên kết vùng, miền, phục vụ cho việc liên kết các địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi một cách hợp lý. Phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, địa phương, mỗi điểm đến cần mang dấu ấn đặc sắc riêng để thỏa mãn nhu cầu của du khách, tránh tình trạng để các điểm du lịch manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy mô, thiếu chuyên nghiệp.

Tiếp đó là cần đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách nước ngoài. Các loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe rất cần được quan tâm. Thêm vào đó, cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để quảng bá và bán sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm của khách du lịch đối với các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến du lịch như công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) giúp khách hàng trải nghiệm các điểm đến trước chuyến du lịch.

Việt Nam cũng còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng các loại hình du lịch hiện nay. Vì vậy, việc tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để bảo đảm đủ số lượng và chất lượng cần phải quan tâm. Người lao động cần được quan tâm đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch, bảo đảm sự chuyên môn hóa và thành thục trong các kỹ năng phục vụ. Việc ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong việc cung cấp các dịch vụ và phục vụ khách du lịch, đặc biệt ở các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch cần nhiều lao động, cần được đẩy mạnh. Đi kèm với đó là có chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động trong ngành du lịch để họ yên tâm công tác, đặc biệt là đối với số lao động chất lượng cao, đảm nhiệm các công việc đặc thù trong ngành.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-tro-thanh-diem-hap-dan-du-lich-moi-cua-dong-nam-a-post545312.antd