Việt Nam sẽ hình thành Mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu

Việt Nam sẽ bổ sung mới 37 trạm khí tượng tham chiếu và 16 trạm hải văn tham chiếu đến năm 2050 nhằm hình thành nên Mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của Quy hoạch là phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia từng bước hiện đại, đồng bộ, đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực châu Á và thế giới; có khả năng tích hợp, lồng ghép, kết nối, chia sẻ với mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới trạm khí tượng thủy văn toàn cầu, hệ thống quan trắc chuyên dùng của các ngành.

Từ đó, đáp ứng nhu cầu thông tin, dữ liệu, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn bảo đảm tính kịp thời, độ tin cậy, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn ngang bằng các nước phát triển ở Châu Á và thế giới.

Theo Quy hoạch đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 5.886 trạm khí tượng thủy văn, gồm mạng lưới trạm khí tượng bề mặt, mạng lưới trạm khí tượng nông nghiệp, mạng lưới trạm đo mưa độc lập, mạng lưới trạm khí tượng trên cao, mạng lưới trạm radar thời tiết, mạng lưới trạm định vị sét, mạng lưới trạm thủy văn, hải văn.

Đặc biệt, từ nay đến năm 2050, Việt Nam sẽ hình thành mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu với các trạm khí tượng tham chiếu, trạm thủy văn tham chiếu và trạm hải văn tham chiếu. Trong đó, bên cạnh các hệ thống trạm đã có sẽ bổ sung mới 37 trạm khí tượng tham chiếu, 16 trạm hải văn tham chiếu.

Việt Nam cũng sẽ hình thành mạng lưới trạm chuyên đề, gồm mạng lưới 21 trạm bức xạ, 9 trạm ozon và bức xạ cực tím, hình thành mạng lưới 3 trạm thu ảnh vệ tinh.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ thiết lập và hoàn thiện mạng lưới trạm quan trắc môi trường không khí và nước, mạng lưới trạm đo mặn và mạng lưới trạm khí tượng toàn cầu cũng như mạng lưới trạm radar biển và trạm phao.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm một số loại hình quan trắc mới như trạm quan trắc trên các phương tiện di động như máy bay trinh sát khí tượng, tàu biển, vệ tinh khí tượng và viễn thám, tên lửa khí tượng, thiết bị không người lái và các công nghệ, thiết bị quan trắc hiện đại khác.

Với việc phát triển hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn như trên, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, mật độ bình quân trên toàn mạng lưới đạt mức ngang bằng với các nước phát triển khu vực châu Á, đến năm 2050 mật độ trạm khí tượng thủy văn tự động ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/viet-nam-se-hinh-thanh-mang-luoi-tram-giam-sat-bien-doi-khi-hau-post1628654.tpo